Lãnh đạo Đại học Đà Nẵng tiếp Đoàn công tác Đại học Óbuda, Hungary
Ngày 03/3, PGS.TS. Lê Quang Sơn-Phó Giám đốc Đại học (ĐH) Đà Nẵng đã chủ trì buổi tiếp Đoàn ĐH Óbuda, Hungary do GS. Kovács Levente-Hiệu trưởng dẫn đầu. Cùng tham dự có GS.Felde Imre-Phó Hiệu trưởng ĐH Óbuda và đại diện lãnh đạo các đơn vị hữu quan của ĐH Đà Nẵng (Ban Hợp tác quốc tế, Ban Khoa học Công nghệ và Môi trường, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt-Anh, Viện Khoa học Công nghệ tiên tiến và Trung tâm Phát triển phần mềm).

Toàn cảnh buổi tiếp
Tại buổi tiếp, PGS.TS. Lê Quang Sơn-Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng hân hạnh chào đón Đoàn công tác của ĐH Óbuda đã đến thăm, làm việc với ĐH Đà Nẵng.
Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng Lê Quang Sơn giới thiệu với đối tác những nét tổng quan, nổi bật về ĐH Đà Nẵng hiện có 06 trường ĐH thành viên, 03 viện, khoa, phân hiệu đào tạo trực thuộc với quy mô đào tạo hơn 55 nghìn sinh viên/học viên.
ĐH Đà Nẵng luôn coi trọng chiến lược hợp tác quốc tế, tích cực hội nhập với tiến trình quốc tế hoá giáo dục ĐH, trong đó đã và đang triển khai nhiều dự án, MOU/MOA với các trường ĐH uy tín trên thế giới, trong đó ĐH Óbuda là đối tác gắn bó, quan trọng đối với ĐH Đà Nẵng khi cùng tham gia các chương trình trao đổi cán bộ, giảng viên, hợp tác trong các dự án thuộc khuôn khổ Dự án Eramus.

Lãnh đạo ĐH Đà Nẵng (bên phải)
và ĐH Óbuda trao đổi cơ hội hợp tác
Phát biểu với lãnh đạo ĐH Đà Nẵng, GS. Kovács Levente-Hiệu trưởng ĐH Óbuda bày tỏ niềm vui khi được đến thăm đất nước Việt Nam thân thiện, mến khách, đặc biệt là niềm vinh hạnh được gặp gỡ, làm việc với lãnh đạo và các cán bộ, giảng viên của ĐH Đà Nẵng.
GS. Kovács Levente giới thiệu với ĐH Đà Nẵng về ĐH Óbuda là trường ĐH kỹ thuật được xếp hạng cao nhất ở Hungary với các cơ sở vật chất, các phòng thí nghiệm, nghiên cứu và trung tâm xuất sắc, hiện là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế uy tín, tham gia tích cực các chương trình, thỏa thuận hợp tác tương tự như ĐH Đà Nẵng.
Phía ĐH Óbuda chia sẻ mong muốn trao đổi, tìm hiểu cơ hội hợp tác đào tạo nhất là trong các ngành mà hai bên có nhu cầu, thế mạnh như: Các ngành quản trị kinh doanh, Trí tuệ nhân tạo (AI), Học máy (Machine Learning) với phương thức đào tạo MOOCs (Massive Open Online Courses, gần với E-Learning nhưng thuận tiện cho người học tự đăng ký khoá học, có thể học mọi lúc mọi nơi nhờ hệ thống video/slide bài giảng được cung cấp đầy đủ và có cơ hội thi để được cấp Chứng chỉ)…

Lãnh đạo ĐH Đà Nẵng trao lưu niệm
với Lãnh đạo ĐH Óbuda
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan đã trao đổi, thảo luận đề xuất các ý tưởng, nhu cầu và cơ hội hợp tác như: Tăng cường trao đổi chuyên gia, giảng viên, sinh viên (tổ chức các Research Hub, Research Link, Bootcamp chung cho hai trường); Phối hợp triển khai các phương pháp học tập, nghiên cứu tích cực, ứng dụng công nghệ 4.0 (Machine Learning, Deep Learning, đào tạo cấp Chứng chỉ ngắn hạn trên nền tảng MOOCs); Thúc đẩy các Dự án khuyến khích, hỗ trợ nữ giới “Women in STEAM (science, technology, engineering, arts and mathematics)”, các Dự án gắn kết với cộng đồng…
Trong không khí chân thành, cởi mở, lãnh đạo ĐH Đà Nẵng và ĐH Óbuda ghi nhận các ý tưởng, định hướng đề xuất thúc đẩy hợp tác, nhất là tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở đào tạo thành viên kết nối hợp tác cùng phát huy tiềm năng, lợi thế, hướng tới sự phát triển bền vững và đóng góp hữu ích cho cộng đồng.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Phía ĐH Óbuda đánh giá cao các đề xuất của ĐH Đà Nẵng, trong đó có nội dung nghiên cứu hợp tác trong các dự án ứng dụng AI và chuyển đổi số trong các lĩnh vực như giáo dục, khoa học công nghệ, nông nghiệp công nghệ cao…
Lãnh đạo hai ĐH giao các đơn vị hữu quan tiếp tục xúc tiến, tham mưu, cụ thể hóa các định hướng, cơ hội hợp tác trong đó có trọng tâm tăng cường trao đổi chuyên gia, phối hợp viết bài, nghiên cứu chung (nhất là trong Dự án do hai Chính phủ Hungary và Việt Nam ưu tiên tài trợ), công bố khoa học quốc tế…
Trung tâm TT-HL và Truyền thông ĐHĐN