LIÊN KẾT KHÁC

Thiết kế và thực hiện đo lường đánh giá mức độ đạt chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo

Sáng ngày 16/12/2020, đại diện Ban Đảm bảo Chất lượng Giáo dục – Đại học Đà Nẵng (ĐBCLGD - ĐHĐN) đã có bài trình bày tham luận tại hội thảo trực tuyến “Công tác bảo đảm chất lượng giáo dục đại học trong tình hình mới” do Trung tâm Khảo thí và Đánh giá Chất lượng Đào tạo, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. Hội thảo có sự góp mặt của hơn 250 đại biểu đến từ 40 cơ sở giáo dục đại học trong cả nước. Ở điểm cầu ĐHĐN có sự tham gia của lãnh đạo Ban ĐBCLGD và các cán bộ làm công tác ĐBCLGD.

Lãnh đạo Ban ĐBCLGD – ĐHĐN và các cán bộ tham dự tại điểm cầu Đà Nẵng

Cùng với hai bài tham luận của các diễn giả đến từ Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và Trường Đại học Quốc tế thuộc ĐHQG Tp. HCM, bài tham luận “Thiết kế và thực hiện đo lường đánh giá mức độ đạt chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo (CTĐT)” của PGS.TS. Đinh Thành Việt và ThS. Trần Thị Hà Vân, Ban ĐBCLGD - ĐHĐN đã thu hút được sự quan tâm của các đại biểu tham dự hội thảo. Nội dung bài tham luận được chọn làm chủ đề cho thảo luận bàn tròn chia sẻ kinh nghiệm đo lường đánh giá mức độ đạt chuẩn đầu ra của CTĐT.

PGS.TS. Đinh Thành Việt chia sẻ phương pháp thiết kế và thực hiện đo lường đánh giá mức độ đạt chuẩn đầu ra của CTĐT

Phát biểu tại phiên thảo luận của hội thảo, PGS.TS. Đinh Thành Việt nhấn mạnh tầm quan trọng cũng như phương pháp triển khai đo lường đánh giá mức độ người học đạt các chuẩn đầu ra. Bảo đảm chất lượng trong xây dựng và vận hành CTĐT theo chuẩn đầu ra là một trong những yếu tố cốt lõi, quyết định chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục đại học (CSGDĐH). Để bảo đảm chất lượng CTĐT cũng như giải trình với xã hội thì Trường/Khoa cần đo lường mức độ người học đạt các chuẩn đầu ra của CTĐT. Trên cơ sở đó có thể thực hiện rà soát, không ngừng cập nhật, cải tiến chất lượng các CTĐT theo yêu cầu của xã hội, đặc biệt là các yêu cầu của nhà tuyển dụng lao động.

Các đại biểu tham dự thảo luận về đo lường đánh giá mức độ đạt chuẩn đầu ra của CTĐT

Các đại biểu tham dự hội thảo đã thảo luận sôi nổi và nhất trí với quan điểm về trách nhiệm của giảng viên cũng như Trường/Khoa trong việc triển khai đánh giá chuẩn đầu ra. Trong quá trình thiết kế, xây dựng kế hoạch đánh giá, cần phải xác định được các học phần cốt lõi (là học phần hỗ trợ tối đa việc đạt được các chuẩn đầu ra CTĐT), đồng thời thông báo cho giảng viên phụ trách học phần cốt lõi biết để chú trọng trong kiểm tra-đánh giá nhằm đảm bảo độ tin cậy, độ giá trị trong đánh giá chuẩn đầu ra CTĐT.

Việc đo lường và lấy dữ liệu phục vụ đánh giá chuẩn đầu ra CTĐT không chỉ từ các kết quả đánh giá trực tiếp các học phần, thực tập, khóa luận tốt nghiệp…, mà còn thông qua kênh gián tiếp từ việc khảo sát ý kiến của các bên liên quan. Các đại biểu tham dự hội thảo đã cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm trong việc tiến hành khảo sát các bên liên quan (người học, cựu người học và nhà tuyển dụng) về chất lượng CTĐT và chất lượng sinh viên tốt nghiệp để có các điều chỉnh kịp thời và cải tiến liên tục. Theo đó, nếu kết quả khảo sát cho thấy một số kỹ năng hoặc năng lực thực hành nghề nghiệp của sinh viên chưa đạt, Khoa có thể tiến hành bổ sung cho sinh viên bằng các chuyên đề ngoại khóa (ngoài CTĐT).

Phiên thảo luận của hội thảo cũng cho thấy việc triển khai đồng loạt đo lường đánh giá mức độ đạt chuẩn đầu ra CTĐT sẽ có nhiều khó khăn. Do đó, cần căn cứ vào khả năng của mỗi đơn vị, xác định chuyên ngành, lĩnh vực ưu tiên đánh giá trước; đồng thời xây dựng quy trình cụ thể và có chính sách khen thưởng, tạo động lực cho giảng viên trong cải tiến và đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra-đánh giá nhằm đáp ứng chuẩn đầu ra.

Bên cạnh đó, “việc đo lường đánh giá mức độ người học đạt các chuẩn đầu ra của CTĐT và học phần vẫn còn là nội dung khá mới mẻ tại Việt Nam và vẫn chưa được các giảng viên cũng như lãnh đạo các CSGDĐH quan tâm đúng mực. Ngoài ra, việc này vô hình chung có thể làm gia tăng thêm khối lượng công việc cho giảng viên nên cần hết sức cân nhắc để kế hoạch đo lường đánh giá đảm bảo hiệu quả và hợp lý, tránh trở thành áp lực nặng nề cho đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý CTĐT” – PGS.TS Đinh Thành Việt khuyến nghị.

Một số hình ảnh Hội thảo trực tuyến “Công tác bảo đảm chất lượng giáo dục đại học trong tình hình mới” tại điểm cầu ĐHĐN:

Tin Ban ĐBCLGD

Print
3677 Rate this article:
3.3