Đại học Đà Nẵng tổ chức trọng thể “Lễ Vinh danh Thủ khoa lần thứ V - Nâng bước Tân SV 2016”: Thấm nhuần tinh thần “Hiền tài” mãi mãi “là Nguyên khí Quốc gia”
(ictdanang) – Kỷ niệm 68 năm, ngày Bác Hồ gửi thư lần cuối cho Ngành Giáo dục (15/10/1968 - 15/10/2016), 60 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (15/10/1956 - 15/10/2014), tổ chức đoàn kết tập hợp rộng rãi thanh niên ra đời cũng từ chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 - 13/10/2016); sáng nay (16/10), Đại học (ĐH) Đà Nẵng đã tổ chức trọng thể “Lễ Vinh danh Thủ khoa lần thứ V - Nâng bước Tân sinh viên (SV) 2016” với chủ đề “Thắp sáng truyền thống - Nâng bước SV”.
Ban Công tác HSSV - Đại học Đà Nẵng – là đơn vị đã khởi xướng ý tưởng và chủ công trong công tác tổ chức sự kiện đầy ý nghĩa này suốt 5 năm qua.
 |
Ông Nguyễn Thanh Quang – Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị TP Đà Nẵng(bên phải ảnh) cùng GS.TS Trần Văn Nam- Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Đại học Vùng, Giám đốc ĐH Đà Nẵng đã trực tiếp thực hiện vinh danh, khen thưởng các em. |

-Ảnh: Trần Thanh Nhã - Văn phòng Đại học Đà Nẵng.
|
Đến dự có ông Nguyễn Thanh Quang – Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị TP Đà Nẵng cùng đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục-Đào tạo, Hội Khuyến học, các Sở, ngành hữu quan; đại diện Thành đoàn và Hội SV TP; các đơn vị tài trợ cho sự kiện và tài trợ học bổng; lãnh đạo các cơ sở giáo dục thành viên ĐH Đà Nẵng cùng các trường ĐH bạn trên địa bàn…
 |
GS.TS Trần Văn Nam- Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Đại học Vùng, Giám đốc ĐH Đà Nẵng và Phó GS.TS Ngô Văn Dưỡng tặng hoa tri ân, trao bảng vàng chứng nhận tài trợ đến các Mạnh Thường Quân, các Công ty, Tập đoàn đã đồng hành cùng sự kiện.
-Ảnh: T.N
|
 |
Phát biểu tại buổi Lễ, GS.TS Trần Văn Nam- Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Đại học Vùng, Giám đốc ĐH Đà Nẵng, khẳng định:
Dân tộc ta có một truyền thống cần cù, hiếu học và một nền văn hiến lâu đời, quý báu: Dù ở thời đại và trong hoàn cảnh nào, những người thực sự là hiền tài, hiếu học và có nhiều cống hiến cho cộng đồng luôn được tôn vinh, trọng dụng. “Hiền tài là Nguyên khí của Quốc gia”.
Chúng ta thấm nhuần, ghi sâu lời dạy của Bác Hồ kính yêu cách đây 48 năm “Dù khókhăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt”. Lời dạy ấy của Người mãi là ánh sáng soi đường, hun đúc nghị lực và tinh thần vượt khó cho các thế hệ thầy, trò chúng ta tiếp nối, toả sáng truyền thống của dân tộc”.
 |
Năm học 2016-2017 là năm tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo nước nhà trong bối cảnh đất nước đang hội nhập quốc tế sâu rộng và xu thế toàn cầu hóa nền kinh tế trí thức, hơn ai hết, ĐH Đà Nẵng luôn nhận thức sâu sắc sứ mệnh cao cả nhưng hết sức nặng nề là phải đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước, Miền Trung Tây Nguyên, trước hết là TP Đà Nẵng và nỗ lực phấn đấu theo định hướng đại học nghiên cứu, ngang tầm với các đại học hàng đầu của khu vực và quốc tế.
Để đạt được mục tiêu đó, ĐH Đà Nẵng cam kết coi trọng chất lượng “đầu vào”, không ngừng đổi mới tuyển sinh đại học và sau đại học, thu hút, tạo mọi cơ hội bồi dưỡng và phát triển các tài năng, các học sinh xuất sắc, ưu tú từ mọi miền đất nước; Tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo và NCKH, đổi mới quản trị đại học; đẩy mạnh thi đua “dạy tốt - học tốt” theo phương châm “Lấy người học làm trung tâm” - “Thực học, thực nghiệp”; Cam kết với xã hội và cộng đồng doanh nghiệp về chất lượng “sản phẩm đầu ra” của ĐH Đà Nẵng sẽ đáp ứng tốt nhu cầu nhân lực cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và đất nước !
GS.TS Trần Văn Nam- Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Đại học Vùng, Giám đốc ĐH Đà Nẵng. - Ảnh: T.N
|
Tâm sự với các chân dung, các điển hình được vinh danh tại buổi Lễ, cũng như các bậc phụ huynh, các Thầy cô giáo, GS.TS Trần Văn Nam nhấn mạnh:
Vinh dự này trước hết thuộc về sự nỗ lực học tập và rèn luyện của các em; đặc biệt tôi cảm phục và ghi nhận những tấm gương của các em có hoàn cảnh khó khăn nhưng có nghị lực vươn lên tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ chiếm lĩnh tri thức.
Vinh dự này thuộc về công lao của các bậc phụ huynh, gia đình, người thân, những người đã dày công nuôi dưỡng, động viên, chia sẻ giúp các em trong cuộc sống và học tập.
Vinh dự này thuộc về các Thầy Cô giáo đã dạy dỗ, cho các em hành trang kiến thức vững vàng.
Vinh dự này được tỏa sáng bởi truyền thống hiếu học của quê hương và chính các em sẽ góp phần thắp sáng truyền thống quý báu ấy !
Hôm nay, và những năm sau, các em hãy luôn tự hào là SV ĐH Đà Nẵng, một ĐH vùng, trọng điểm quốc gia và là 1 trong 3 trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học công nghệ - xã hội nhân văn, hợp tác quốc tế hàng đầu của cả nước.
Các em hãy tự hào vì phải trải qua những năm tháng miệt mài, chăm chỉ học tập và rèn luyện; vượt qua bao thử thách và khó khăn trong cuộc sống, các em mới vinh dự, xứng đáng trở thành thành viên của đại gia đình ĐH vùng Đà Nẵng.
Tuy nhiên, niềm vui hôm nay chỉ là bước đầu. Để mở ra cánh cửa dẫn đến những niềm vui lớn hơn, các em phải tiếp tục nỗ lực phấn đấu học tập và rèn luyện như lời dạy của Bác “Học hỏi là việc làm phải tiếp tục suốt đời”.
Các em hãy thực sự chủ động trong học tập, nghiên cứu khoa học; Rèn luyện phương pháp và tư duy sáng tạo; Trau dồi kỹ năng mềm, tích cực tham gia các “sân chơi” trí tuệ, cống hiến cho cộng đồng.
Thầy luôn mong mỏi, chờ đợi ở các em với những thành công lớn hơn trong tương lai để xứng đáng với niềm tin yêu, kỳ vọng của gia đình, nhà trường và quê hương”.
Thay mặt các nhà tài trợ, ông Bùi Xuân Định, Giám đốc CTCP Trung Nam, Nhà tài trợ Kim cương của chương trình cũng chia sẻ cùng các bạn SV:
"20 năm trước, cũng như các bạn, tôi là SV ĐH Bách khoa Đà Nẵng. Ra trường, rồi đi làm, trải qua nhiều môi trường, đối mặt với biết bao khó khăn, thử thách, gian nan … Nếu không biết tích lũy kinh nghiệm, không biết hoàn thiện mình, sẽ khó mà thành công.
Nhiều năm nay, yêu cầu của các nhà tuyển dụng luôn dường như chưa có sự gặp gỡ với sản phẩm của cả một quá trình đào tạo cũng đầy gian nan. Có công sức của chính các em, của cha, của mẹ, của người thân, của người đỡ đầu, của xã hội và nhất là công lao của nhà trường, của các Thầy Cô….Tuy nhiên, các em vẫn chưa đáp ứng hết các yêu cầu, để được tuyển dụng, để có việc làm.
Điều đó, có một phần cũng do chính các em. Ngay từ hôm nay, các em phải rèn luyện, trau dồi và nghiêm khắc với bản thân. Những việc như học tốt một ngoại ngữ, tập cho thành thạo một kỹ năng, nhất là kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tham gia làm việc nhóm,…sẽ không có được kết quả nếu các em không quyết tâm, không nghiêm khắc. Các em hãy nhớ, để bước vào tương lai thì mọi điều phải được chuẩn bị ngay từ quá khứ và trong hiện tại".
 |
Ông Bùi Xuân Định, Giám đốc CTCP Trung Nam,Nhà tài trợ Kim cương của chương trình. Ảnh: T.N
|
“Lễ Vinh danh Thủ khoa lần thứ V - Nâng bước tân sinh viên 2016” với chủ đề “Thắp sáng truyền thống - Nâng bước sinh viên” đã diễn ra trong không khí trang trọng, nhưng cũng sôi nổi chất SV. Ban Công tác HSSV – ĐH Đà Nẵng đã chuẩn bị chu đáo các tiết mục nghệ thuật chào mừng Tân SV (phần 1) ; Nghi thức xướng danh khen tặng các thủ khoa mang đậm hơi hướng của văn hóa truyền thống (phần 2) ; lần lượt các nhà tài trợ, lãnh đạo TP, lãnh đạo ĐH Đà Nẵng đã “Nâng bước Tân SV 2016” với các suất học bổng thiết thực (phần 3).
Cuối cùng là hội thảo giao lưu giữa sinh viên và các doanh nghiệp chia sẻ, định hướng thành công với chủ đề “Thực học vững nghiệp - Sẵn sàng hội nhập”.
Những nhân vật của chúng ta:

|
Bạn Ông Thị Minh Anh
Thủ khoa ngành Sư phạm Âm nhạc, trường ĐH Sư phạm
"Các em ơi ! Âm nhạc nuôi dưỡng tâm hồn, làm đẹp nhân cách"
Mở đầu cuộc trò chuyện cùng chúng tôi, Minh Anh đã cho biết chi tiết rất bất ngờ: đó là bạn đã học tốt nghiệp ngành Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Huế và quyết định theo đuổi đến cùng lộ trình học vấn để trở thành Giáo viên Âm nhạc đã thôi thúc Minh Anh đến với ngành Sư phạm Âm nhạc.
Thích ca hát, múa từ bé, năm lớp 3, Minh Anh đã có dịp cùng đội văn nghệ của lớp lên sân khấu biểu diễn trước toàn trường. Niềm đam mê ca hát, hoạt động biểu diễn dường như theo chân cô bạn khi vào bậc THCS, THPT và sau đó là Học viện, là giảng đường. Minh Anh là điển hình của chân dung hát hay-học giỏi của tuổi học trò. Từ năm lớp 1 đến lớp 9, năm học nào cũng là HS Giỏi; 3 năm THPT là HS tiên tiến và đồng thời là HS Giỏi Văn với một giải khuyến khích.
Tốt nghiệp, ra trường, đi dạy, điều trước tiên em sẽ nói với học trò của mình là hãy để âm nhạc nuôi dưỡng tâm hồn và làm phong phú thêm đời sống nội tâm cũng như bồi đắp thêm những cảm xúc tốt lành. Muốn vậy, phải biết chọn nhạc để nghe hay để hát, dù là hát cho chính mình, cho vài người thân thương nghe. Nếu chọn không đúng dòng nhạc, chọn ca khúc không phù hợp với độ tuổi và tâm sinh lý của mình (người nghe) sẽ có những tác dụng ngược, thậm chí là tiêu cực.
Minh Anh chia sẻ rằng, hiện nay thị trường âm nhạc vô cùng sôi động, nhất là thị trường dành cho giới trẻ. Tuy nhiên có rất nhiều ca khúc được sáng tác theo chữ dùng của truyền thông là “mì ăn liền”. Những tác phẩm này có hại hơn là mang đến những cảm xúc tích cực.
Ngoài yếu tố giai điệu, tiết tấu, ca từ của những ca khúc “mì ăn liền” này hết sức nghèo nàn về hình tượng văn học, dường như không nói lên một điều gì, bộc lộ một chủ đề tư tưởng gì tích cực…
Minh Anh cho biết, ngoài dòng nhạc thính phòng, cô bạn rất thích được biểu diễn ở những chương trình có chủ đề nói về tình yêu quê hương đất nước, ca ngợi về dân tộc, tự hào với truyền thống.

Phạm Đình Điệp
Thủ khoa ngành Công nghệ thông tin, trường ĐHBK
|
Mê công nghệ thông tin nhưng "dị ứng" với games
Cũng như Minh Anh, chàng trai mê công nghệ thông tin đã mở đầu câu chuyện với chúng tôi bằng tâm sự đầy bất ngờ: Em rất thích công nghệ thông tin vì công nghệ thông tin đã làm đổi thay cuộc sống của mọi người chúng ta và chọn ngành này để học, em muốn trở thành một kỹ sư, một lập trình viên đem ý tưởng sáng tạo của mình, phục vụ cho cộng đồng.
Rất mê công nghệ thông tin nhưng Đình Điệp lại rất dị ứng với games và thẳng thắn nói: Không bao giờ em ngồi vào máy tính mà lại chơi games ! Em không thích games !
Xuất thân trong một gia đình nông dân, Điệp đam mê môn Tin từ lúc học tiểu học. Lên lớp 6, được học với máy tính nhiều hơn, niềm đam mê càng phát triển mạnh hơn trong Điệp. Hễ có dịp được thực hành là Điệp thỏa thích soạn thảo văn bản và làm quen với các ứng dụng word, excel.
Thương đứa cháu hiếu học, yêu thích môn Tin, người chú ruột đã tặng Điệp một máy tính “không mới, nhưng cấu hình đủ mạnh, để em học tập và làm bạn với nó”.
Từ năm đầu cấp THPT, Điệp đã xác định sẽ theo đuổi chuyện học ở bậc cao hơn với ngành công nghệ thông tin và nay ước mơ đó đã thành hiện thực.
“Từ khi chú của em tặng cho em chiếc máy tính, mỗi khi ngồi vào máy là em lên mạng tìm tài liệu tham khảo, học tập, thời gian học trực tuyến của em rất nhiều” – Điệp nói.
“Nhưng có máy tính mà bạn không chơi games thì giải trí bằng cách nào ?” – chúng tôi hỏi.
Điệp đáp, em thích nhất là thông qua các hình thức hội thoại trực tuyến (chat), nói chuyện với bạn bè. Có cái gì đó hay hay. Nhiều đứa bạn ở rất xa, nhưng chúng em nói chuyện qua mạng, thì như rất gần. Công nghệ thông tin đã làm đổi thay nhiều mặt trong cuộc sống, làm đổi thay cách chúng ta kết nối với nhau. Cũng chính vì thế, dần dà, em đam mê ngành này.
Em sẽ cố gắng trở thành một lập trình viên, và đem ý tưởng sáng tạo của mình làm cho cuộc sống luôn tốt đẹp, làm cho con người luôn trở nên gần gũi và sẵn lòng chia sẻ với nhau.
Ba mẹ em lam lũ một đời nông dân cơ cực, em tin rằng, ba mẹ em rất vui khi thế hệ con cái mình không còn cực nhọc, biết làm chủ công nghệ, nên thế hệ sau đã thay đổi được môi trường sống và làm cho điều kiện sống trở nên thoải mái hơn.
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
-Ảnh: T.N.
|
Thanh Nhã-Thanh Liêm thực hiện