Hội thảo khoa học quốc gia "Ứng dụng công nghệ mới trong công trình xanh” lần thứ V-2019: Xu thế phát triển bền vững, tăng trưởng xanh
26/11/2019
Trường Đại học Sư Phạm Kỹ thuật - ĐHĐN vừa tổ chức thành công Hội thảo khoa học quốc gia "Ứng dụng công nghệ mới trong công trình xanh” lần thứ V năm 2019 (ATiGB 2019). Tham dự Hội thảo có TS. Vũ Thị Bích Hậu - Phó Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ thành phố Đà Nẵng, PGS.TS. Lê Thành Bắc - Phó Giám đốc ĐHĐN, các nhà khoa học, giáo sư hàng đầu như: GS.TSKH. Bùi Văn Ga, GS.TSKH. Phan Quang Xưng, GS. TS. Lê Kim Hùng… đại diện lãnh đạo các trường, đơn vị thành viên: PGS.TS. Võ Văn Minh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm - ĐHĐN, PGS.TS. Đặng Văn Mỹ - Giám đốc Phân hiệu ĐHĐN tại Kontum… Ban Giám hiệu Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật - ĐHĐN và đông đảo các chuyên gia, cán bộ, giảng viên và sinh viên của Nhà trường.
Toàn cảnh Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Phan Cao Thọ - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật - ĐHĐN gửi lời chào mừng sự hiện diện của quý vị đại biểu, đặc biệt là đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia, giảng viên trong nhiều lĩnh vực “phát triển xanh” đến từ các trường đại học, doanh nghiệp trong và ngoài nước đã tham dự, gửi báo cáo khoa học tại Hội thảo AtiGB-2019. PGS.TS. Phan Cao Thọ đã nêu bật ý nghĩa của chủ đề Hội thảo: “Ứng dụng công nghệ mới trong công trình xanh là chủ đề rất được quan tâm. Sự kiện này chính là cơ hội gặp gỡ của các nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài nước, ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kỹ sư, các nhà nghiên cứu trẻ cùng nhau thảo luận, chia sẻ các kết quả nghiên cứu và kinh nghiệm thực tế, đặt ra các yêu cầu, đề xuất những giải pháp trong chiến lược xây dựng và phát triển năng lượng xanh, góp phần vào sự phát triển bền vững".
PGS.TS. Phan Cao Thọ - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật - ĐHĐN phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại Phiên toàn thể, Hội thảo đã nghe báo cáo khoa học “Hệ thống năng lượng tái tạo phối hợp biogas - điện mặt trời phù hợp với nông thôn Việt Nam (Appropriate Biogas - PV Hybrid Renewable Power System for Rural Area in Vietnam) của GS.TSKH. Bùi Văn Ga (nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, nguyên Giám đốc ĐHĐN). Đây cũng là lĩnh vực mà Giáo sư Bùi Văn Ga đã dành nhiều tâm sức quan tâm, nghiên cứu và có nhiều đóng góp khoa học có ý nghĩa phục vụ cộng đồng.“Các giải pháp công nghệ đều phải hướng đến mục tiêu cuối cùng là công trình phải xanh bền vững, đó là sự phát triển có thể đáp ứng được những nhu cầu hiện tại, nhưng không làm ảnh hưởng đến thế hệ tương lai. Chúng ta cần khuyến khích các nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu trẻ ở các lĩnh vực đi theo tiêu chí bền vững này”. GS.TSKH. Bùi Văn Ga chia sẻ. Hội thảo cũng được nghe báo cáo khoa học của GS.TS. Lê Kim Hùng (nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa - ĐHĐN) với chủ đề: “Thực trạng năng lượng tái tạo và ảnh hưởng đến hệ thống điện Việt Nam” (Curent Situation of Renewable Energy and Effects to Vietnam Electricity System).
GS.TSKH. Bùi Văn Ga (bên trái), GS.TS. Lê Kim Hùng báo cáo khoa học tại phiên toàn thể
Ngoài 04 báo cáo tại phiên toàn thể đã có 30 báo cáo được trình bày và thảo luận tại 04 tiểu ban chuyên môn trong số gần 70 bài báo, báo cáo khoa học, tham luận thuộc nhiều lĩnh vực: Công nghệ thông tin, Điện - Điện tử, Cơ khí, Động lực, Xây dựng, Giao thông, Kiến trúc, Năng lượng, Môi trường và Công nghệ Hóa học…Các đề tài, công trình, sản phẩm nghiên cứu ứng dụng rất đa dạng, phong phú, có giá trị khoa học và thực tiễn cao (Nghiên cứu giám sát và điều khiển thông minh; Giải pháp tiết kiệm năng lượng và chế tạo thiết bị xanh bền vững; Nghiên cứu bảo vệ môi trường, giảm thiểu và thích ứng biến đổi khí hậu; Nghiên cứu thiết kế chế tạo, sử dụng các loại vật liệu thân thiện môi trường; Giải pháp thiết kế, qui hoạch, kiến trúc xanh và thông minh…).
PGS.TS. Võ Trung Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật - ĐHĐN tặng hoa cho các nhà nghiên cứu
Hội đồng Khoa học đã phản biện, đánh giá và tuyển chọn 50 báo cáo khoa học tiêu biểu để phát hành Số đặc biệt trên Tạp chí Khoa học Công nghệ ĐHĐN. Bên cạnh đó, các kết quả nghiên cứu, giải pháp khoa học và hữu ích được đúc kết từ các nghiên cứu của các nhà khoa học, chuyên gia, giảng viên tại Hội thảo gắn liền với các sản phẩm, mô hình cụ thể được đánh giá phù hợp sẽ tiếp tục được đầu tư, phát triển nghiên cứu, ứng dụng vào thực tế sản xuất, thi công, quản lý, vận hành “công trình xanh” thực sự có ý nghĩa đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững cho các địa phương, doanh nghiệp và đất nước.
Các tiểu ban chuyên môn của Hội thảo
Việt Nam là một trong những quốc gia sớm thực hiện chiến lược phát triển xanh và bền vững, việc đầu tư xây dựng các dự án, công trình phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đã và đang áp dụng nhiều tri thức, tiến bộ khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ tiên tiến phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước. Tiếp nối thành công của chuỗi Hội thảo Khoa học Quốc gia ATiGB được tổ chức thường niên từ năm 2015 đến nay, thành công của Hội thảo AtiGB-2019. “Xu thế phát triển tất yếu là bền vững, là tăng trưởng xanh, là một nền kinh tế chia sẻ luôn đòi hỏi chúng ta phải áp dụng những tiến bộ khoa học công nghệ mới và hiện đại, đồng thời phải phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước…Phát triển xanh và bền vững cần được chú trọng không chỉ nhằm đáp ứng được nhu cầu hiện tại mà phải đảm bảo không làm ảnh hưởng, tổn hại đến các thế hệ tương lai.” PGS.TS. Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật - ĐHĐN khẳng định thông điệp của Hội thảo mà ý nghĩa, giá trị khoa học, thực tiễn đem lại nhằm hướng đến mục tiêu đóng góp xây dựng Đà Nẵng và các đô thị Việt Nam trở thành những “thành phố môi trường” vì một tương lai phát triển bền vững cho Việt Nam.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Tin Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật - ĐHĐN và Trung tâm TT-HL và Truyền thông ĐHĐN