Đại học Đà Nẵng đăng cai tổ chức Hội thảo về quốc tế hóa giáo dục trong khuôn khổ Dự án HARMONY: Điểm đến hội tụ tri thức và kết nối các đại học Á-Âu
Sáng ngày 03/11/2022, Đại học Đà Nẵng đăng cai tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề: “Quốc tế hóa giáo dục và kết nối các đại học Á - Âu”. Sự kiện nằm trong khuôn khổ Dự án quốc tế trực tuyến không biên giới (HARMONY) do Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ nhằm nâng cao năng lực hội nhập và quốc tế hóa giáo dục đại học (ĐH) của mạng lưới các thành viên góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của Chương trình Erasmus+ kết nối các quốc gia Châu Á với Châu Âu.
Toàn cảnh Hội thảo
Tham dự Phiên Khai mạc tại ĐH Đà Nẵng có sự hiện diện của: Ngài Jesus Lavina-Tham tán, Phó Trưởng Ban Hợp tác Phát triển, Phái đoàn EU tại Việt Nam ; GS. Laurent Sermet-Giám đốc Vùng Châu Á-Thái Bình Dương của Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF); TS. Rafael de Miguel González-Điều phối viên Dự án HARMONY; PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ-Giám đốc ĐH Đà Nẵng; Ông Huỳnh Đức Trường-Giám đốc Sở Ngoại vụ thành phố Đà Nẵng; Ông Nguyễn Ngọc Bình-Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Đà Nẵng; PGS.TS. Lê Quang Sơn-Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng.
PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ Giám đốc ĐH Đà Nẵng phát biểu
Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo các trường ĐH là thành viên của Dự án HARMONY gồm: ĐH Đà Nẵng, ĐH Zaragoza (Tây Ban Nha); ĐH Quản lý Varna (Bulgaria); ĐH Mykolas Romeris (Lithuania); Viện Nghiên cứu và Phát triển Chính sách Châu Âu (Slovenia); ĐH Quốc tế Daffodil, ĐH Khoa học khai phóng (Bangladesh); ĐH Nghiên cứu Quản lý Narsee Monjee, ĐH Hyderabad (Ấn Độ); Học viện Công nghệ Vellore và Trường ĐH Quảng Bình (Việt Nam); đại diện lãnh đạo các trường ĐH thành viên và các đơn vị thuộc, trực thuộc của ĐH Đà Nẵng.
Ông Jesus Lavina-Tham tán, Phó Trưởng Ban Hợp tác phát triển EU phát biểu trực tuyến
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ-Giám đốc ĐH Đà Nẵng trân trọng chào mừng, gửi lời cám ơn đặc biệt đến các vị khách quý, đại diện các cơ quan, tổ chức, các trường ĐH đối tác trong nước, quốc tế đã dành thời gian tham dự sự kiện tại ĐH Đà Nẵng, “nơi hội tụ của tri thức, quốc tế hoá giáo dục ĐH và điểm đến kết nối các ĐH Á-Âu”.
PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ đã giới thiệu những nét tổng quan, nổi bật về ĐH Đà Nẵng là ĐH Vùng trọng điểm, đa lĩnh vực, tiêu biểu của Việt Nam với truyền thống gần 30 năm hình thành, phát triển từ bề dày gần 50 năm lịch sử của các trường ĐH thành viên đã và đang đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao, đóng góp quan trọng đối với sự phát triển giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ và kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung-Tây Nguyên cũng như cả nước.
TS. Rafael de Miguel González Điều phối viên Dự án HARMONY phát biểu
Với 6 trường ĐH thành viên và 7 đơn vị trực thuộc, có quy mô hơn 2500 cán bộ, giảng viên và hơn 50.000 sinh viên, ĐH Đà Nẵng luôn coi trọng tăng cường phát triển mối quan hệ hợp tác với các cơ quan, tổ chức, các trường ĐH uy tín, trong đó có hơn 40 trường ĐH, viện nghiên cứu đối tác trên khắp các quốc gia là thành viên của EU.
Đây là yếu tố giữ vai trò then chốt, góp phần nâng cao năng lực hội nhập, quốc tế hoá giáo dục của ĐH Đà Nẵng, thực sự trở thành các nguồn lực và động lực phát triển xứng tầm là một trong ba trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế uy tín hàng đầu của Việt Nam, vươn tầm khu vực và thế giới.
GS. Laurent Sermet-Giám đốc Vùng Châu Á-Thái Bình Dương Tổ chức AUF phát biểu
Giám đốc ĐHĐN bày tỏ hy vọng, Hội thảo lần này sẽ là cơ hội để các tổ chức, các trường ĐH, nhất là các đối tác trong mạng lưới thành viên Dự án HARMONY cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất các sáng kiến, giải pháp để hợp tác, thúc đẩy tiến trình quốc tế hoá giáo dục ĐH và hội nhập, kết nối các ĐH Á-Âu.
Trân trọng cám ơn Phái đoàn EU tại Việt Nam, Tổ chức AUF, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cũng như các đối tác đã hỗ trợ, đồng hành với sự phát triển của ĐH Đà Nẵng, Giám đốc ĐH Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Vũ tin tưởng, cam kết với vai trò là thành viên nòng cốt của Mạng lưới các trường ĐH Á-Âu, ĐH Đà Nẵng sẽ luôn nỗ lực hết mình, đóng góp tích cực vào thành công của Dự án HARMONY và các dự án quốc tế khác nhằm góp phần hiện thực hoá các mục tiêu của Chương trình Eramus+.
Lãnh đạo ĐH Đà Nẵng và ĐH Zaragora (Tây Ban Nha) với MOU được ký kết
Tại Phiên Khai mạc toàn thể, các đại biểu đã được nghe các bài phát biểu của Ông Jesus Lavina-Tham tán, Phó Trưởng Ban Hợp tác phát triển Phái đoàn EU tại Việt Nam; GS. Rafael de Miguel González-Điều phối viên tài trợ của Dự án HARMONY, ĐH Zaragora (Tây Ban Nha) và Tham luận của GS. Laurent Serment-Giám đốc Vùng Châu Á-Thái Bình Dương, Tổ chức AUF với chủ đề “UNESCO và Giáo dục đại học”.
Hội thảo lần này là sự kiện đầu tiên trong khuôn khổ Dự án HARMONY được tổ chức tại ĐH Đà Nẵng, Việt Nam sau một thời gian chịu tác động, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Đây là Dự án được coi như một điển hình của tiến trình quốc tế hoá, phát triển bền vững giáo dục ĐH tập trung vào chất lượng đào tạo.
Lãnh đạo ĐH Đà Nẵng và ĐH Mykolas Romeris (Lithuania) với MOU được ký kết
Trong bối cảnh thế giới đang chuyển động không ngừng, cần có mô hình hợp tác mới để khắc phục hạn chế, bất cập của phương thức hợp tác truyền thống với sự phân bổ không đồng đều về nguồn lực, do đó chúng ta hãy cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm phát triển, kết nối giữa các trường ĐH Á-Âu, Tham tán Phái đoàn EU tại Việt Nam Jesus Lavina bày tỏ.
Nhân dịp này, ĐH Đà Nẵng đã ký kết các Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) với các ĐH Zaragoza (Tây Ban Nha) và ĐH Mykolas Romeris (Lithuania), qua đó tạo tiền đề thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ, toàn diện trên các lĩnh vực (đào tạo, nghiên cứu khoa học, trao đổi giảng viên, sinh viên và phối hợp tham gia các dự án quốc tế). Kết quả này thực sự là dấu ấn nổi bật góp phần hiện thực các mục tiêu, định hướng của Chương trình Eramus+ và Dự án HARMONY thể hiện rõ nét tính hiệu quả và bền vững.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Hội thảo diễn ra từ ngày 3-4/11 với các phiên thảo luận các chủ đề, nội dung trọng tâm mang tính thời sự như: (1) Quốc tế hoá giáo dục ĐH, kinh nghiệm từ ĐH Đà Nẵng (Việt Nam) và ĐH Zaragora (Tây Ban Nha); (2) Kinh nghiệm thực tiễn của ĐH Mykolas Romeris (Lithuania); (3) Giao lưu sinh viên quốc tế (Friends Teahouse) và Cuộc thi Sáng tạo Videoclip ngắn (Digital Storytelling) dành cho sinh viên; (4) Quốc tế hoá từ thực tiễn các trường ĐH Ấn Độ; (5) Công tác quản lý hợp tác quốc tế tại ĐH Đà Nẵng.
Tại các diễn đàn, các đại biểu bày tỏ sự đồng tình, đánh giá cao đối với các giá trị mà Dự án HARMONY nói riêng, Chương trình Eramus+ của EU nói chung đem lại, đặc biệt là cơ hội để kết nối các ĐH Á-Âu trong tiến trình quốc tế hoá giáo dục với sự cam kết đồng hành, hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức quốc tế uy tín hàng đầu như EU, AUF.
Kính mời xem thêm tin trên Báo Nhân Dân, Tạp chí Đông Nam Á.
Trung tâm TT-HL và Truyền thông ĐHĐN