Hội thảo góp ý dự thảo Nghị định quy định về học bổng chính sách và hỗ trợ chi phí học tập đối với học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân
Ngày 29/7/2019, tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), Bộ GDĐT tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Nghị định quy định về học bổng chính sách và hỗ trợ chi phí học tập đối với học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Đại diện một số Bộ, ngành Trung ương (Bộ Tài chính, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc); Các Sở GD&ĐT, Nội vụ, Tài chính, Lao động-Thương binh và Xã hội của 10 tỉnh/thành phố; cùng các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn khu vực miền Trung Tây Nguyên tham dự hội nghị.
Ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị & Công tác HSSV (Bộ GDĐT) cho biết, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn thể hiện sự quan tâm đối với ngành giáo dục và đào tạo nói chung, trong đó chú trọng công tác phát triển giáo dục đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn và các đối tượng học sinh yếu thế.
Tại Nghị quyết 70/NQ-CP ngày 1/11/2012 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 1/6/2012 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội đã quyết định đề ra nhiệm vụ: Tiếp tục hoàn thiện các chính sách về giáo dục. Triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án, dự án về giáo dục; chú trọng đối tượng là người nghèo, người cận nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và đồng bào dân tộc thiểu số; tại Nghị quyết 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020 đã định hướng chính sách hỗ trợ về giáo dục và đào tạo: Thực hiện có hiệu quả chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ học bổng, trợ cấp xã hội và hỗ trợ chi phí học tập đối với HS nghèo ở các cấp học; tại Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản toàn diện đã nêu quan điểm chỉ đạo: Ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo đối với các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa và các đối tượng chính sách...
Tuy nhiên, các chính sách được ban hành bởi nhiều các cơ quan, bộ ngành khác nhau, dẫn đến các đối tượng thụ hưởng còn thiếu nhất quán, hồ sơ thủ tục còn chưa được đồng bộ. Nhiều văn bản được ban hành và vận dụng trong một thời gian dài và đến thời điểm hiện tại nhiều chính sách không còn đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn...
Thực hiện Nghị quyết số 01/2019/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ; Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 22 tháng 8 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch tích hợp các chính sách giảm nghèo năm 2017-2018, Bộ GDĐT được giao nhiệm vụ dự thảo và ban hành Nghị định về học bổng chính sách và hỗ trợ chi phí học tập đối với sinh viên học tập tại các cơ sở đào tạo; dựa trên cơ sở tích hợp các quyết định: Quyết định số 194/2001/QĐ-TTg ngày 21 tháng 12 năm 2001 Điều chỉnh mức học bổng chính sách và trợ cấp xã hội đối với HSSV là người dân tộc thiểu số học tại các trường đào tạo công lập được hưởng học bổng chính sách và trợ cấp xã hội theo quy định tại Quyết định số 1121/1997/QĐ-TTg ngày 23 tháng 12 năm 1997 của Thủ tướng Chính phủ về học bổng và trợ cấp xã hội đối với HSSV các trường đào tạo công lập; Quyết định số 82/2006/QĐ-TTg ngày 14/04/2006 về việc điều chỉnh mức học bổng chính sách đối với HSSV là người dân tộc thiểu số; Quyết định số 152/2007/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2007 Về học bổng chính sách đối với HSSV học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; Quyết định số 66/2013/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 quy định chính sách hỗ trợ chi phí học tập đối với sinh viên là người dân tộc thiểu số học tại các cơ sở giáo dục đại học,; Quyết định số 53/2015/QĐ-TTg ngày 20/10/2015 chính sách nội trú đối với HSSV học cao đẳng, trung cấp (được hưởng học bổng chính sách, các khoản hỗ trợ mua đồ dùng cá nhân, hỗ trợ trong dịp tết Nguyên đán và hỗ trợ đi lại.); Thông tư liên tịch 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT ngày 29 tháng 5 năm 2009 Hướng dẫn một số chế độ tài chính đối với học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú và các trường dự bị đại học dân tộc.
Ông Bùi Văn Linh cho biết thêm, một số điều chỉnh của dự thảo mới như: nâng mức học bổng chính sách cho HSSV hệ cử tuyển, học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú từ 80% mức lương cơ sở lên 100% mức lương cơ sở.
Bên cạnh đó, dự thảo điều chỉnh nâng mức hỗ trợ cho số học sinh của trường PTDTNT ở lại trường không về nhà trong dịp Tết nguyên đán và Tết cổ truyền từ mức 50.000 đồng/học sinh lên mức 150.000 đồng/học sinh để bảo đảm phù hợp với thực tiễn và bằng mức hỗ trợ cho học sinh tham gia chương trình giáo dục nghề nghiệp ở lại trường không về nhà trong dịp Tết nguyên đán và Tết cổ truyền… Như vậy, nội dung của văn bản tích hợp cơ bản không phát sinh chính sách mới mà chỉ có điểu chỉnh, nâng một số mức hỗ trợ bảo đảm phù hợp với thực tiễn, bảo đảm sự cân bằng giữa hệ đào tạo đại học, hệ đào tạo nghề và điều chỉnh về quy trình, thủ tục, xét cấp học bổng chính sách.
Đại diện lãnh đạo Vụ Giáo dục chính trị & Công tác HSSV, trong quá trình xây dựng dự thảo văn bản nói trên, Bộ GD&ĐT đã nhận được sự đồng thuận của các bộ, ngành, Ủy ban Dân tộc, các cơ sở giáo dục về sự cần thiết phải ban hành văn bản tích hợp trên. Hội thảo lần này có ý nghĩa rất quan trọng để Ban soạn thảo lắng nghe ý kiến góp ý bổ sung của các sở/ ngành liên quan, các trường đại học, trường dự bị và phổ thông dân tộc nội trú; trên cơ sở đó, Bộ GDĐT sẽ tiếp thu, tổng hợp và hoàn thiện dự thảo Nghị định để đăng mạng xin ý kiến rộng rãi nhân dân, dự kiến Nghị định sẽ trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến trong tháng 9/2019.
Tại buổi hội thảo, các đại biểu tham dự đã đóng góp ý kiến góp ý về một số vấn đề cụ thể như: đối tượng hưởng chính sách, mức hỗ trợ đối với các đối tượng, quy trình thực hiện chính sách, và các nội dung liên quan đến việc thực hiện chính sách, các khó khăn vướng mắc, đề xuất kiến nghị bổ sung thêm vào chính sách…
Dẫn nguồn từ: http://www.moet.gov.vn/giaoducquocdan/cong-tac-hoc-sinh-sinh-vien/Pages/Default.aspx?ItemID=6156