Tin tức

Sáng chế máy dọn rác trên bãi biển của nhóm sinh viên Trường Đại học Bách khoa - ĐHĐN

Xuất phát từ vấn đề ô nhiễm rác thải, nhóm sinh viên Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng đã nghiên cứu chế tạo phương tiện thu gom rác thải trên bãi biển nhằm giúp tăng hiệu quả thu gom rác của thành phố.

Nhóm sinh viên gồm: Nguyễn Văn Thịnh, Nguyễn Thành Tâm, Nguyễn Ngọc Huynh, Nguyễn Quý Phi đến từ Khoa Cơ khí Giao thông, trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng, đã nghiên cứu ra phương tiện thu gom rác bãi biển. Theo bạn Nguyễn Văn Thịnh, trưởng nhóm cho biết, xuất phát từ vấn đề ô nhiễm rác thải tại các bãi biển trên địa bàn thành phố (nhất là rác thải nhựa sau những lần sóng biển tấp vào bờ), nhóm đã nghiên cứu chế tạo thiết bị thu gom rác thải trên bờ biển nhằm hỗ trợ các đơn vị có thiết bị máy móc đơn giản nhưng tăng hiệu quả thu gom rác.

Chiếc máy dọn rác bãi biển của nhóm sinh viên Trường ĐH Bách khoa - Đại học Đà Nẵng

“Vì thường tham gia các hoạt động tình nguyện nên em cảm nhận được sự vất vả khi phải dọn lượng lớn rác thải suốt cả ngày trời. Từ đó, nhóm xây dựng ý tưởng về phương tiện thu gom rác bờ biển giúp việc dọn vệ sinh bãi biển hiệu quả, an toàn hơn”, bạn Thịnh chia sẻ.

Với sản phẩm này, rác trên mặt cát sẽ được thu gom lại qua các răng cào rồi lên sàn rung, tại đây rác được loại bỏ hoàn toàn cát, đi vào cửa và luân chuyển vào thúng chứa. Máy có thể lọc được những loại rác nhỏ như ống hút, nắp chai, vỏ ốc. Hiện tại, phương tiện đang được vận hành bằng xăng, nhóm đang nghiên cứu để hướng đến chạy bằng điện và sử dụng pin mặt trời. Ngoài ra, thiết bị sẽ được lắp thêm mô-đun để có thể thu gom rác có kích cỡ lớn như cành cây.

Rác trên bờ biển sẽ được thu gom qua các răng cào

Bạn Nguyễn Ngọc Huynh cho biết, nhóm đã tham khảo các loại máy móc trên thị trường để tìm ra ưu, nhược điểm nhằm hoàn thiện và thiết kế phù hợp với điều kiện hoạt động tại Việt Nam. “Thiết kế xe thu gom rác và cải tạo bề mặt bãi biển hoạt động dựa trên các cơ cấu chuyển động cơ khí sử dụng nguồn động lực từ động cơ đốt trong một xi-lanh và động cơ điện, truyền chuyển động từ động cơ thông qua bộ giảm tốc đến cơ cấu thu gom và băng gạt qua hệ thống xích”, bạn Huynh chia sẻ.

Ngoài ra, sự kết hợp giữa cơ cấu theo nguyên lý cào cát để đưa rác vào sàn rung và cơ cấu theo nguyên lý gạt rác dồn vào thùng chứa. Với đặc điểm đó, xe có thể thu gom được hầu hết tất cả loại rác trên các bãi cát khô lẫn trên bãi cát ướt. Rất phù hợp với đường bờ biển tại Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung.

Máy có thể lọc được những loại rác nhỏ như ống hút, nắp chai, vỏ ốc

Hiện tại nhóm đang hoàn thiện thêm tấm pin năng lượng mặt trời phía trên của xe dọn rác. Thông qua tấm pin mà nguồn năng lượng tự nhiên này được chuyển hóa thành điện năng để phục vụ cho đời sống của con người. Làm giảm phần nào gánh nặng cho lưới điện của quốc gia luôn trong tình hình quá tải, giúp khắc phục tình trạng thiếu điện cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt, không bị gián đoạn trong quá trình sử dụng.

“Một ưu điểm nổi bật của tấm pin chính là tạo ra từ nguồn năng lượng sạch, thân thiện với môi trường, góp phần lớn trong việc bảo vệ môi trường”, bạn Huynh chia sẻ.

Giá hoàn thành một sản phẩm khoảng 350 triệu đồng

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều máy thu gom rác thải có khả năng xử lý rác thải tốt nhưng giá thành lại quá cao. Trong khi đó, với phương tiện này, giá hoàn thành một sản phẩm và cho ra thị trường khoảng 350 triệu đồng. Đây là mức chi phí thấp so với một chiếc máy thu gom rác có tính năng tương tự.

Theo nhóm nghiên cứu, nhóm đã thử nghiệm tại một số bờ biển trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và cho kết quả rất khả quan. “Máy chạy tương đối ổn định, thu gom hầu hết các loại rác vô cơ, hữu cơ, kể cả những loại rác thải khó thu gom như túi ni lông, chai nhựa. Tuy nhiên, vẫn còn một số loại rác thải lớn chưa thu gom được. Nhóm đang nghiên cứu để cho ra một sản phẩm thu gom rác một cách tuyệt đối nhất”, Thành Tâm cho hay.

Sản phẩm nghiên cứu này đã giành giải nhì cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học thành phố Đà Nẵng năm 2019.

Theo Báo Dân trí

Print
3903 Rate this article:
4.1