Smart Campus: Cuộc thi đầu tiên về tìm kiếm các ý tưởng xây dựng khuôn viên đại học thông minh
05/02/2018
Nằm trong chuỗi hoạt động của chiến dịch “Smart Campus”, từ gần 40 hồ sơ ban đầu, 13 ý tưởng đã được lựa chọn tranh tài tại vòng bán kết của cuộc thi Smart Campus, diễn ra vào sáng ngày 03/02/2018. Cuộc thi do Viện Công nghệ quốc tế Đà Nẵng (DNIIT) phối hợp với Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) tổ chức.
Vòng bán kết ý tưởng cuộc thi Smart Campus
Cuộc thi được tổ chức trên cơ sở ký kết hợp tác giữa Viện Công nghệ quốc tế Đà Nẵng - thành viên mới của ĐHĐN và Trường ĐH Bách khoa, ĐHĐN nhằm thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học trong sinh viên, trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang đặt ra nhiều thách thức cho lực lượng lao động trẻ.
Smart Campus hướng đến mục tiêu thiết lập một mạng lưới kết nối trong toàn trường với các dịch vụ thông minh hỗ trợ việc dạy, học và quản lý trên nền tảng IoTs và trí tuệ nhân tạo, thông qua các đề tài sáng tạo của giảng viên, sinh viên và doanh nghiệp, từ đó nhằm tìm ra các sản phẩm, các ý tưởng phục vụ cho việc xây dựng một khuôn viên đại học thông minh – Smart Campus đầu tiên tại Đà Nẵng – PGS.TS Nguyễn Đình Lâm, Trưởng phòng Phòng Khoa học Công nghệ và Hợp tác Quốc tế (KHCN&HTQT), Trường ĐH Bách khoa, ĐHĐN cho biết.
.JPG)
Ban Giám khảo của cuộc thi gồm (từ phải sang): PGS.TS Nguyễn Đình Lâm – Trưởng phòng Phòng KHCN&HTQT; TS. Nguyễn Lê Hòa – Khoa Điện; TS. Lê Quốc Huy – Khoa Điện và TS. Trần Thế Vũ – Khoa Công nghệ Thông tin, Trường ĐH Bách khoa, ĐHĐN
“Smart campus” được thể hiện qua các dịch vụ thông minh phục vụ trường đại học, được xây dựng dựa trên nên tảng phần cứng và phần mềm với các công cụ mã nguồn mở và linh hoạt, nhằm phục vụ 03 mục tiêu chính: Tối ưu hoá các hoạt động dạy, học và quản lý trong trường và đặc biệt hỗ trợ việc đào tạo đa ngành, thông qua các dịch vụ tích hợp trên công nghệ IoTs; Tạo tiền đề triển khai các dự án nghiên cứu phối hợp giữa các đối tác giáo dục, chính phủ và doanh nghiệp, dựa trên IoT và Trí tuệ nhân tạo để phát triển một nền tảng hợp nhất các giải pháp về phân tích, thiết kế, quản lý, mô phỏng cho một “khuôn viên thông minh” (Smart Campus), nhằm hướng đến “thành phố thông minh” (Smart City); Tăng cường chuyển giao công nghệ từ các kết quả đạt được của các đề tài và hướng đến khởi nghiệp.
Với các chủ đề: học tập thông minh; văn phòng thông minh; an ninh thông minh; nhận dạng thông minh; dịch vụ quản lý thông minh; dịch vụ thông minh phục vụ đời sống sinh viên;… vòng bán kết của cuộc thi đã diễn ra sôi nổi với 13 ý tưởng đa dạng trên nhiều lĩnh vực như: Hệ thống tưới nước thông minh Water Eco, Hệ thống hộp khẩn cấp (Emergency Call Box), Hệ thống quản lý không gian tự học thông minh (Smart Self-study space management system), Dự án phòng học tương lai (Futuristic Classrooms Project), Quản lý hệ thống thiết bị điện trong trường, Hệ thống giám sát chất lượng không khí (Air quality monitoring system), Hệ thống quản lý phòng họp, Thùng rác thông minh (Smart trash), v.v…
.JPG)
Các đội trình bày ý tưởng
Kết quả chung cuộc, ý tưởng “IoT eco-gateway” của đội Ecolora đạt giải Nhất, ý tưởng “The development of Smart Campus using Internet of Things (IoT) Technology as Case study” của đội Olw House đạt giải Nhì và giải Ba thuộc về đội Galaxy Team với ý tưởng “Hệ thống quản lý phòng họp”.
.JPG)
.JPG)
.JPG)
Từ trên xuống: Đại diện Ban Tổ chức và Ban Giám khảo của cuộc thi lần lượt trao các giải Nhất, Nhì, Ba cho các đội
Dự kiến, vòng chung kết của cuộc thi sẽ được diễn ra vào ngày 25/4/2018. Các dự án xuất sắc của giảng viên và sinh viên từ Smart Campus sẽ được trao giải thưởng nhằm khuyến khích tinh thần sáng tạo và khởi nghiệp trong lĩnh vực IoT. Bên cạnh đó, các ý tưởng tham gia và thắng cuộc sẽ được hỗ trợ cả về khoa học cũng như phương tiện nghiên cứu và chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ.
Đại học Đà Nẵng – www.udn.vn