LIÊN KẾT KHÁC

Sinh viên Trường Đại học Kinh tế-ĐHĐN có thêm cơ hội học tập, trao đổi tri thức giữa các trường đại học khối ngành kinh tế hàng đầu của cả nước

Ngày 29/10, PGS.TS. Lê Văn Huy - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học (ĐH) Kinh tế-ĐH Đà Nẵng đã tham dự Lễ Ký kết Thỏa thuận hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu khoa học (NCKH) và đảm bảo chất lượng giáo dục giữa 10 trường ĐH hàng đầu khối ngành kinh tế bao gồm: Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Trường ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng, Trường ĐH Kinh tế - ĐH Huế, Trường ĐH Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh, Trường ĐH Ngoại thương, Trường ĐH Thương mại, Học viện Ngân hàng, Học viện Tài chính và Học viện Chính sách và Phát triển. 


Đại diện lãnh đạo Trường ĐH Kinh tế-ĐHĐN 
(ngoài cùng bên phải) ký kết hợp tác với các trường ĐH hàng đầu  khối ngành kinh tế

Theo PGS.TS Đoàn Ngọc Phi Anh-Trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế-ĐH Đà Nẵng, với Quy chế đào tạo trình độ ĐH hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tạo hành lang pháp lý cho các trường được công nhận đến 50% khối lượng học tập tối thiểu của chương trình đào tạo (CTĐT). Nhờ các trường ĐH trong khối ngành kinh tế như Trường ĐH Kinh tế-ĐH Đà Nẵng thời gian qua rất tích cực tham gia kiểm định các CTĐT, đạt chuẩn Quốc gia, quốc tế nên thuận lợi cho việc các trường hợp tác, công nhận tín chỉ đào tạo của nhau. 

Theo Thỏa thuận hợp tác được ký kết, sinh viên (SV) Trường ĐH Kinh tế-ĐH Đà Nẵng có thêm cơ hội được học tập, nghiên cứu và trao đổi tri thức trong nhóm các trường ĐH kinh tế hàng đầu của cả nước, cụ thể: 

Đối với các khoá đào tạo dài hạn, SV các trường được đăng ký học tập, thực tập/nghiên cứu tại trường có tham gia Thỏa thuận hợp tác tối đa 25 tín chỉ (các học phần đăng ký phải có trong CTĐT của trường tiếp nhận). 

Toàn cảnh Lễ ký kết và Tọa đàm tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân 

Đối với các khoá đào tạo ngắn hạn như trong thời gian hè, SV các trường được đăng ký học tập, thực tập/nghiên cứu tối đa 12 tín chỉ. Các trường có thể mời SV quốc tế theo học các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh, qua đó SV của trường có thêm cơ hội trau dồi, phát triển kỹ năng ngoại ngữ và hội nhập quốc tế. 

Về học phí, SV đăng ký các chương trình đóng học phí theo số tín chỉ được miễn/công nhận tại trường cử đi (không phải đóng học phí cho trường tiếp nhận đào tạo).

Bên cạnh công nhận tín chỉ và hợp tác trao đổi SV, 10 trường ĐH hàng đầu trong khối ngành kinh tế còn thỏa thuận phối hợp tổ chức các khoá đào tạo chung, mời giảng viên của các trường cùng tham gia giảng dạy; chia sẻ bài giảng/giáo trình điện tử; hợp tác triển khai các nhiệm vụ NCKH, tư vấn, phản biện chính sách; đồng tổ chức các hội thảo khoa học uy tín tầm vóc quốc gia/quốc tế…

Dấu ấn hợp tác góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và NCKH 

Để hiện thực các nội dung đã thỏa thuận, các trường sẽ xác định, xây dựng các CTĐT phù hợp, thống nhất phương thức trao đổi SV để các em tìm hiểu, lựa chọn. Dấu ấn liên kết này thực sự đem lại cơ hội cho các trường ở Hà Nội có cơ hội học tập, trải nghiệm ở thành phố Hồ Chí Minh hoặc Đà Nẵng và ngược lại. Hơn thế, các trường có thể hợp tác nghiên cứu liên vùng, liên ngành, qua đó góp phần khẳng định uy tín, học hiệu của các trường ĐH trong khối ngành kinh tế, đóng góp phát triển kinh tế-xã hội của các vùng và đất nước.

Trước đó, Trường ĐH Bách khoa-ĐH Đà Nẵng đã tham gia ký kết các Thỏa thuận hợp tác trong nhóm 07 trường ĐH khối kỹ thuật-công nghệ hàng đầu của cả nước, hướng tới hình thành nhóm các trường tiên phong trong đổi mới giảng dạy, NCKH và chuyển đổi số (Xem thêm tin tại đây). 

Kính mời xem thêm trên các báo VnExpressVietnamnet.

Trung tâm TT-HL và Truyền thông ĐHĐN

Print
631 Rate this article:
No rating