LIÊN KẾT KHÁC

Sáng ngày 18/9/2020, Đại học Đà Nẵng đã tổ chức Hội thảo trực tuyến “Đại học định hướng đổi mới sáng tạo-Quản trị chất lượng và phát triển thương hiệu”.

Sáng ngày 18/9/2020, Đại học Đà Nẵng đã tổ chức Hội thảo trực tuyến “Đại học định hướng đổi mới sáng tạo-Quản trị chất lượng và phát triển thương hiệu”. Diễn giả báo cáo chính tại Hội thảo là GS.TS. Nguyễn Hữu Đức, nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, Tổ trưởng Tổ tư vấn Ủy ban Quốc gia về đổi mới giáo dục và đào tạo (GD&ĐT).

Tham dự Hội thảo có Ban Giám đốc ĐHĐN, đại diện lãnh đạo các trường ĐH thành viên, thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc và hơn 100 cán bộ, giảng viên các ban, phòng chức năng của ĐHĐN.

PGS.TS. Lê Quang Sơn-Phó Giám đốc ĐHĐN

Phát biểu khai mạc (trực tuyến)

Mở đầu Hội thảo, PGS.TS. Lê Quang Sơn-Phó Giám đốc ĐHĐN đã phát biểu khai mạc nêu bật tầm quan trọng của chủ đề Hội thảo theo đó nhấn mạnh vai trò, xu thế của ĐH định hướng đổi mới sáng tạo cũng như yêu cầu quản trị chất lượng và phát triển thương hiệu đối với sự phát triển bền vững của các trường ĐH.

Phó Giám đốc Lê Quang Sơn đã chào mừng và trân trọng cám ơn GS.TS. Nguyễn Hữu Đức đã nhận lời tham gia làm diễn giả báo cáo chính cho Hội thảo, chia sẻ những tri thức và kinh nghiệm quý báu đối với cán bộ, giảng viên ĐHĐN.

GS.TS. Nguyễn Hữu Đức báo cáo tại Hội thảo

Báo cáo tại Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Hữu Đức đã giới thiệu, phân tích những vấn đề tổng quan về tiến trình phát triển quản trị ĐH tiên tiến trên thế giới. GS đã liên hệ, đánh giá khát quát trong điều kiện thực tiễn của các ĐH Việt Nam với các phương thức: Quản trị bằng kinh nghiệm; Quản trị mục tiêu (từ kinh nghiệm của ĐH Quốc gia Hà Nội); Quản trị Quan điểm phát triển; Quản trị Bối cảnh thích ứng với Cách mạng Công nghiệp 4.0 (Mô hình V-SMARTI); Quản trị Chuyển đổi số (Digital Transformation)…

Mô hình V-SMARTI

Tại Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Hữu Đức đã tập trung chia sẻ kinh nghiệm Xếp hạng (Ranking) và Xếp hạng đối sánh (Rating), theo đó giới thiệu Hệ thống UPM (University Performance Metrics) là hệ thống xếp hạng đối sánh do nhóm nghiên cứu ĐH Quốc gia Hà Nội đề xuất và Bộ GD&ĐT chỉ đạo, tài trợ nghiên cứu.

Hệ thống xếp hạng đối sánh UPM

Theo Hệ thống này, các trường ĐH Việt Nam được xếp hạng theo 04 chỉ số (quy mô công bố quốc tế, bài báo trung bình trên giảng viên, trích dẫn trung bình trên bài báo, và nghiên cứu nội lực, trong đó mỗi chỉ số đều có xếp hạng riêng) và gắn “sao” (từ 1 đến 5) cho các trường dựa trên 08 nhóm tiêu chuẩn, 54 tiêu chí (Quản trị chiến lược, Đào tạo, Nghiên cứu, Đổi mới sáng tạo, Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, Công nghệ thông tin và tài nguyên số, Mức độ quốc tế hóa, và Phục vụ cộng đồng).

Đào tạo khởi nghiệp và kỹ năng số

Theo GS.TS. Nguyễn Hữu Đức: “Bộ tiêu chí đánh giá xếp hạng này cần được sự đồng thuận của các trường, coi đó là bộ công cụ đánh giá, nhận diện để xây dựng các chính sách đầu tư phát triển và quy hoạch mạng lưới các trường ĐH Việt Nam”

Mục tiêu của UPM hướng đến khuyến khích các trường ĐH nêu cao tinh thần khởi nghiệp; Thúc đẩy đổi mới sáng tạo; Thực hiện chuyển đổi số; Đào tạo cá thể hoá và Bảo vệ các giá trị đạo đức trong giai đoạn 4.0.

“Các trường có kết quả xếp hạng quốc tế và trong nước tốt sẽ được hỗ trợ, giao nhiệm vụ đầu tư phát triển. Các trường có kết quả đánh giá xếp hạng yếu kém cần được xử lý, đảm bảo trách nhiệm với xã hội”, GS.TS. Nguyễn Hữu Đức chia sẻ.

Thảo luận, trao đổi trực tuyến với các đại biểu

Là một nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực vật lý và quản trị, kiểm định, xếp hạng ĐH, GS.TS. Nguyễn Hữu Đức hiện là Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Vật lý, Chủ tịch Hội đồng khoa học ngành Vật Lý-Quỹ Nafosted, Tổng biên tập sáng lập Tạp chí SCIE duy nhất hiện nay của Việt Nam (có chỉ số ảnh hưởng IF = 3,8). GS là một trong những người tiên phong khởi xướng và thúc đẩy văn hóa nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo-khởi nghiệp, công bố quốc tế và xếp hạng ĐH ở Việt Nam.

Hội thảo đem lại nhiều thông tin hữu ích cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, giảng viên

Thông qua Hội thảo, các cán bộ lãnh đạo, quản lý và giảng viên của ĐHĐN có cơ hội được chia sẻ, trao đổi tri thức, kinh nghiệm về xu thế phát triển và quản trị ĐH theo định hướng đổi mới sáng tạo, từ đó có thêm cơ sở nhận diện, định vị các trường/đơn vị qua đó không ngừng hoàn thiện, triển khai chiến lược phát triển thích ứng với bối cảnh hội nhập giáo dục ĐH thế giới trong Cách mạng công nghiệp 4.0.

Tin Trung tâm TT-HL và Truyền thông ĐHĐN

Print
583 Rate this article:
5.0