Triển khai thực hiện Thông tư số 09/2017/TT-BGDĐT ngày 04/4/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành hoặc chuyên ngành đào tạo và đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành hoặc chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ và Công văn 1251/BGDĐT-GDĐH ngày 28/3/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ủy quyền mở ngành đào tạo cho các đại học vùng, Đại học Đà Nẵng đề nghị các cơ sở giáo dục đại học thành viên, các khoa, viện, phân hiệu trực thuộc (sau đây gọi là các cơ sở đào tạo) thực hiện lập hồ sơ đăng ký mở ngành/chuyên ngành (sau đây gọi là ngành) trình độ thạc sĩ, tiến sĩ như sau:
1. Về điều kiện mở ngành
a) Điều kiện mở ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ: thực hiện theo quy định tại Điều 2 và Điều 3 của Thông tư số 09/2017/TT-BGDĐT ngày 04/4/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
b) Đối với những ngành được phép đào tạo trước thời điểm ngày 20/5/2017, trong thời hạn 24 tháng, cơ sở đào tạo phải rà soát, bổ sung đảm bảo đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 và Điểm b Khoản 4 Điều 2 (đối với ngành đào tạo trình độ thạc sĩ), Khoản 2, Khoản 3 và Điểm b Khoản 4 Điều 3 (đối với ngành đào tạo trình độ tiến sĩ) của Thông tư số 09/2017/TT-BGDĐT ngày 04/4/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
2. Về chương trình đào tạo
a) Các cơ sở đào tạo tổ chức xây dựng và thẩm định chương trình đào tạo theo những quy định tại Điều 6 và Điều 7 của Thông tư 07/2015/TT-BGDĐT ngày 16/4/2015 và Công văn 3281/BGDĐT-GDĐH ngày 30/6/2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
b) Ngoài tiêu chuẩn và cơ cấu hội đồng thẩm định quy định tại Thông tư số 07/2015/TT-BGDĐT ngày 16/4/2015, thành viên hội đồng thẩm định phải là số lẻ; các thành viên còn lại của hội đồng thẩm định phải đến từ ít nhất 02 cơ sở đào tạo khác, có kinh nghiệm đào tạo cùng ngành hoặc ngành gần (nếu ngành đăng ký đào tạo là ngành mới) và cùng trình độ với chương trình đào tạo được thẩm định, trong đó có ít nhất 01 giáo sư hoặc phó giáo sư (trừ thành viên đại diện cho đơn vị sử dụng người học sau tốt nghiệp)
c) Hội đồng thẩm định căn cứ vào dự thảo chương trình đào tạo và các quy định hiện hành để thẩm định và kết luận về chương trình đào tạo; đồngthời,căn cứ vào các điều kiện đảm bảo chất lượng thực tế của cơ sở đào tạo đã được xác nhận để đánh giá và kết luận cơ sở đào tạo có đáp ứng yêu cầu đảm bảo chất lượng của chương trình đào tạo theo quy định hiện hành hay không. Đối với những ngành có yêu cầu về máy móc, thiết bị thí nghiệm, thực hành, hội đồng thẩm định kiểm tra điều kiện thực tế trước khi kết luận.
d) Biên bản thẩm định phải có chữ ký, ghi rõ họ tên của chủ tịch và thư ký hội đồng thẩm định và đóng dấu của cơ sở đào tạo. Kết luận của Hội đồng thẩm định phải được ghi rõ một trong những nội dung sau: Hội đồng thông qua chương trình đào tạo, không cần chỉnh sửa, bổ sung hoặc Hội đồng thông qua chương trình đào tạo nhưng yêu cầu phải chỉnh sửa, bổ sung và nêu nội dung cụ thể cần phải chỉnh sửa, bổ sung hoặc Hội đồng không thông qua chương trình đào tạo và nêu lý do không được thông qua.
Xem toàn văn nội dung tại đây.