Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật-ĐHĐN cùng Học viện Công nghệ Maebashi, Nhật Bản gắn kết kiến trúc với văn hóa địa phương
Từ ngày 09-12/9/2024, Trường Đại học (ĐH) Bách khoa, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật-Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) phối hợp cùng Học viện Công nghệ Maebashi, Nhật Bản tổ chức các hoạt động học thuật thực tế gắn kết kiến trúc với bảo tồn, phát huy văn hóa địa phương.
Chủ đề nghiên cứu và trao đổi học thuật
gắn liền với phát triển văn hóa truyền thống
Đình làng Hải Châu, thành phố Đà Nẵng
Tọa đàm học thuật với chủ đề “Thiết lập không gian kiến trúc - cảnh quan đô thị gắn với giá trị văn hóa truyền thống Đình làng Hải Châu, thành phố Đà Nẵng” là chương trình hợp tác lần thứ 8 được tổ chức giữa các bên.
Các khoa kiến trúc và xây dựng của
Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH
Sư phạm Kỹ thuật-ĐHĐN trao đổi học thuật
với Học viện công nghệ Maebashi, Nhật Bản
Theo đại diện Ban Tổ chức, tọa đàm nhằm góp phần ứng dụng học thuật đáp ứng nhu cầu thực tế, đặc biệt trong xây dựng, kiến trúc gắn kết hài hòa với bảo tồn, phát triển giá trị truyền thống văn hóa với du lịch địa phương. Thông qua các hoạt động nghiên cứu ứng dụng và thực tiễn để tăng cường trao đổi giao lưu học thuật, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học cho cán bộ, giảng viên và sinh viên các ngành kiến trúc, xây dựng.
Sinh viên tự tin trình bày ý tưởng,
kết quả nghiên cứu để học hỏi chuyên gia
Tọa đàm có sự tham gia của các Giáo sư (GS) đến từ Học viện công nghệ Maebashi, Nhật Bản như: GS. Tsuneo Ishikawa, GS. Kazuki Karashima; KTS. Nguyễn Văn Duy-Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) quận Hải Châu là địa phương đang quản lý, phát huy, khai thác các giá trị của Đình làng Hải Châu; đại diện lãnh đạo, giảng viên, sinh viên các khoa Kiến trúc (Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN) và Kỹ thuật xây dựng (Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật-ĐHĐN).
Sinh viên có cơ hội phát triển ý tưởng
và tư duy sáng tạo, vận dụng vào thực tế
Cùng với các thông tin, tri thức được chia sẻ, trao đổi tại Tọa đàm, các trường và học viện đã chia nhóm tiến hành khảo sát thực tế, thực địa tại khu vực nghiên cứu Đình làng Hải Châu (phường Hải Châu I, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng).
Đại diện Khoa Kiến trúc, Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN đánh giá cao giá trị văn hóa, lịch sử lâu đời của Đình làng Hải Châu được xây dựng từ thế kỷ 19, có thể coi như một biểu tượng văn hóa của địa phương với những ngôi đình cổ đậm bản sắc truyền thống, có các mái ngói đỏ, cột trụ gỗ lớn và hệ thống chạm khắc tinh xảo trên các bức hoành phi, câu đối.
Đóng góp tri thức, phục vụ phát triển
kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương
Được sự chia sẻ, hướng dẫn của các chuyên gia và giảng viên, sinh viên các khoa kiến trúc, xây dựng của hai trường đã hào hứng tham gia nghiên cứu, hoàn thiện ý tưởng, đề xuất các phương án cùng thầy, cô và báo cáo khoa học.
Mở rộng không gian nghiên cứu từ giảng đường
đến thực tế là hướng đi phù hợp trong bối cảnh
thúc đẩy trao đổi học thuật và giao lưu quốc tế
Việc kết nối hợp tác, giao lưu quốc tế thông qua các hoạt động học thuật gắn liền với nhu cầu cần thiết đóng góp tri thức để giải quyết các bài toán phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương là hướng đi phù hợp, không những mở rộng không gian nghiên cứu từ giảng đường đế thực tế mà còn tạo cơ hội để sinh viên được trải nghiệm, học hỏi chuyên gia, ứng dụng hữu ích, đóng góp phục vụ cộng đồng vì sự phát triển bền vững.
Trung tâm TT-HL và Truyền thông ĐHĐN
Nguồn tin, ảnh: Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN
Kính mời xem các tin khác:
Workshop quốc tế đề xuất giải pháp kiến trúc nhà ở đối với Làng nghề chiếu Cẩm Nê thích ứng với biến đổi khí hậu
Sức sống mới tại Tam Hải nhờ tài hoa của sinh viên Kiến trúc Trường Đại học Bách khoa-ĐHĐN
Sinh viên hiến kế xử lý bụi mịn ở Làng nghề đá Non Nước Đà Nẵng