Tạo cơ hội cho sinh viên ĐHĐN trải nghiệm, hội nhập trong xu thế quốc tế hóa giáo dục

Trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa, quốc tế hóa giáo dục đại học (ĐH) trở thành xu thế, theo đó các trường ĐH thành viên của Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) ngày càng chú trọng kết nối, tạo nhiều cơ hội cho sinh viên (SV) ra nước ngoài học tập, thực tập để trải nghiệm, hội nhập, hướng đến công dân toàn cầu.

02 SV Khoa Khoa học Công nghệ tiên tiến (FAST), Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN: Trương Công Minh (lớp 18ECE) và Nguyễn Quang Phương (lớp 19ES) vừa đón nhận tin vui khi nằm trong Top 32 SV được nhận Học bổng (toàn phần) để theo học tại các trường ĐH của Đài Loan (Trung Quốc) (MOE) ngay trong năm nay.


SV Trương Công Minh, Khoa FAST,

Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN

nhận Học bổng MOE

Theo SV Trương Công Minh, nhờ được học tập, trau dồi kiến thức, nhất là kỹ năng mềm về ngoại ngữ, thuyết trình, tư duy sáng tạo, phản biện và giao tiếp tại Khoa FAST, em may mắn được Học bổng MOE tài trợ học phí và sinh hoạt phí (20.000 Đài tệ, khoảng 16 triệu đồng đối với bậc sau ĐH và 15.000 Đài tệ, khoảng 12 triệu đồng đối với bậc ĐH để có cơ hội học tại các trường ĐH uy tín (thuộc Top 100 theo Bảng xếp hạng QS Asia-2024).

Thư giới thiệu của các thầy, cô nơi SV theo học hoặc của các giáo sư trường tiếp nhận cùng việc chuẩn bị hồ sơ chu đáo, có kế hoạch, lộ trình học tập với mục tiêu rõ ràng sẽ là kinh nghiệm để tăng thêm cơ hội nhận Học bổng nước ngoài.


SV Nguyễn Quang Phương, Khoa FAST,

Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN

nhận Học bổng MOE

Điểm mấu chốt khác là cần chủ động, tranh thủ mọi cơ hội thông qua môi trường năng động như tại Khoa FAST để trau dồi năng lực sử dụng, giao tiếp ngoại ngữ. Việc SV ngay khi vào Trường chủ động, tích cực tham gia nghiên cứu khoa học và các câu lạc bộ học thuật không những được các anh, chị khóa trên chia sẻ kinh nghiệm mà còn tăng thêm minh chứng cho hồ sơ ứng tuyển học bổng thuyết phục hơn, Quang Phương chia sẻ.


Nhóm SV VKU báo cáo trong Chương trình

thực tập, trao đổi SV với Trường ĐH Công nghệ

King Mongkut’s Bắc Bangkok, Thái Lan

Nhóm 06 SV của Trường ĐH Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt-Hàn (VKU)-ĐHĐN cũng vừa hoàn thành đợt thực tập trong khuôn khổ Chương trình trao đổi SV quốc tế giữa VKU với Trường ĐH Công nghệ King Mongkut’s Bắc Bangkok (KMUTNB), Thái Lan.

Trong vòng 02 tháng (từ ngày 01/07 đến 31/08), các SV của VKU không những có cơ hội thực tập, mở mang hiểu biết, tầm nhìn trong môi trường giáo dục ĐH khu vực mà còn được trực tiếp tham gia vào Dự án Hệ thống tàu điện Thái Lan với sự đồng hướng dẫn của các giáo sư KMUTNB.


Kết quả thực tập ghi nhận những nỗ lực

nghiên cứu và hội nhập quốc tế của SV VKU

Các đề tài thực tập được SV bảo vệ tự tin bằng tiếng Anh như: Aspects Based Sentiment Analysis in Bangkok Train Service, (nhóm SV Trần Nguyên Anh và Nguyễn Văn Thành Vinh) và Metaheuristic Optimization for Multi-Objective Problem (nhóm SV Nguyễn Đăng Nhã và Phạm Văn Nam), Clustering and Auto-labeling Cyberbullying in YouTube Comments (SV Phan Lê Hùng Việt),  Online Outpatient Department Managment System (SV Lê Kim Hoàng Trung), trong đó 02 đề tài nghiên cứu vấn đề mới xuất phát từ nhu cầu thực tiễn đối với Hệ thống tàu điện Bangkok của SV VKU được đánh giá  có tính khả thi để hoàn thiện phát triển nghiên cứu sâu hơn.

Đây chính là nguồn động viên đối với SV, qua đó cho thấy chất lượng đào tạo, nghiên cứu của VKU nói riêng, ĐHĐN nói chung hoàn toàn đáp ứng tốt yêu cầu hội nhập quốc tế khi được tạo cơ hội đủ năng lực để sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động toàn cầu sau khi tốt nghiệp.


Trải nghiệm phần mềm công cụ thiết kế vi mạch 

Nhóm SV khác của VKU Khóa 21 – Ngành Công nghệ Kỹ thuật máy tính và Chuyên ngành IoT Robotics cũung vừa đề xuất đề tài nghiên cứu Thiết kế IC với đề tài “High-Speed Implementation of Ascon for Image Encryption and Decryption” ngay lần đầu tham gia Chương trình Thiết kế vi mạch (The Universalization of IC Design from CASS, UNIC-CASS 2024) do Hiệp hội IEEE Circuits and Systems Society (CASS) tổ chức quy tụ 72 đội thi đến từ 19 quốc gia, trong đó SV VKU là 1 trong 4 đội của Việt Nam.

Nhờ được đào tạo bài bản, trải nghiệm học thuật tại VKU cùng với cơ hội được các thầy chuyên gia đến từ Viện Công nghệ thông tin (ITI)-ĐH Quốc gia Hà Nội tư vấn, đồng hướng dẫn, nhóm SV của VKU đã được thử sức, tiếp cận quy trình công nghệ hoàn chỉnh để thiết kế Chip từ khâu ban đầu đến chế tạo, kiểm thử bằng các công cụ mã nguồn mở Electronic Design Automation (EDA) và PDKs.


SV Dương Bùi Vinh, Khoa Lịch Sử,

Trường ĐH Sư phạm-ĐHĐN tham dự 

Trại hè Sáng tạo và đổi mới xã hội

tại Trường ĐH Thaksin (Thái Lan)

Trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, SV Dương Bùi Vinh (lớp 22SLS), Khoa Lịch Sử, Trường ĐH Sư phạm-ĐHĐN là 1 trong 2 đại diện của SV ĐHĐN dự Trại hè Sáng tạo và đổi mới xã hội (Social Innovation Camp 2024) do Trường ĐH Thaksin (Thái Lan) tổ chức từ ngày 21 đến ngày 24/8 vừa qua.


SV Đặng Tiến Đạt, Khoa tiếng Nga,

Trường ĐH Ngoại ngữ-ĐHĐN tại Khoá học hè

quốc tế tại Matxcova, Liên bang Nga

SV Đặng Tiến Đạt (lớp 21CNN01), Khoa tiếng Nga, Trường ĐH Ngoại ngữ-ĐHĐN cũng vinh dự được Nhà trường chọn cử tham gia Khóa học hè quốc tế tại Matxcova, Liên bang Nga. Chương trình do Viện tiếng Nga thuộc ĐH Tổng hợp Hữu nghị Các dân tộc Nga mang tên P. Lumumba tổ chức. Đây là trường ĐH uy tín vừa ký kết MOU với Trường ĐH Ngoại ngữ-ĐHĐN trong chuyến thăm và làm việc của lãnh đạo Nhà trường và Khoa Tiếng Nga trong năm qua.


Nhiều cơ hội được các trường thành viên

tạo điều kiện cho SV của ĐHĐN

được “đi thật xa để trở về”

Những giá trị bổ ích về học thuật, ngôn ngữ và văn hóa trên hành trình hội nhập trong dòng chảy quốc tế hóa giáo dục ĐH không những để lại nhiều kỷ niệm, ấn tượng khó quên đối với các SV các trường thành viên của ĐHĐN mà còn qua đó mỗi người trở thành những đại sứ truyền tải thông điệp và cảm hứng về khoa, trường của mình và ĐHĐN là điểm tựa kết nối đem lại những cơ hội học tập, nghiên cứu có ý nghĩa để ngày càng có nhiều SV ĐHĐN được “đi thật xa để trở về”.

Trung tâm TT-HL và Truyền thông ĐHĐN

Nguồn tin, ảnh: Các trường thành viên

Kính mời xem các tin khác: 

Nâng bước sinh viên qua chương trình trao đổi, hợp tác quốc tế: “Đi thật xa để trở về”

Trao đổi học thuật và nghiên cứu quốc tế để sinh viên hội nhập, hướng đến “công dân toàn cầu”

Lưu học sinh của Đại học Đà Nẵng được trải nghiệm thú vị về ngôn ngữ và văn hóa

In
237 Đánh giá bài viết:
5.0