LIÊN KẾT KHÁC

Giám đốc Đại học Đà Nẵng tham dự, ký kết thỏa thuận với đối tác tại Hội nghị Hợp tác và Đầu tư trong giáo dục - 2022

Ngày 15/9, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội nghị Hợp tác và Đầu tư trong giáo dục năm 2022, theo phương thức kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến, thu hút đông đảo đại biểu đến từ các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục ở Trung ương và địa phương, các tổ chức, cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam, các nhà đầu tư, quỹ đầu tư và các cơ sở giáo dục trong và ngoài nước. PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ-Giám đốc Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) đã tham dự và ký kết thỏa thuận hợp tác với ĐH Western Australia (Úc).


Giám đốc ĐHĐN ký kết MOU 
với ĐH Western Australia (Úc)

Đây là sự kiện quan trọng nhằm hướng đến tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục theo tinh thần của Nghị quyết số 35/NĐ-CP, qua đó thúc đẩy hoạt động hợp tác và hội nhập quốc tế trong trong lĩnh vực giáo dục. Thông qua Hội nghị tạo diễn đàn kết nối, chia sẻ cung-cầu, kinh nghiệm hợp tác, đầu tư của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, đặc biệt là cơ hội hỗ trợ thông tin, hành lang pháp lý cho các hoạt động hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực GDĐT.  

Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc, để tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu Công nghiệp hóa-Hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Chính phủ Việt Nam luôn khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi, mong muốn thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư để tham gia đồng hành, đóng góp phát triển GDĐT.

Sự kiện tạo cơ hội kết nối, chia sẻ cung-cầu, kinh nghiệm hợp tác, đầu tư trong GDĐT 

Nhờ các chính sách vĩ mô trong đó có hợp tác và đầu tư trong giáo dục, hiện cả nước đã có hơn 400 chương trình đào tạo quốc tế được triển khai tại 44 cơ sở giáo dục ĐH (5 cơ sở giáo dục ĐH có vốn đầu tư nước ngoài); thiết lập quan hệ hợp tác giáo dục với hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ và là thành viên tích cực của các tổ chức quốc tế (SEAMEO, ASEAN, ASEM, APEC…); thu hút hơn 600 dự án hợp tác đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục (tổng vốn đầu tư lên đến hơn 4,5 tỉ USD)…

Với truyền thống văn hoá, hiếu học và tôn trọng hiền tài, coi GDĐT là quốc sách hàng đầu, Việt Nam có tiềm năng, cơ hội đầu tư để thu hút nguồn lực cho giáo dục phát triển là rất lớn, đại diện Bộ GDĐT cho biết. 


Lãnh đạo ĐHĐN chụp ảnh lưu niệm 
cùng các đại biểu dự Hội nghị 

Tại Hội nghị, các chuyên gia đã thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm hợp tác đầu tư, khuyến nghị nhiều ý tưởng, giải pháp để đẩy mạnh thu hút đầu tư trong GDĐT, đặc biệt trong bối cảnh thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hội nhập, thích ứng linh hoạt, kiểm soát an toàn với đại dịch Covid-19.

Chứng kiến dấu ấn hợp tác được ký kết giữa lãnh đạo ĐHĐN và ĐH Western Australia (Úc), Đại diện lâm thời Đại sứ quán Úc tại Việt Nam Mark Tattersall đánh giá cao cơ hội hợp tác phát triển GDĐT là lĩnh vực được Chính phủ hai nước quan tâm, hỗ trợ, trong đó ĐHĐN là ĐH hàng đầu với nhiều thỏa thuận hợp tác đã và đang được ký kết, triển khai với các trường ĐH uy tín của Úc (ĐH Queensland, ĐH Sydney, ĐH Monash, ĐH Western Australia…)


Hợp tác đầu tư cho giáo dục ĐH đem lại cơ hội 
sinh viên thụ hưởng môi trường học tập, trang thiết bị thực hành thí nghiệm hiện đại (Sinh viên ĐHĐN tại Innovation Maker Space UD)

Năm học 2022-2023, ĐHĐN lấy chủ đề trọng tâm: "Tăng cường hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp, đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học gắn với yêu cầu thực tiễn vì mục tiêu phát triển bền vững". 

Cùng với dấu ấn vừa chính thức khởi động Dự án hợp tác đổi mới giáo dục đại học (Partnership for Higher Education Reform-PHER) do Cơ quan Hợp tác Phát triển Hoa Kỳ (USAID) tài trợ và ĐH Indiana (Hoa Kỳ) phối hợp để phát triển ba ĐH hàng đầu Việt Nam là ĐHĐN cùng hai ĐH Quốc gia Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2022-2026, ĐHĐN sẽ có thêm nguồn lực, động lực mới để tiếp tục phát triển nhanh, bền vững, khẳng định uy tín, vị thế, đóng góp tích cực cho tiến trình phát triển, hội nhập của giáo dục ĐH nước nhà.

Trung tâm TT-HL và Truyền thông ĐHĐN

Print
286 Rate this article:
No rating