LIÊN KẾT KHÁC

Đại học Đà Nẵng: Thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng góp phần thực hiện Chiến lược thành phố “thông minh”, thành phố môi trường

Vừa qua, Trường Đại học (ĐH) Sư phạm Kỹ thuật-Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) đã được nghiệm thu và công bố kết quả nghiên cứu đề tài trọng điểm cấp Nhà nước “Nghiên cứu, phát triển một số dịch vụ hỗ trợ và quản lý du khách nhằm phát triển du lịch bền vững theo định hướng thành phố thông minh và Chính phủ điện tử”.

Báo cáo, nghiệm thu đề tài

trọng điểm cấp Nhà nước

Đề tài do nhóm nghiên cứu Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật-ĐHĐN của TS. Trần Hoàng Vũ làm chủ nhiệm, được thực hiện theo “đặt hàng” của thành phố Đà Nẵng từ tháng 10/2017, hoàn thành tháng 4/2020.

Đề tài ứng dụng công nghệ vi dịch vụ trên nền tảng STSC theo đó tích hợp các dịch vụ đáp ứng nhu cầu của cả 03 nhóm đối tượng: Du khách, tổ chức cung cấp dịch vụ du lịch và cơ quan quản lý Nhà nước.

PGS.TS. Phan Cao Thọ-Hiệu trưởng 

Trường ĐH SPKT, đơn vị chủ trì phát biểu 

tại buổi báo cáo, nghiệm thu đề tài 

Kết quả nghiên cứu đã được thực nghiệm tại một số địa chỉ du lịch của Đà Nẵng như các bảo tàng: Mỹ thuật, Điêu khắc Chăm và Bảo tàng Đà Nẵng, Danh thắng Ngũ Hành Sơn, góp phần hỗ trợ phát triển du lịch bền vững phù hợp với định hướng “thành phố thông minh”.

Qua gần 03 năm triển khai đề tài, Nhóm nghiên cứu đã đề xuất các sản phẩm (phần cứng) như: Thẻ du lịch “thông minh” (DaNang City pass); Hệ thống Ki-ốt quảng bá du lịch đa phương tiện, đa ngôn ngữ; Hệ thống kiểm soát vào/ra; Thiết bị POS phục vụ thu phí tại các điểm du lịch…

"Sở Du lịch Đà Nẵng sẽ đồng hành, phối hợp cùng Nhà trường để sớm triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong thời gian đến”,  Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng Tán Văn Vương chia sẻ.

Các nhà khoa học, chuyên gia

phản biện, góp ý cho đề tài 

Trước đó, 02 đề tài của các nhà khoa học ĐHĐN đã được Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) tuyển chọn, đưa vào Danh mục đề tài nghiên cứu ứng dụng tài trợ năm 2020.

Đề tài “Mô-đun sản xuất điện hòa lưới công suất nhỏ từ chất thải sinh hoạt và sản xuất ở nông thôn” do GS.TSKH. Bùi Văn Ga làm chủ nhiệm. Đề tài tập trung nghiên cứu 01 mô-đun sản xuất điện năng hòa lưới công suất nhỏ, linh hoạt, chạy bằng biogas và syngas sản xuất từ chất thải ở nông thôn.

Kết quả nghiên cứu sẽ góp phần giải quyết vấn đề cấp bách để xử lý chất thải trong sinh hoạt và sản xuất phù hợp với Chiến lược xây dựng “thành phố môi trường”, giảm phát thải chất khí gây “hiệu ứng nhà kính”.

Sơ đồ hệ thống truyền dữ liệu gigabit 

cho vùng địa hình phức tạp, thời tiết khắc nghiệt

Đề tài “Phát triển hệ thống truyền dữ liệu gigabit có độ tin cậy cao kết hợp thông minh giữa laser và sóng vô tuyến cho vùng có địa hình phức tạp, thời tiết khắc nghiệt” do PGS.TS. Nguyễn Tấn Hưng, Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến-ĐHĐN làm chủ nhiệm.

Đề tài nghiên cứu phát triển hệ thống truyền dữ liệu tốc độ Gb/s có độ tin cậy cao dựa trên việc kết hợp “thông minh” giữa laser và sóng vô tuyến cho vùng có địa hình phức tạp, thời tiết khắc nghiệt.

Nhóm tác giả của ĐHĐN bày tỏ tin tưởng, công nghệ có tính “đột phá” này sẽ làm thay đổi tương lai của Công nghệ FSO, qua đó đem lại những ứng dụng và hiệu quả phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết của khu vực miền Trung luôn chịu ảnh hưởng bất lợi cũng như thực tế Việt Nam.

Tin Trung tâm TT-HL và Truyền thông ĐHĐN

Print
620 Rate this article:
No rating