Vừa qua, nhóm sinh viên (SV) ANNAM Trường Đại học (ĐH) Bách khoa-Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) gồm: Lê Nhất Chính, Nguyễn Thị Hiền, Đào Duy Anh, Trần Hà Bảo Thi, Nguyễn Hữu Việt, Võ Đặng Văn Thành đã xuất sắc đạt giải Nhất Cuộc thi Dự án Kỹ thuật Phục vụ Cộng đồng (EPICS-2021, Engineering Projects In Community Service) với sản phẩm Găng tay phục hồi chức năng ứng dụng Robot mềm.
Nhóm SV trong quá trình thiết kế, chế tạo Găng tay phục hồi chức năng
Đây là sản phẩm ứng dụng bộ truyền động đàn hồi mềm (các ngón tay mềm được chế tạo từ vật liệu silicon bằng phương pháp đúc, khuôn chế tạo bằng công nghệ in 3D FDM, nhựa PLA) dựa trên kỹ thuật PneuNet tích hợp vào găng tay vải thông thường, được thiết kế thành thiết bị đeo tay giúp người có nhu cầu phục hồi chức năng luyện tập co, duỗi các ngón tay.
Khi tập, các đầu ngón tay có thể chạm đến lòng bàn tay để kích thích xúc giác, giúp người sử dụng sớm phục hồi chức năng, cảm giác. Ngoài ra, sản phẩm còn có thiết bị điều khiển cho người dùng tuỳ chọn chế độ với 3 bài tập cơ bản được tích hợp sẵn. Để đảm bảo an toàn, các linh kiện điện tử được thiết kế lắp đặt tách biệt với người sử dụng.
Nhóm thuyết trình Dự án tại Chung kết Cuộc thi Khởi nghiệp công nghệ trong SV ĐHĐN 2022
Theo SV Lê Nhất Chính, thành viên nhón sáng chế, xuất phát từ nhu cầu thực tế của các bệnh nhân đột quỵ trong thời gian dịch Covid-19 gặp trở ngại đối với việc điều trị phục hồi chức năng tại bệnh viện cần có nhân viên y tế, nhóm đã suy nghĩ, tìm tòi thiết kế Găng tay làm công cụ hỗ trợ bệnh nhân tự luyện tập, tránh phải gián đoạn, ảnh hưởng đến mức độ phục hồi (có trường hợp theo cơ quan y tế, bệnh nhân để lỡ thời điểm vàng có nguy cơ liệt vĩnh viễn).
Sau khoảng 02 tháng khảo sát quá trình điều trị của bệnh nhân bằng việc quan sát, ghi chép các hoạt động điều trị, nhóm đã hoàn thiện ý tưởng thiết kế phiên bản 1.0 Găng tay mới chỉ có chức năng co. Nhận thấy nhu cầu tập duỗi các ngón tay còn quan trọng hơn chức năng co, nhóm mất thêm khoảng 2 tuần để điều chỉnh thiết kế (khoang không khí được thay đổi từ hình vuông sang tam giác), từ đó phát triển lên phiên bản 2.0 và đưa vào thử nghiệm tại Bệnh viện Đà Nẵng.
Đại diện doanh nghiệp đánh giá cao ý tưởng, tính khả thi phát triển của Dự án khởi nghiệp
Nhóm đã theo sát quá trình tự tập của bệnh nhân theo hướng dẫn của các kỹ thuật viên điều trị, kết quả cho thấy, ngón tay mềm đáp ứng được 60% yêu cầu đối với bài tập co, 90% đối với bài tập duỗi. Sản phẩm được các kỹ thuật viên đánh giá đáp ứng được nhu cầu tự tập luyện cơ bản của bệnh nhân, SV Nguyễn Thị Hiền cho biết.
Chi phí chế tạo sản phẩm trong giai đoạn thiết kế khoảng 4,5-5 triệu đồng, thấp hơn các sản phẩm nhập ngoại tương tự trên thị trường. Trong thời gian đến, nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện để giảm giá thành, cải thiện chất lượng, tiện ích, thẩm mỹ như giảm kích thước hộp điều khiển để thuận tiện mang theo sử dụng… thông qua cọ xát, tham gia một số cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo để có thể phát triển thành sản phẩm thương mại, SV Lê Nhất Chính chia sẻ.
Niềm vui khi được trao giải Nhì tại Cuộc thi Khởi nghiệp công nghệ trong SV ĐHĐN 2022
Cùng với các SV Nguyễn Thị Hồng Thắm, Mai Thuỳ Chiêu, Trường Đại học Kinh tế-ĐHĐN, nhóm tiếp tục đạt giải Nhì Cuộc thi Khởi nghiệp công nghệ trong SV ĐHĐN lần thứ II (InTE UD - 2022, Innovative Technology Entrepreneurship the University of Danang).
Thời gian qua, Trường Đại học Bách khoa-ĐHĐN đã tiên phong áp dụng đổi mới phương pháp dạy-học theo dự án (PBL, Project Based Learning). Việc tham gia các chương trình, cuộc thi EPICS trong khuôn khổ Dự án Thúc đẩy hợp tác trường đại học và doanh nghiệp thông qua đổi mới và công nghệ (BUILD-IT) đã góp phần cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo, gắn kết với doanh nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm hữu ích, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, phục vụ cộng đồng. Các chương trình đào tạo nhờ đó chuẩn bị tốt cho việc kiểm định chất lượng theo chuẩn quốc tế.
Điểm đáng ghi nhận là phát huy yếu tố liên ngành không chỉ trong lĩnh vực kỹ thuật-công nghệ mà còn thông qua các “sân chơi” mới như InTE-2022, SV các trường ĐH thành viên của ĐHĐN có thêm nhiều cơ hội kết hợp bổ sung cho nhau để phát triển ý tưởng, dự án “từ sáng tạo đến khởi nghiệp”, qua đó tiếp tục hoàn thiện sản phẩm, thuyết phục thị trường để tìm kiếm các nhà đầu tư tiềm năng trong tương lai.
Trung tâm TT-HL và Truyền thông ĐHĐN