ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG

Ban Kế hoạch Tài chính

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG
LIÊN KẾT KHÁC

Đại học Đà Nẵng giữ nguyên mức học phí, đảm bảo chất lượng dạy và học, tạo điều kiện hỗ trợ sinh viên yên tâm trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19

Đại học Đà Nẵng giữ nguyên mức học phí, đảm bảo chất lượng dạy và học, tạo điều kiện hỗ trợ sinh viên yên tâm trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19

Năm học 2021-2022, Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) giữ nguyên mức học phí như năm học trước, đồng thời đã triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo chất lượng dạy và học, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ sinh viên (SV) yên tâm trong bối cảnh chịu ảnh hưởng và phải thích ứng với bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19.

Giữ nguyên mức học phí

Trường ĐH Kinh tế-ĐHĐN giữ nguyên mức học phí năm học 2021-2022 như năm 2020-2021, không tăng như dự kiến ban đầu. Cụ thể, học phí tùy thuộc vào các chuyên ngành sẽ có 03 mức gồm: 12,5 triệu đồng/năm, 16,5 triệu đồng/năm và 19,5 triệu đồng/năm. Theo đại diện của Nhà trường, mức thu học phí từ năm học 2022-2023 trở về sau có thể điều chỉnh tăng cho phù hợp với cam kết nâng cao chất lượng đào tạo đi liền với lộ trình tự chủ ĐH, nhưng sẽ không quá 10% mức học phí của năm học trước đó.  

ĐHĐN giữ nguyên học phí, đảm bảo chất lượng

đào tạo, đem lại sự yên tâm cho người học 

Ngoài việc giữ nguyên mức học phí, Nhà trường đã thực hiện nhiều đợt hỗ trợ SV gặp khó khăn do chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cũng như thiên tai bão lũ ở một số địa phương của khu vực miền Trung vừa qua.

Nhà trường cũng đã chủ động tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam-Chi nhánh Đà Nẵng triển khai chính sách tín dụng ưu đãi, miễn giảm học phí cho SV đồng thời đẩy mạnh kết nối với các doanh nghiệp, tổ chức tài trợ trong nước, quốc tế và cựu SV cấp học bổng cho SV giỏi, SV có hoàn cảnh khó khăn…

Nhiều chính sách, học bổng, miễn giảm học phí

chia sẻ khó khăn với người học 

Trường ĐH Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt Hàn (VKU), ĐHĐN cũng giữ nguyên học phí như năm học 2020-2021 với mức từ 5,3 triệu - 6 triệu đồng/học kỳ, ngoài ra không thu bất kỳ khoản phí nào khác ngoài quy định.

Theo đại diện của Nhà trường, đây thực sự là mức học phí ưu đãi, phù hợp với điều kiện thực tế trên tinh thần hỗ trợ, chia sẻ với người học, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, trước mùa tuyển sinh năm học 2021-2022, Nhà trường tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ tài chính học tập cho SV, ưu tiên các nhóm đối tượng có thành tích học tập xuất sắc, hoàn cảnh khó khăn, theo đó, mức hỗ trợ tương đương với 50% - 100% học phí trong 2 học kỳ đầu của khóa học.

Hợp tác với Tổ chức ĐH Pháp ngữ AUF

trao học bổng hỗ trợ SV khó khăn 

Đối với Trường ĐH Sư phạm-ĐHĐN thực hiện việc thu học phí theo quy định của Chính phủ (Nghị định 86/2015/NĐ-CP) về cơ chế thu và quản lý học phí đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục Quốc dân và áp dụng chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho SV từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021, đặc biệt là quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với SV sư phạm (Nghị định 116/2020/NĐ-CP).

Theo các quy định này, SV sư phạm được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi SV theo học, đồng thời hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả sinh hoạt phí trong thời gian học tập tại trường.

Phối hợp với doanh nghiệp

hỗ trợ nhu yếu phẩm cho SV 

Đối với các ngành ngoài sư phạm, học phí có 2 mức (khối ngành tự nhiên và khối ngành xã hội), trung bình khoảng 5-6 triệu đồng/học kỳ tùy theo khối ngành đào tạo. Theo ThS. Nguyễn Vinh San, Trưởng phòng Công tác Sinh viên của Nhà trường cho biết, đây là chính sách học phí phù hợp, có tính nhân văn thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với các ngành sư phạm. Những năm học tiếp theo, tuỳ theo thực tế, mức học phí sẽ được xác định lại trên cơ sở học phí của năm 2021 nhưng mức  tăng cũng sẽ không quá 10%.

Mô hình "Siêu thị 0 đồng" hỗ trợ 

nhu yếu phẩm cho SV các KTX

Bảo đảm chất lượng dạy học

Năm học 2021-2022, mặc dù không tăng học phí nhưng các trường ĐH thành viên của ĐHĐN vẫn tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới, cập nhật các chương trình đào tạo và triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng dạy-học.

ĐHĐN đã xác định chủ đề của năm 2021 là “Năm tập trung nâng cao chất lượng đào tạo vì sự phát triển bền vững”. Theo PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ, Thành uỷ viên, Giám đốc ĐHĐN, chủ trương giữ nguyên mức học phí của năm học 2020-2021 đối với các trường ĐH thành viên, các đơn vị đào tạo trực thuộc là thể hiện tinh thần chia sẻ với cộng đồng và trách nhiệm xã hội của Nhà trường, góp phần giảm “gánh nặng”, khó khăn về tài chính cho người học và gia đình.

"Lấy người học làm trung tâm", chủ đề năm 2021

là "Năm tập trung nâng cao chất lượng đào tạo

vì sự phát triển bền vững" 

Bên cạnh đó, nhiều giải pháp đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao tiềm lực đội ngũ và không ngừng hoàn thiện một môi trường học tập tiện nghi, thân thiện “lấy người học làm trung tâm” nhằm tiếp tục nỗ lực đảm bảo, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học bằng nhiều nguồn kinh phí tích luỹ, tiết kiệm đã được chỉ đạo, triển khai trong toàn hệ thống từ ĐHĐN đến các trường, khoa, đơn vị thành viên, trực thuộc.

Theo Ban Đảm bảo chất lượng giáo dục ĐHĐN, Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN vừa có thêm 04 chương trình đào tạo (CTĐT) được công nhận đạt chuẩn chất lượng quốc tế (AUN_QA của Mạng lưới các trường ĐH khu vực Đông Nam Á) bao gồm: Kỹ thuật Cơ khí-Chuyên ngành Cơ khí Động lực, Kỹ thuật Cơ điện tử, Kỹ thuật Công trình Xây dựng và Công nghệ thực phẩm. Xem tại đây

Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN tiếp tục khẳng định

uy tín, học hiệu vươn tầm quốc tế với kết quả

thêm 04 CTĐT đạt chuẩn AUN-QA

Theo PGS. TS. Trần Đình Khôi Nguyên, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Kinh tế-ĐHĐN, Nhà trường đã đưa vào khai thác, sử dụng công trình Nhà đa năng phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học với nhiều khu giảng đường, thực hành, phòng hội thảo, thư viện… với các trang thiết bị, tiện nghi, đồng bộ, hiện đại là hiện thực chiến lược phát triển Nhà trường, tạo điều kiện thuận lợi nhất để thầy và trò cùng nhau nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Chỉ tính trong 02 năm qua, đã có 05 CTĐT của Trường ĐH Kinh tế-ĐHĐN được kiểm định, công nhận đạt chuẩn quốc tế (AUN-QA). Năm học 2021-2022, Nhà trường sẽ tiếp tục kiểm định 03 CTĐT các ngành: Du lịch, tài chính, ngân hàng.

Nhà đa năng của Trường ĐH Kinh tế-ĐHĐN 

là nỗ lực không ngừng hoàn thiện cơ sở vật chất,

tạo môi trường học thuật tiện nghi, hiện đại,

truyền cảm hứng cho giảng viên và người học 

“Ngoài việc chú trọng xây dựng, cập nhật các chương trình đào tạo tiếp cận chuẩn quốc tế, Nhà trường rất chú trọng cải thiện chất lượng dịch vụ, tạo môi trường học thuật đem lại sự tiện nghi, thoải mái cho thầy, cô và SV khi đến trường, từ đó chất lượng dạy và học ngày càng được nâng cao”, PGS. TS. Trần Đình Khôi Nguyên chia sẻ.

Theo PGS.TS. Huỳnh Công Pháp, Hiệu trưởng VKU, ĐHĐN, với sự hỗ trợ đầu tư của 02 Chính phủ Việt Nam-Hàn Quốc đã trang bị đồng bộ, hiện đại các cơ sở vật chất, phương tiện dạy-học và nghiên cứu khoa học hơn 1000 tỷ VNĐ trong giai đoạn phát triển trước đó.  

Trường ĐH CNTT&TT Việt-Hàn, ĐHĐN (VKU)

được đầu tư đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu

nhân lực chất lượng cao trong kỷ nguyên 4.0

Bước sang giai đoạn 2022-2026, Chính phủ Hàn Quốc sẽ tiếp tục đồng hành, tài trợ Nhà trường nguồn tài chính khoảng 200 tỷ VNĐ cho các dự án phát triển “Trường ĐH thông minh” (VKU Smart Campus) bao gồm nhiều hạng mục tiếp cận chuẩn quốc tế n như: Thư viện “thông minh”, Hệ thống thông tin quản lý “thông minh”, tiết kiệm, sử dụng năng lượng sạch, Trung tâm đổi mới sáng tạo (VKU Innovation Center) để Nhà trường không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học các ngành mũi nhọn, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho tiến trình chuyển đổi số, bắt kịp yêu cầu của Cách mạng công nghiệp 4.0, PGS.TS. Huỳnh Công Pháp cho biết.

Trung tâm TT-HL và Truyền thông ĐHĐN

Print
628 Rate this article:
No rating