Sinh viên Trường Đại học Bách khoa-Đại học Đà Nẵng lần thứ ba liên tiếp đạt giải Nhất Cuộc thi EPICS-2020 với sản phẩm Áo phao cứu hộ đa năng
24/06/2020
Ngày 22/6, tại Trung tâm Hoa Kỳ (American Center) thuộc Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại thành phố Hồ Chí Minh, nhóm sinh viên Trường Đại học (ĐH) Bách khoa-ĐH Đà Nẵng (Đàm Tiến, Bá Thắng, Dạ Thảo, Lê Nhã, Nhân Tâm) vinh dự được xướng tên đạt giải Nhất Cuộc thi Dự án kỹ thuật phục vụ cộng đồng (Engineering Projects in Comminity Services-EPICS) năm 2020 dành cho sinh viên các trường ĐH Việt Nam (khối kỹ thuật, công nghệ) với dự án sản phẩm áo phao cứu hộ đa năng (sCoat).
Nhóm thuyết trình dự án sCoat
Ý tưởng độc đáo và thiết thực của dự án là sản phẩm công nghệ tích hợp GPS không chỉ là áo phao giúp ngư dân yên tâm đi biển mà còn hỗ trợ phục vụ tìm kiếm, cứu nạn trong những tình huống cấp bách. Với hình thức tương tự như những chiếc áo phao bình thường nhưng nhờ bên trong có thiết kế phao nổi ở vùng cổ và hai cánh tay cùng với hệ thống khí nén CO2 cho phép khi xả ra có thể làm phồng áo phao, giúp người sử dụng tự nổi trên mặt nước.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink đánh giá cao ý tưởng và dự án sCoat
Phía sau áo còn được gắn tấm phản quang, thiết bị còi và đèn cùng dao nhỏ giúp ngư dân khi gặp nạn có thể sử dụng gây chú ý với các phương tiện cứu hộ và hỗ trợ sinh tồn trong trường hợp bị lạc trong tai nạn, được đặt vừa vặn vào bên trong nhằm lấy ra sử dụng để sinh tồn nếu chẳng may bị lạc sau tai nạn. Với những tính năng hỗ trợ và hình thức phù hợp, gọn nhẹ, không làm ảnh hưởng đến những thao tác thông thường của ngư dân, sản phẩm sCoat đem đến trải nghiệm mới, được đánh giá và hy vọng sẽ là bạn đồng hành đảm bảo an toàn cho ngư dân cũng như người đi biển.
Sản phẩm hữu ích sCoat với nhiều tính năng ưu việt
Ý tưởng thiết kế sCoat xuất phát từ một lần trải nghiệm thực tế tại Cảng cá Thọ Quang, Đà Nẵng và được nghe kể lại câu chuyện của chú Lợi về một đồng nghiệp bị mất tích và qua đời trên biển do sóng dữ, bạn Đàm Quang Tiến chia sẻ. Theo TS.Nguyễn Thị Anh Thư, Phó trưởng khoa Khoa Công nghệ tiên tiến (FAST), Trường ĐH Bách khoa-ĐH Đà Nẵng đồng thời là người hướng dẫn, tư vấn cho nhóm phát triển dự án, giá bán của mỗi chiếc áo phao sCoat là 450.000 đồng là có thể chấp nhận được đối với mức thu nhập của đối tượng khách hàng tiềm năng là những ngư dân đi biển chuyên nghiệp. Theo dự án, 06 tháng đầu sẽ tập trung quảng bá và phát triển sản phẩm ở thị trường Đà Nẵng, tiếp đến trong vòng 01 năm sẽ mở rộng ra khu vực duyên hải miền Trung và dự kiến sau 02 năm triển khai có thể lan tỏa trên phạm vi cả nước.
Quá trình đi thực tế tại cảng cá và cửa hàng đồ bảo hộ để lập dự án
Ngay khi nhận giải thưởng vinh dự từ Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hoa Kỳ tại Việt Nam, Ngài Daniel J. Kritenbrink, đại diện nhóm tác giả sinh viên Trường ĐH Bách khoa-ĐH Đà Nẵng chia sẻ: “Đây là nỗ lực rất lớn của nhóm với sự hỗ trợ của các thầy, cô và quá trình sáng tạo đã giúp nhóm mình học được rất nhiều điều bổ ích; cảm xúc lúc này như vỡ òa và niềm vui nhân lên khi nghĩ đến sản phẩm hữu ích này sẽ giúp đem lại sự an toàn cho ngư dân nước mình bám biển…Chúng em mong muốn sCoat sẽ được đón nhận và có thêm sự hỗ trợ để phát triển thành công dự án đi vào cuộc sống như ý nghĩa nhân văn và phục vụ cộng đồng của sản phẩm và cuộc thi.”
Nhóm tác giả dự án sCoat của Trường ĐH Bách khoa-ĐH Đà Nẵng
Tiến cho biết thêm trong các thử nghiệm, tất cả tình nguyện viên đều cảm thấy thoải mái và an toàn khi trải nghiệm sản phẩm áo phao này. Phát biểu tại lễ trao thưởng, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink, người đã từng đến thăm Không gian sáng chế của ĐH Đà Nẵng (Maker Innovation Space-UD nhân dịp dự sự kiện Hội nghị cấp cao APEC tại Đà Nẵng) đã ghi nhận, đánh giá cao những ý tưởng, dự án của sinh viên Việt Nam trong đó có nhóm sinh viên Trường ĐH Bách khoa-ĐH Đà Nẵng không chỉ sáng tạo mà còn đầy tính thực tiễn, khả thi qua những “sân chơi” này có thể thúc đẩy phát triển tài năng phục vụ cộng đồng và hợp tác bền vững về giáo dục và khoa học giữa hai nước.
Chụp ảnh lưu niệm sau buổi lễ trao giải
EPICS là Cuộc thi uy tín, được tổ chức thường niên bởi Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID), ĐH Bang Arizona (ASU) và Chương trình STEM Dow phối hợp với các trường ĐH đào tạo các lĩnh vực, chuyên ngành kỹ thuật hàng đầu của Việt Nam, thu hút đông đảo các nhóm sinh viên tài năng tham dự như: Trường ĐH Bách khoa-ĐH Đà Nẵng, Trường ĐH Bách khoa-ĐH Quốc gia, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật, Trường ĐH Công nghiệp (đều của thành phố Hồ Chí Minh), Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Lạc Hồng, Đồng Nai… 09 đội tuyển đã thuyết trình mô phỏng các sản phẩm sáng tạo trước các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp để gọi vốn đầu tư đối với các sản phẩm, dự án năm nay, được đánh giá có giá trị khoa học và ứng dụng thực tiễn cao như: Áo phao cứu hộ đa năng sCoat, giày chỉ đường cho người mù, máy phun thuốc trừ sâu an toàn, phần mềm chống điểm mù cho các tài xế xe tải, container… Đây là năm thứ 03 liên tiếp, sinh viên Trường ĐH Bách khoa-ĐH Đà Nẵng đạt giải Nhất tại Cuộc thi này (giải Nhất Smart Mattress EPICS 2018, giải Nhất EPICS Showcase 2019).
Thông qua EPICS, sinh viên ứng dụng tri thức và kỹ năng trong nhiều lĩnh vực kỹ thuật để đưa ra ý tưởng, thiết kế và thực hiện giải pháp, dự án qua đó được trải nghiệm, phát triển nhiều kỹ năng cần thiết (làm việc nhóm, ra quyết định, lãnh đạo, lập kế hoạch kinh doanh, thuyết trình bảo vệ dự án…) từ đó có thêm nhiều kinh nghiệm thực tế trước khi trở thành công dân toàn cầu, thích ứng được yêu cầu của thị trường lao động trong nước và quốc tế ngày càng cạnh tranh.
Xem thêm tin trên Báo Nhân dân, Báo Tuổi trẻ.
Tin Trung tâm TT-HL và Truyền thông ĐHĐN