LIÊN KẾT KHÁC

Cộng đồng 'mở' vì môi trường

Không chỉ bó hẹp trong khuôn viên một trường đại học ở Đà Nẵng, nhóm Green University DUE đã lan tỏa cảm hứng vì môi trường sống ra với các bạn học sinh, sinh viên các trường khác...

Các thành viên Green University DUE thu gom và phân loại rác tại khu vực Mân Quang (Q.Sơn Trà) /// ẢNH: AN QUÂN

Các thành viên Green University DUE thu gom và phân loại rác tại khu vực Mân Quang (Q.Sơn Trà)

ẢNH: AN QUÂN

Sau những thành công ở giai đoạn tạo thói quen “Sống xanh, xây dựng lối sống xanh bền vững”, nhóm Green University DUE (Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng) tiếp tục hướng đến hành động giảm thiểu rác thải và phân loại rác. Tại một hoạt động mở vừa tổ chức hôm 25.4, các thành viên Green University DUE đã giúp lan tỏa thói quen sử dụng bình nước cá nhân, thói quen phân loại rác trước khi thải ra môi trường. Hàng trăm bạn trẻ đã nhặt rác và phân loại rác tại một “điểm nóng rác thải” Mân Quang (Q.Sơn Trà).

Chỉ trong buổi chiều, hơn 115 bao tải rác các loại đã được các bạn trẻ xử lý tại khu vực Mân Quang. Lê Vũ Xuân Oanh, thành viên Green University DUE, cho hay nhóm nhận thấy nên làm gì đó để kết nối mọi người lại với nhau, từ học sinh, sinh viên (SV) đến cán bộ giảng viên. “Cùng nhặt và phân loại rác để trả lại vẻ xinh đẹp vốn có cho cây cầu Mân Quang”, Oanh nói.

Kết thúc “chuyến” thu gom rác tại Mân Quang, SV Nguyễn Tuyết My (Khoa Quản trị kinh doanh, Trường ĐH Kinh tế) cho hay bạn đã có buổi thực hành rất tốt về phân loại rác. “Chúng mình đã góp một phần nhỏ công sức, làm cho môi trường xanh sạch đẹp hơn. Giá trị nhất vẫn là giúp thay đổi một phần suy nghĩ và hành động vì môi trường”, My nói.

“Trách nhiệm hơn với môi trường”

Tham gia hoạt động mở này cùng SV Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng, SV Cao Thị Thúy Hằng (Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Đà Nẵng) tỏ ra rất vui vì quen biết thêm nhiều bạn mới cùng có chung sở thích, cùng quan tâm đến môi trường. “Những hoạt động này giúp cho mình nhận ra môi trường xung quanh đang rất ô nhiễm, và phải hành động ngay khi có thể”, Hằng tâm sự.

Trong khi đó, Lê Vũ Xuân Oanh kỳ vọng dự án tạo dựng môi trường sống xanh không chỉ bó hẹp trong khuôn viên Trường ĐH Kinh tế, mà lan rộng ra các trường ĐH khác, kể cả trường THPT. Trên thực tế, các hoạt động của Green University DUE đã gây chú ý trẻ.

“Hoạt động của Green University DUE thực sự ấn tượng so với những chương trình mà mình từng tham gia, nhất là các bạn đã lan tỏa hành động này đến nhiều đối tượng hơn”, SV Nguyễn Thị Ngọc Ánh (chuyên ngành Quản trị kinh doanh, Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng) nói.

Tham gia tất cả hoạt động vì môi trường cùng Green University DUE, TS Nguyễn Thành Đạt, Bí thư Đoàn trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng, nhìn nhận vấn đề môi trường thực sự đã rất “nóng”, khi chương trình gây chú ý cả bên ngoài khuôn viên trường đại học, kể các khối THPT. “Hy vọng độ tuổi của đối tượng quan tâm đến môi trường sẽ ngày càng được trẻ hóa, và lan tỏa rộng hơn trong cộng đồng”, TS Đạt nói.

Diễn giả Quách Thị Xuân, điều phối viên Liên minh không rác VN, người trực tiếp chia sẻ với các bạn trẻ về kiến thức phân loại và xử lý rác, cũng đánh giá cao nỗ lực xây dựng cộng đồng bạn trẻ vì môi trường của Green University DUE. “Chỉ vì các bạn ấy thấy vui, tự nguyện và xuất phát từ nhu cầu muốn làm một cái gì đó có trách nhiệm hơn với môi tưởng”, bà Xuân tỏ ý khen ngợi.

Theo An Dy - Báo Thanh Niên

Print
494 Rate this article:
No rating