Hội nghị Tổng kết hoạt động các Nhóm nghiên cứu - giảng dạy giai đoạn 2014 - 2019 và định hướng phát triển
Chiều ngày 11/10/2019, Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động các Nhóm nghiên cứu - giảng dạy (Teaching Research Team-TRT) giai đoạn 2014-2019 và định hướng phát triển. Tham dự Hội nghị có sự hiện diện của PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ-Giám đốc ĐHĐN, PGS.TS. Lê Quang Sơn-Phó Giám đốc ĐHĐN, GS.TSKH. Bùi Văn Ga-Tổng biên tập Tạp chí Khoa học Công nghệ (KHCN) ĐHĐN, đại diện lãnh đạo các trường, đơn vị thành viên, đại diện lãnh đạo Ban KHCN và Môi trường ĐHĐN và các nhà khoa học cùng các nhóm TRT của ĐHĐN.
Toàn cảnh Hội nghị
Phát biểu với Hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ-Giám đốc ĐHĐN khẳng định đào tạo và nghiên cứu khoa học là hai nhiệm vụ trọng tâm, gắn kết, góp phần vào sự phát triển bền vững của các trường đại học đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh, hội nhập với giáo dục đại học thế giới. Hội nghị lần này nhằm đánh giá, ghi nhận những kết quả, hoạt động của các nhóm TRT trong thời gian qua, đồng thời đề ra những giải pháp đổi mới, định hướng để phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh cho ĐHĐN trong giai đoạn mới. ĐHĐN mong muốn các nhà khoa học, đại biểu cùng “hiến kế” nhằm thúc đẩy hoạt động của các nhóm TRT, đóng góp hiệu quả hơn nữa cho ĐHĐN nói chung, hoạt động nghiên cứu khoa học nói riêng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới-PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ nhấn mạnh.
PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ-Giám đốc ĐHĐN, PGS.TS. Lê Quang Sơn-Phó Giám đốc ĐHĐN chủ trì Hội nghị
Tại Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Lê Hùng – Trưởng ban, Ban Khoa học Công nghệ Môi trường, ĐHĐN đã trình bày báo cáo tổng kết hoạt động các Nhóm nghiên cứu – giảng dạy giai đoạn 2014 – 2019 và định hướng phát triển. Theo báo cáo, ĐHĐN hiện có 40 nhóm TRT, đã và đang thực hiện 15 đề tài KHCN cấp Nhà nước, 01 chương trình KHCN cấp Bộ, 43 đề tài cấp Bộ, 24 đề tài cấp tỉnh, thành, 05 bằng phát minh sáng chế, công bố quốc tế chiếm 1/3 tổng số bài báo thuộc hệ thống ISI và Scopus của ĐHĐN. PGS.TS. Nguyễn Lê Hùng đề xuất một số giải pháp về đổi mới tổ chức, nâng cao tiềm lực đội ngũ, cơ sở vật chất, điều kiện hỗ trợ và cơ chế đánh giá hiệu quả đối với các nhóm TRT nhằm đáp ứng các tiêu chí để xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, góp phần nâng cao uy tín và xếp hạng đại học của ĐHĐN.
PGS.TS. Nguyễn Lê Hùng - Trưởng ban Ban KHCN và Môi trường ĐHĐN báo cáo tại Hội nghị
Các nhà khoa học, đại diện các nhóm TRT đã tập trung thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến để đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các nhóm TRT như: Xây dựng các chính sách hỗ trợ, tạo môi trường điều kiện thuận lợi; Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị thí nghiệm hiện đại, cơ sở dữ liệu khoa học, tài chính; Cải tiến chính sách khen thưởng; Xây dựng cơ chế mời các nhà khoa học có uy tín cao trong nước và quốc tế cộng tác, giữ vai trò trưởng nhóm, "dẫn dắt" các nhóm TRT; Sớm hình thành, phát triển một số nhóm nghiên cứu mũi nhọn, liên ngành, có công trình, sản phẩm mang hàm lượng giá trị khoa học, thực tiễn cao, GS.TSKH Bùi Văn Ga nhấn mạnh, cần phải có sự quan tâm đầu tư hỗ trợ cho khoa học...
Các nhà khoa học phát biểu thảo luận
Đại diện lãnh đạo các trường thành viên đã phát biểu khẳng định sự cần thiết phải củng cố, nâng cao hiệu quả tổ chức hoạt động, bên canhj tăng cường đầu tư, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ cũng cần có sự tuyển chọn, sàng lọc, định hướng phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh theo hướng "tự chủ", không chỉ thụ động, phụ thuộc vào sự đầu tư của Nhà trường; cần tăng cường kết nối để có những nghiên cứu liên ngành, gắn kết đào tạo và nghiên cứu khoa học, Nhà trường và doanh nghiệp. Các cán bộ nghiên cứu trẻ trong các nhóm TRT cũng thẳng thắn nêu lên một số vấn đề còn khó khăn, bất cập, mong muốn được lãnh đạo ĐHĐN và các trường thành viên quan tâm, chỉ đạo tháo gỡ.
Đại diện các trường thành viên phát biểu tại Hội nghị
Kết luận Hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc ĐHĐN ghi nhận, đánh giá cao vai trò nòng cốt, hạt nhân của các nhóm TRT trong hoạt động KHCN của ĐHĐN và khẳng định ĐHĐN tiếp thu các ý kiến xây dựng tại Hội nghị cũng như mong muốn nhận được nhiều ý kiến, đề xuất giải pháp hiệu quả cho hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo của ĐHĐN. ĐHĐN sẽ tiếp tục đổi mới, vận dụng phù hợp cơ chế chính sách, ban hành, sửa đổi quy chế, các tiêu chí đánh giá, khen thưởng, hỗ trợ để động viên, thúc đẩy phát triển thực chất, hiệu quả hơn nữa hoạt động của các nhóm TRT. ĐHĐN sẽ nghiên cứu chính sách khuyến khích mời các giáo sư, các nhà khoa học uy tín, xuất sắc trong và ngoài nước tham gia, "dẫn dắt", kết nối, tăng cường tiềm lực cho các nhóm TRT, hình thành và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh để ngày càng có nhiều công bố quốc tế có giá trị cao, gắn với nhiệm vụ nghiên cứu khoa học nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn tại các địa phương, khẳng định vai trò liên kết, phát triển vùng và đất nước của ĐHĐN.
Bên cạnh đó, Giám đốc ĐHĐN nhấn mạnh vấn đề cần phải làm thế nào để phát huy tiềm năng sáng tạo của sinh viên là lực lượng đông đảo, có nhiều sản phẩm KHCN có tính sáng tạo và ứng dụng cao. Giám đốc ĐHĐN đề nghị lãnh đạo các trường thành viên có chiến lược phát triển hài hòa, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học, làm sao để vừa tăng cường công bố quốc tế đồng thời có nhiều đóng góp thiết thực, giải quyết bài toán phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, sử dụng quỹ khoa học công nghệ hiệu quả phục vụ cho cả hai định hướng này.
Tin Trung tâm TT-HL và Truyền thông ĐHĐN