Tin tức

Đại học Đà Nẵng tổ chức Hội nghị tổng kết công tác hợp tác quốc tế năm 2023, định hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2024

Sáng ngày 19/1, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ-Giám đốc Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) cùng PGS.TS. Lê Quang Sơn-Phó Giám đốc ĐHĐN đồng chủ trì Hội nghị tổng kết công tác hợp tác quốc tế (HTQT) năm 2023, định hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.

Tham dự Hội nghị có Ông Nguyễn Xuân Bình-Giám đốc Sở Ngoại vụ thành phố Đà Nẵng; đại diện lãnh đạo các phòng chức năng Công an thành phố Đà Nẵng: Thượng tá Lê Thị Hiền Giang- Phó Trưởng phòng Phòng An ninh Chính trị  nội bộ (ANCTNB); Trung tá Nguyễn Quốc Thọ-Phó Trưởng phòng Phòng An ninh đối ngoại (ANĐN); Thiếu tá Hồ Thị Thanh Hà-Phụ trách giải quyết thủ tục xuất nhập cảnh cho người nước ngoài, Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh (QLXNC).

Toàn cảnh Hội nghị được tổ chức tại ĐHĐN 

Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo các trường ĐH thành viên, đại diện Văn phòng và các ban/phòng chức năng của ĐHĐN và các trường thành viên (Khoa học và HTQT, Đào tạo, Kế hoạch-Tài chính, Công tác Học sinh sinh viên); Thủ trưởng các đơn vị thuộc, trực thuộc (Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt-Anh, Khoa Y-Dược, Viện Công nghệ quốc tế DNIIT, Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến, Trung tâm Thông tin-Học liệu và Truyền thông, Trung tâm Nhật Bản, Trung tâm Nghiên cứu Quản lý rủi ro và Khoa học an toàn).

Phát biểu khai mạc Hội nghị, PGS.TS. Lê Quang Sơn-Phó Giám đốc ĐHĐN nhấn mạnh trong bối cảnh toàn cầu hoá của giáo dục ĐH hiện nay, HTQT có vai trò hết sức quan trọng: HTQT đem lại cơ hội cho các trường ĐH tham gia sâu vào tiến trình quốc tế hóa giáo dục ĐH, phát triển năng lực hội nhập, cạnh tranh tích cực, qua đó phát huy tiềm năng, thế mạnh, có thêm những nguồn lực để hợp tác, phát triển bền vững, bắt kịp với các chuẩn mực quốc tế và tham gia xếp hạng ĐH để khẳng định uy tín, chất lượng trên thị trường giáo dục ĐH toàn cầu.


Giám đốc ĐHĐN Nguyễn Ngọc Vũ (bên phải) và Phó Giám đốc ĐHĐN Lê Quang Sơn đồng chủ trì Hội nghị 

Phó Giám đốc ĐHĐN cho biết, ĐHĐN là ĐH Vùng trọng điểm quốc gia, đa ngành, đa lĩnh vực, được Chính phủ quy hoạch phát triển thành ĐH Quốc gia, 1 trong 3 trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và HTQT hàng đầu trong cả nước, có uy tín, vị thế trong khu vực và quốc tế.

Trong suốt hành trình 30 năm xây dựng và phát triển, kế thừa truyền thống, kinh nghiệm 50 năm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của khu vực miền Trung-Tây Nguyên và cả nước, ĐHĐN luôn chú trọng, tăng cường thúc đẩy các hoạt động gắn kết, HTQT, tối đa hóa các nguồn lực để phát triển bền vững.

Với hơn 250 đối tác quốc tế, lĩnh vực HTQT đã đóng góp tích cực, góp phần tạo nên những dấu ấn, thành tựu của ĐHĐN. Thông qua nhiều dự án quốc tế điển hình như các dự án trong khuôn khổ Chương trình Erasmus+, Dự án ODA của World Bank, Dự án Hợp tác đổi mới giáo dục ĐH (PHER)… đã tiếp thêm động lực, nguồn lực, tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển của ĐHĐN trong giai đoạn mới.

PGS.TS. Lê Quang Sơn Phó Giám đốc ĐHĐN phát biểu khai mạc

Hội nghị lần này nhằm đánh giá kết quả, những mặt mạnh để tiếp tục phát huy, quan trọng hơn là nhận diện những hạn chế, tồn tại, bất cập trong năm 2023 để đề xuất, thống nhất định hướng, giải pháp thúc đẩy, cải tiến để hoàn thiện, làm tốt hơn công tác HTQT trong năm 2024.

Nhân dịp này, đại diện lãnh đạo ĐHĐN trân trọng cảm ơn sự quan tâm, đồng hành và hỗ trợ của Bộ Giáo dục Đào tạo, các bộ, ngành và địa phương, đặc biệt là các sở, ban, ngành của thành phố Đà Nẵng như Sở Ngoại vụ, Công an thành phố đối với ĐHĐN cũng như các trường ĐH thành viên trong hoạt động HTQT.

Đại diện lãnh đạo các phòng chức năng Công an thành phố Đà Nẵng báo cáo 

Báo cáo tại Hội nghị, PGS.TS. Phạm Anh Đức-Q. Trưởng Ban Khoa học và HTQT của ĐHĐN cho biết, năm học 2022-2023, ĐHĐN đã ký kết 123 biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU/MOA) với các đối tác là các trường ĐH, tổ chức, doanh nghiệp uy tín quốc tế (32 MOU cấp ĐHĐN và các đơn vị trực thuộc, 91 MOU cấp các trường ĐH thành viên), tăng hơn 200% so với năm học trước.

ĐHĐN và các trường ĐH thành viên, đơn vị thuộc và trực thuộc đã chủ trì, đăng cai tổ chức thành công 26 hội thảo quốc tế; công bố quốc tế hơn 500 bài báo trên các tạp chí uy tín (WoS/Scopus), thúc đẩy kết nối, phát triển mạng lưới các nhà khoa học, chuyên gia và các nhóm nghiên cứu, góp phần tăng thêm vị thế, uy tín quốc tế của Nhà trường, khẳng định ĐHĐN là “điểm đến” thu hút, quy tụ của các sự kiện khoa học lớn;

Đại diện lãnh đạo các phòng chức năng Công an thành phố Đà Nẵng báo cáo 

Tiếp tục triển khai 10 dự án quốc tế từ các nguồn tài trợ khác nhau như: Dự án ODA của World Bank; các dự án PHER của USAID, KOICA, Erasmus+, các dự án từ các đối tác lớn của  Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Bỉ…; tiếp tục ứng tuyển hồ sơ và đấu thầu thành công 03 dự án quốc tế với tổng giá trị gần 2 triệu Euro;

ĐHĐN tiếp tục là “địa chỉ” đào tạo quốc tế uy tín, thu hút 49 giảng viên, chuyên gia quốc tế với gần 700 lưu học sinh của gần 20 quốc gia, vùng lãnh thổ đến học tập, thực tập và nghiên cứu; triển khai nhiều chương trình trao đổi sinh viên quốc tế với gần 350 lượt; huy động, phối hợp cùng các đối tác quốc tế trao hơn 1 tỷ đồng học bổng cho sinh viên; hơn 500 triệu đồng tài trợ miễn phí cho sinh viên tham gia các khóa học tiếng Nhật, cấp học bổng tham gia học kỳ hè và thực tập tại các doanh nghiệp nước ngoài…

Đại diện lãnh đạo các phòng chức năng Công an thành phố Đà Nẵng báo cáo 

Hội nghị đã tích cực thảo luận, trao đổi những nội dung, chia sẻ kinh nghiệm từ thực tiễn; tập trung đề xuất, tháo gỡ những bất cập, hạn chế để phát triển hơn nữa hoạt động HTQT thực hiện chiến lược phát triển ĐHĐN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với những mục tiêu trọng tâm như: (1) Đẩy mạnh thu hút giảng viên/chuyên gia, sinh viên quốc tế; (2) Phát triển các chương trình trao đổi đào tạo/nghiên cứu, thực tập quốc tế, qua đó tăng số lượng sinh viên ĐHĐN có cơ hội trao đổi, học tập, thực tập ở nước ngoài; (3) Nâng cao hiệu quả hoạt động HTQT, gắn kết, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và NCKH; (4) Tiếp tục tăng cường quốc tế hóa giáo dục ĐH, các hoạt động học thuật, giao lưu ngôn ngữ, văn hóa; Đề xuất các nhóm giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyển sinh lưu học sinh/thực tập sinh; nâng cao hiệu quả HTQT trong đào tạo và NCKH; nâng cao hiệu quả công tác quản lý HTQT.

PGS.TS. Phạm Anh Đức-Q.Trưởng Ban Khoa học và HTQT của ĐHĐN báo cáo 

Cũng tại Hội nghị này, các đại biểu được nghe các báo cáo tham luận của đại diện lãnh đạo các trường ĐH thành viên, các đơn vị thuộc và trực thuộc ĐHĐN. Đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng của Công an thành phố Đà Nẵng đã trao đổi, phổ biến, cập nhật các quy định để không ngừng nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong công tác quản lý, triển khai các hoạt động HTQT; Thảo luận và giải đáp các bất cập, vướng mắc từ thực tiễn cơ sở trong HTQT…


Đại diện lãnh đạo các trường ĐH thành viên của ĐHĐN phát biểu 

Phát biểu kết luận Hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ-Giám đốc ĐHĐN ghi nhận và biểu dương, đánh giá cao toàn hệ thống HTQT đã nỗ lực, hoàn thành tốt nhiệm vụ, đóng góp tích cực vào thành quả chung của ĐHĐN trong những năm qua, đặc biệt là những kết quả, dấu ấn trong năm học 2022-2023.

Bên cạnh những kết quả đạt được là toàn diện, nổi bật, Giám đốc ĐHĐN đặt vấn đề sâu sắc, quan trọng hơn là từ thực tiễn hoạt động HTQT của ĐHĐN cũng như các trường ĐH thành viên, đơn vị thuộc và trực thuộc cần phân tích, dự báo đúng tình hình, bối cảnh; nhận diện những hạn chế, bất cập, khó khăn để đề xuất các giải pháp tháo gỡ, khắc phục kịp thời, hiệu quả.


Đại diện lãnh đạo các trường, đơn vị thuộc, trực thuộc ĐHĐN phát biểu

Đánh giá kết quả đạt được không phải chỉ để hài lòng, thỏa mãn bởi chúng ta trăn trở, nhìn nhận lại những kết quả này đã tương xứng, phát huy hết tiềm năng, tiềm lực của mình hay chưa; từ đó hướng đến năm 2024 cần có những trăn trở, suy nghĩ, phát kiến những gì cần phát huy, những gì cần cải tiến, đổi mới để làm tốt hơn nữa công tác HTQT như một “trụ cột” trong chiến lược phát triển ĐHĐN.

Đây cũng là dịp để các lãnh đạo, cán bộ quản lý, phụ trách, tham mưu và tác nghiệp của ĐHĐN và các trường, đơn vị chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm, nhất là các văn phòng, ban chức năng, trung tâm của ĐHĐN với vai trò nòng cốt của Ban Khoa học và HTQT ĐHĐN cần thể hiện rõ nét, tốt hơn nữa vai trò tham mưu, định hướng, huy động nguồn lực, điều phối chung, Giám đốc ĐHĐN chỉ đạo.


Đại diện lãnh đạo các ban chức năng của ĐHĐN phát biểu 

Hội nghị cần tiếp tục nâng tầm nhận thức, quán triệt về vai trò, tầm quan trọng của HTQT, nhất là phải góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và NCKH, do đó HTQT là nhiệm vụ chung của cả ĐH/trường ĐH chứ không chỉ của một đơn vị, bộ phận chuyên trách.

Nhấn mạnh, làm rõ bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa với Cách mạng công nghiệp 4.0, hội nhập quốc tế và đổi mới sáng tạo trở thành 2 từ khóa nổi bật trong các diễn đàn, hội nghị và với sứ mệnh, uy tín, vị thế và truyền thống, kinh nghiệm của mình, “chúng ta không thể đứng ngoài cuộc”. Phương châm của hoạt động HTQT là “thực chất và hiệu quả, có trọng tâm và trọng điểm”, cùng quyết liệt hành động.

PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ Giám đốc ĐHĐN phát biểu kết luận 

Giám đốc ĐHĐN chỉ đạo rõ, sâu sắc và toàn diện từ mục tiêu, nhiệm vụ đến định hướng, giải pháp đối với công tác HTQT trong thời gian đến “tuỳ vào mục tiêu để có giải pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả”. Đơn cử như với các mục tiêu trọng tâm như đẩy mạnh trao đổi giảng viên, quy tụ các nhà khoa học, chuyên gia hay tăng cường trao đổi sinh viên, thu hút lưu học sinh cần có những giải pháp phù hợp, cụ thể, bám sát thực tiễn và khả thi.

Đối với các dự án quốc tế, cần chú trọng đồng bộ từ khâu xây dựng mục tiêu, nội dung dự án, tổ chức kế hoạch, lộ trình cho các đơn vị cùng tham gia; phát huy sức mạnh nguồn lực chung với sự gắn kết, phối hợp nhịp nhàng giữa cấp ĐH vùng và các trường, đơn vị trong triển khai thực tiễn.


Hội nghị đánh giá kết quả, kinh nghiệm từ thực tiễn HTQT năm 2023, định hướng năm 2024 

Đối với việc ký kết, triển khai các MOU/MOA cần đảm bảo hài hòa giữa mục tiêu, yêu cầu nâng cao danh tiếng, uy tín quốc tế với hiệu quả trong triển khai, chú trọng phát huy các nhà khoa học, chuyên gia người Việt ở nước ngoài, các cơ quan, tổ chức, đối tác hỗ trợ làm “cầu nối”, đầu mối kết nối, từ đó rà soát các mục tiêu, nội dung thỏa thuận để nâng cao hiệu quả thực chất.

Đối với việc tổ chức các sự kiện hội nghị, hội thảo quốc tế, bên cạnh những sự kiện tổ chức tốt, chu đáo và đem lại giá trị, hiệu quả cao, vẫn còn những hoạt động với quy mô ý nghĩa khoa học và thực tiễn chưa cao, sức lan tỏa trong học thuật và cộng đồng chưa lớn. Các trường, đơn vị cần coi trọng, nâng cao tính chuyên nghiệp (mời đúng thành phần, sắp xếp đúng vị trí ngồi, giới thiệu đúng đại biểu, phát biểu đúng trọng tâm); tiếp khách quốc tế phải thực chất, đạt được yêu cầu, hài hòa lợi ích của cả hai bên.

Nâng cao nhận thức, tầm quan trọng của HTQT cùng thống nhất hành động quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả 

Lãnh đạo các trường, đơn vị cần sâu sát, am hiểu các quy định và thực tiễn để chỉ đạo kịp thời, quyết liệt, phát huy thế mạnh của mỗi đơn vị trong hoạt động HTQT, phối hợp tốt hơn để nâng tầm các sự kiện, hội nghị, hội thảo ngày càng chuyên nghiệp, quy mô và uy tín cao;

Tăng cường quản lý Nhà nước về công tác HTQT, đảm bảo các quy định là yêu cầu cần quán triệt, nâng cao hơn nữa từ Hội nghị này; Huy động sức mạnh tổng hợp để tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng HTQT từ nhận thức, hành động đến vai trò điều tiết chung của ĐHĐN. Thời gian đến, ĐHĐN sẽ tổ chức tập huấn, giao Ban Khoa học và HTQT tham mưu, chủ trì phối hợp với các trường, đơn vị trong công tác tiếp nhận tài trợ/viện trợ.

Tin từ Trung tâm TT-HL và Truyền thông ĐHĐN

Print
435 Rate this article:
No rating