Hình thành nhóm nghiên cứu liên ngành công nghệ Metaverse và chuyển đổi số, xu thế mới trong Cách mạng 4.0
Metaverse (Meta-universe) đang trở thành một xu hướng công nghệ mới có sự kết hợp giữa công nghệ ảo và không gian 3 chiều, được coi là bước phát triển tiếp theo của Internet, đang được các tập đoàn hàng đầu trên thế giới như Meta, Google, Microsoft tập trung đầu tư nghiên cứu.
Đón đầu xu thế đó, Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) đã thành lập Nhóm nghiên cứu liên ngành về công nghệ Metaverse và chuyển đổi số (The University of Danang-Teaching and Research Group for Metaverse and Digital Tranformation Technologies, viết tắt là METLAB) với vai trò đầu mối kết nối của Trung tâm Phát triển Phần mềm ĐHĐN (Software Development Center-SDC) quy tụ nhiều chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước (Quyết định thành lập số 1466/QĐ-ĐHĐN).

Metaverse đang trở thành một xu hướng công nghệ mới trong Cách mạng 4.0
Theo TS. Trịnh Công Duy-Giám đốc SDC cho biết, sứ mệnh và định hướng trọng tâm của METLAB hướng tới một mô hình tiêu biểu cho các nhóm nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực công nghệ tiên tiến, phù hợp với chiến lược hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh của ĐHĐN, vừa quy tụ, có tính liên ngành, vừa năng động, gắn kết giữa nghiên cứu và ứng dụng, giữa trung tâm trong trường đại học với các tổ chức, doanh nghiệp, đối tác vì lợi ích chung.

Đại diện METLAB chia sẻ tại Hội thảo về nghiên cứu sản xuất công nghệ lõi
Theo Đề án thành lập và tổ chức hoạt động, METLAB chú trọng tính hiệu quả và chất lượng của các công trình, kết quả nghiên cứu phải đáp ứng được yêu cầu về trình độ, chuẩn mực quốc tế; khuyến khích hỗ trợ các công bố khoa học quốc tế; xây dựng và phát triển tiềm lực đội ngũ, trong đó có các nghiên cứu viên đủ năng lực và tính chuyên nghiệp cao; chú trọng yếu tố tích hợp liên ngành; huy động nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất, đặc biệt là các phòng thí nghiệm công nghệ cao với trang thiết bị hiện đại, đủ sức thực hiện các nghiên cứu khoa học có tính liên ngành, đột phá và chuyên sâu; tăng cường thúc đẩy hợp tác nhà trường và doanh nghiệp đưa sản phẩm, tri thức mới có tính thương mại chuyển giao, ứng dụng vào thực tiễn…

Ứng dụng Metaverse để kiến tạo các văn phòng làm việc ảo không biên giới
Việc hình thành METLAB là bước khởi đầu cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu hợp tác nghiên cứu phát triển liên ngành trong các lĩnh vực năng động như: Công nghệ thông tin; Truyền thông và Kinh tế số…
Điều này sẽ góp phần tạo nền móng hình thành, phát triển các nhóm nghiên cứu liên ngành, gắn kết giữa cơ sở giáo dục đại học với các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Có như vậy mới huy động thêm các nguồn lực, thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng công nghệ Metaverse, đem lại những giá trị kinh tế, dịch vụ và tiện ích phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và nhu cầu cuộc sống.
Tin Trung tâm Phát triển Phần mềm
và Trung tâm TT-HL&Truyền thông ĐHĐN