LIÊN KẾT KHÁC

Dự án Sáng kiến cải thiện tình trạng “Sử dụng chất có cồn và điều khiển phương tiện giao thông ở Việt Nam" tiếp tục được triển khai tại Đà Nẵng

Sau thành công của giai đoạn 1, giai đoạn 2, Dự án "Sáng kiến cải thiện tình trạng sử dụng chất có cồn và điều khiển phương tiện giao thông ở Việt Nam" do Trung tâm Quốc tế về Chính sách chất có cồn - ICAP (tổ chức phi lợi nhuận, được thành lập năm 1995, có chức năng nâng cao nhận thức về vai trò của chất có cồn trong xã hội và góp phần giảm thiểu tác hại của rượu bia trên toàn thế giới) tài trợ; đã chính thức khởi động tại TP Đà Nẵng.

Đại diện Đội Tuyên truyền - Xử lý Phòng CSGT - CATP Đà Nẵng trình bày chuyên đề “Tác hại của lạm dụng rượu bia đối với vấn đề an toàn giao thông tại TP Đà Nẵng” đến các Tuyên truyền viên.

Môi trường Giảng đường - Ký túc xá là “Tâm điểm vệt dầu loang”

Hoạt động đầu tiên của giai đoạn 2 Dự án là khóa tập huấn "Kỹ năng tuyên truyền miệng nâng cao nhận thức cộng đồng phòng chống lạm dụng chất có cồn và điều khiển phương tiện” do ICAP, Ủy banAn toàn giao thông Quốc gia phối hợp cùng Ban An toàn giao thông TP Đà Nẵng, Đại học (ĐH) Đà Nẵng phối hợp tổ chức.

Mục tiêu của khóa tập huấn nhằm bồi dưỡng kiến thức và huấn luyện kỹ năng tuyên truyền miệng cho đội ngũ tuyên truyền viên của ĐH Đà Nẵng, phục vụ công tác tuyên truyền Văn hóa Giao thông, góp phần nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông trong HSSV và trong tuổi trẻ Đà Nẵng; thiết thực hạn chế và giảm thiểu tình trạng tai nạn giao thông do lạm dụng chất có cồn khi điều khiển phương tiện giao thông trên địa bàn TP.

Các Tuyên truyền viên tiếp cận và nắm bắt thông tintừ tài liệu.

Chương trình tập huấn đi sâu vào các chuyên đề “Kiến thức về đồ uống có cồn, tác hại của lạm dụng rượu bia đối với sức khỏe bản thân”; “Tác hại của lạm dụng rượu bia đối với vấn đề an toàn giao thông tại TP Đà Nẵng”. Đặc biệt nhất là tập huấn về kỹ năng tuyên truyền miệng và thực hành tuyên truyền miệng giữa các nhóm tuyên truyền viên.

Đây là hoạt động tiếp theo Chương trình hội thảo, giao lưu (trong khuôn khổ giai đoạn 1) với hơn 500 SV của ĐH Đà Nẵng (diễn ra trong năm 2013); cũng nhằm mục đích tuyên truyền cho SV của ĐH Đà Nẵng, tuổi trẻ toàn TP hãy tích cực đồng hành cùng thông điệp “Đã uống rượu, bia không lái xe”. Và trong các nội dung hoạt động của chiến dịch Tình nguyện Hè 2013, SV ĐHĐN cũng đã xung kích, tình nguyện tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông tại các nút giao thông phức tạp trong giờ cao điểm. Hình ảnh gây ấn tượng mạnh, đó là trong các đợt tuyển sinh ĐHCĐ, tuổi trẻ ĐH Đà Nẵng đã góp phần đảm bảo an toàn cho hàng chục ngàn thí sinh và phụ huynh đi cùng, về TP Đà Nẵng dự thi.

“Là một trong ba Đại học Vùng trọng điểm quốc gia, chiến lược phát triển của ĐHĐN là trở thành một ĐH theo định hướng Nghiên cứu, trong đó SV giữ vai trò là chủ thể trung tâm của quá trình đào tạo với tư cách là những công dân trẻ trong tương lai sẽ góp phần xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ. Với quy mô đào tạo trên 90.000 HSSV, trong đó có trên 52.000 HSSV hệ chính quy tập trung đang học tại 9 trường, việc tuyên truyền, giáo dục Luật giao thông và Văn hóa Giao thông cho SV luôn được lãnh đạo ĐH Đà Nẵng và các trường thành viên đặc biệt quan tâm, vì trước hết là nhằm đảm bảo an toàn cho chính bản thân các em khi tham gia giao thông", trích phát biểu của PGS.TS Ngô Văn Dưỡng - Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng.

PGS.TS Ngô Văn Dưỡng - Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng phát biểu

Hạt nhân nòng cốt có kiến thức sâu - kỹ năng vững

“Dự án “Chương trình hành động toàn cầu phòng chống lạm dụng đồ uống có cồn” của ICAP thế giới, Ban điều hành ICAP Việt Nam và Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia triển khai trong thời gian qua tại TP. Đà Nẵng luôn đươc đánh giá cao và được sự hưởng ứng nhiệt tình của sinh viên, giảng viên và cán bộ viên chức trong toàn ĐHĐN. 70 tuyên truyền viên tham dự khóa học này đều là những SV ưu tú. Các em vừa có năng lực, phẩm chất tốt; vừa có sức khỏe và đặc biệt luôn nhiệt tình trong các hoạt động Vì Cộng đồng. Lãnh đạo ĐHĐN nhìn nhận rằng, qua sự tuyển chọn chu đáo của các trường thành viên, 70 tuyên truyền viên này chính là lực lượng nòng cốt và tiên phong trong “Đội SV tình nguyện tuyên truyền An toàn giao thông của ĐHĐN” " – PGS.TS Ngô Văn Dưỡng - Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng nhấn mạnh.

Toàn cảnh Khóa tập huấn "Kỹ năng tuyên truyền miệng nâng cao nhận thức cộng đồng phòng chống lạm dụng chất có cồn và điều khiển phương tiện” tại ĐH Đà Nẵng (11/4/2014).


70 tuyên truyền viên là SV hệ chính qui đang theo học các trường ĐH và CĐ thành viên ĐH Đà Nẵng, có kết quả học tập khá, điểm rèn luyện tốt đã có 1 ngày làm việc cùng các chuyên gia và đã hoàn tất khóa tập huấn "Kỹ năng tuyên truyền miệng nâng cao nhận thức cộng đồng …” vào ngày 11/4 vừa qua. Trong một ngày làm việc, các tuyên truyền viên đã tiếp thu các bài giảng sinh động từ các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Với phương pháp truyền đạt trực tiếp, giáo viên đóng vai trò gợi mở, hướng dẫn, các nhóm học viên làm việc tập thể để tích lũy kiến thức và chủ động, năng động xây dựng các phương án thực hành tuyên truyền miệng giữa các nhóm tuyên truyền viên với nhau.

Đây sẽ là những kinh nghiệm rất quý để sau này các tuyên truyền viên ứng dụng vào nhiệm vụ của mình.

“Sau khóa tập huấn, với kiến thức và kỹ năng thu nhận được, bên cạnh đó, tôi tin rằng, bản thân các tuyên truyền viên ĐH Đà Nẵng cũng chính là người hiểu rõ nhất “Ngôn ngữ của SV”, hiểu rõ nhất nhu cầu và sở thích của giới trẻ… Nhất định các bạn sẽ làm tốt và hoàn thành nhiệm vụ truyền tải thông điệp của Dự án một cách gần gũi nhất, sáng tạo nhất, để dễ tiếp cận nhất đến các bạn HSSV, các bạn thanh niên Đà Nẵng - bà Nguyễn Lan Hương, Giám đốc ICAP Việt Nam chân thành bày tỏ niềm tin của mình.

Cho chính mình và Cho mọi người

Bạn Nguyễn Tấn Phúc, lớp Báo Chí 12CBC1, Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm – ĐH Đà Nẵng, một trong những tuyên truyền viên “chính hiệu” đã chia sẻ sau khi kết thúc một ngày làm việc cùng chương trình đào tạo:

Trong nhiều năm qua, SV ĐH Đà Nẵng luôn đi đầu hưởng ứng các hoạt động xã hội, trong đó nhiệm vụ tham gia xây dựng “Văn hóa Giao thông” đã, đang và nhất định được tuổi trẻ ĐH Đà Nẵng tích cực tham gia nhất. Điều này xuất phát trước tiên từ việc ngày nào SV chúng em cũng phải đến trường, đến lớp hay tham gia học nhóm, thu thập tài liệu hoặc tham gia công tác xã hội.

Như vậy, mỗi chúng em phải ý thức bảo vệ an toàn cho mình và sau đó là cho người khác cùng tham gia giao thông. Sau khóa tập huấn này, với lượng kiến thức và kỹ năng được trang bị; nhất định, em và các bạn được tham gia khóa tập huấn, đã tự tin hơn, sẵn sàng hơn để đóng góp công sức vào việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho SV và cộng đồng.

Để có một cuộc sống bình an, hạnh phúc; chúng em sẽ kiên trì kêu gọi cộng đồng không lạm dụng đồ uống có cồn khi còn phải điều khiển phương tiện; luôn chấp hành tốt Luật Giao thông. Nếu như vậy thì bản thân mình và người khác cùng tham gia giao thông với mình sẽ nhận được sự an toàn, bình yên đáng quý.

Tai nạn giao thông sẽ được giảm thiểu đến mức không đáng kể; không còn thương vong, phương tiện bị hư hại, nếu người tham gia giao thông chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ.

“Với lượng kiến thức về tình hình tai nạn giao thông, nhất là tai nạn từ việc lạm dụng chất có cồn; các kỹ năng tuyên truyền, phổ biến đến cộng đồng mà Ban Tổ chức trang bị; các em sẽ có hành trang cần thiết bước đầu, đảm bảo cho nhiệm vụ tham gia có hiệu quả các chương trình giáo dục, truyền thông trong SV và cộng đồng, ngăn ngừa, phòng chống lạm dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện, góp phần xây dựng một xã hội văn minh, trong đó, mỗi người không chỉ biết sống cho bản thân mình, mà còn phải biết sống một cách có ý thức, có trách nhiệm đến cộng đồng chung quanh" – PGS.TS Ngô Văn Dưỡng - Phó Giám đốc ĐHĐN cho biết thêm. Và đây cũng chính là một trong những hoạt động trọng tâm của SV ĐH Đà Nẵng hưởng ứng Năm An toàn giao thông và thực hiện nhiệm vụ năm 2014 của Ban An toàn giao thông TP Đà Nẵng.

Các hoạt động của Trung tâm Quốc tế về Chính sách Chất có cồn (ICAP; www.icap.org) hướng đến tăng cường đối thoại, hợp tác trong lĩnh vực chính sách về chất có cồn được định hình bởi cam kết tìm ra các giải pháp thực tế, khả thi, phù hợp với tình hình, đặc điểm văn hóa cụ thể của từng địa phương.

ICAP cũng đã được Ban Kinh tế, Xã hội Liên Hiệp Quốc (UN ECOSOC) công nhận là tổ chức phi chính phủ thuộc nhóm Cố vấn đặc biệt.

ICAP hướng đến sự bình an cho cộng đồng, vì một xã hội ngày càng ít đi những tai nạn thương tâm. 

- Ảnh minh họa của T.Ngọc Thanh thực hiện

Theo ictdanang.vn

Đại học Đà Nẵng - http://w

Print
364 Rate this article:
4.0