Công an thành phố hướng dẫn cách xử lý khi nhận cuộc gọi báo tin "con bị tai nạn", "sim bị khóa 2 chiều"
Khi nhận được các cuộc gọi thông báo "con bị tai nạn", "phải phối hợp để đối soát thông tin nếu không sẽ bị khóa sim 2 chiều", "nếu không hợp tác thì sẽ bị mời lên làm việc tại trụ sở của Công an TP Đà Nẵng",… và yêu cầu chuyển khoản, thanh toán tiền
Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an thành phố) khuyến cáo người dân cần bình tĩnh và tắt máy, không tiếp tục đối thoại với đối tượng lừa đảo khi nhận được các cuộc gọi thông báo như trên.
Những ngày gần đây, trên địa bàn thành phố xuất hiện nhiều trường hợp phụ huynh học sinh nhận được điện thoại từ các đối tượng mạo danh giáo viên, nhân viên bệnh viện gọi điện thông báo “con bị tai nạn” và yêu cầu chuyển khoản, thanh toán viện phí. Sau khi tiếp nhận thông tin, Công an thành phố đã vào cuộc xác minh, xử lý.
Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Phòng An ninh mạng) khuyến cáo, khi nhận được cuộc gọi của những đối tượng này thì phụ huynh cần liên hệ ngay với giáo viên chủ nhiệm, nhà trường để nắm thông tin chính xác về con em mình.
Về việc vì sao các thông tin của học sinh, phụ huynh lại bị lọt ra ngoài dễ dàng như vậy?, lãnh đạo Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết: Thông tin có thể lộ lọt bằng nhiều cách, ví dự như có một số trường học công khai thông tin, số điện thoại của phụ huynh học sinh trên website của trường nên có nguy cơ bị lộ lọt cao.
Ngoài ra, hiện nay, nhiều người dân nhận được điện thoại yêu cầu "phải phối hợp để đối soát thông tin nếu không sẽ bị khóa sim 2 chiều", "nếu không hợp tác thì sẽ bị mời lên làm việc tại trụ sở của Công an TP Đà Nẵng"….
Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo Phòng An ninh mạng cho biết, theo yêu cầu chuẩn hóa thông tin thuê bao của Bộ Thông tin và Truyền thông: Thuê bao di động phải thực hiện cập nhật lại thông tin thuê bao đúng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Các trường hợp thuê bao không trùng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ bị chặn thông tin 1 chiều từ ngày 20-3-2023; nếu không cập nhật thông tin sẽ bị chặn 2 chiều sau 15 ngày kể từ thời điểm chặn 1 chiều; và sau 30 ngày tiếp theo, số thuê bao sẽ bị thu hồi.
Đây là chủ trương đúng đắn nhằm giảm thiểu và hạn chế tối đa tình trạng sử dụng tràn lan “sim rác”, “sim không chính chủ”; đặc biệt là việc tội phạm sử dụng công nghệ cao sử dụng thuê bao di động để thực hiện các hành vi phạm tội.
Người dân có thể thực hiện việc chuẩn hóa thông tin thuê của mạng di động của mình đang sử dụng theo hướng dẫn sau:
- Thuê bao mạng Viettel: https://vietteltelecom.vn/tin-tuc/chi-tiet/ba-cach-thuc-de-chuan-hoa-thong-tin-thue-bao-viettel/14703400/
- Thuê bao mạng Vinaphone: https://vnpt.com.vn/tu-van/vinaphone-huong-dan-chuan-hoa-thong-tin-thue-bao-voi-csdl-quoc-gia-ve-dan-cu.html
- Thuê bao mạng Mobifone: https://www.mobifone.vn/tin-tuc/chi-tiet/chuan-hoa-thong-tin-thue-bao-mobifone-voi-csdl-quoc-gia-ve-dan-cu-5902
Cũng theo lãnh đạo Phòng An ninh mạng, tội phạm lừa đảo qua mạng rất tinh vi, có rất nhiều thủ đoạn khác nhau. Hiện, đơn vị đã lập một trang thông tin trên Zalo "An ninh mạng – Công an TP Đà Nẵng".
Trên trang Zalo này, đơn vị liên tục cập nhật, đăng tải các tin tức về an ninh mạng; phương thức, thủ đoạn của tội phạm sử dụng công nghệ cao; công khai các số điện thoại tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm để người dân cảnh giác và liên hệ khi cần.
Theo danang.gov.vn.