LIÊN KẾT KHÁC

Khởi nghiệp trong trường học: Hướng tới mục tiêu kép.

 

SV Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng đang thuyết minh ý tưởng sản phẩm với Ban giám khảo tại Triển lãm sản phẩm Công nghệ BKĐN Techshow 2019. Rất nhiều dự án tại Techshow trở thành dự án khởi nghiệp của SV trường này.SV Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng đang thuyết minh ý tưởng sản phẩm với Ban giám khảo tại Triển lãm sản phẩm Công nghệ BKĐN Techshow 2019. Rất nhiều dự án tại Techshow trở thành dự án khởi nghiệp của SV trường này.

GD&TĐ - Khởi nghiệp – đổi mới sáng tạo đã trở thành một môn học chính khóa ở nhiều trường ĐH. Theo các chuyên gia, điều này hướng tới mục tiêu kép bởi cùng với tinh thần doanh nhân và những kỹ năng, kiến thức căn bản về khởi nghiệp, SV khi lập nghiệp có thể nắm bắt cơ hội tốt hơn, và khi có cơ hội, họ sẽ khởi nghiệp, tạo ra việc làm cho chính mình và cho nhiều người khác. 

Để khởi nghiệp không chỉ là phong trào

Cùng với chủ trương đưa Khởi nghiệp – đổi mới sáng tạo vào các trường ĐH, CĐ, các cuộc thi khởi nghiệp nối tiếp nhau ra đời, ngoài là một sân chơi cho SV, còn là cách để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong môi trường ĐH, CĐ. Thế nhưng, có một thực tế rất ít dự án trở thành một “startup” thực sự, được đưa ra thị trường và được người dùng thừa nhận.

Nhận xét về điều này, NGƯT Lê Công Cơ – Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Duy Tân cho rằng: “Nếu chỉ quan tâm đến những cuộc thi khởi nghiệp thì thực ra, chúng ta đang làm từ phần ngọn. Phải làm sao để Khởi nghiệp – đổi mới sáng tạo trở thành một môn học chính khóa trong trường ĐH, để mỗi SV sau khi tốt nghiệp ra trường đều có tinh thần chủ động, sáng tạo trong công việc chứ đừng mang tư tưởng đi làm thuê”.

Ở một góc độ khác, theo PGS.TS Võ Thúy Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng, “để khởi nghiệp trong SV không chỉ là phong trào, đòi hỏi các cơ sở giáo dục phải có chiến lược và hệ thống, có sự hỗ trợ về tài chính và hạ tầng của các tổ chức trong nhà trường.

 Khác với một số cuộc thi khác, các cuộc thi khởi nghiệp không chỉ dừng lại ở ý tưởng kinh doanh mà đòi hỏi phải có sản phẩm cụ thể. Đồng ý cái gốc của khởi nghiệp – đổi mới sáng tạo là phải dựa trên nền tảng kỹ thuật, công nghệ nhưng nếu không có sự tham gia của SV khối kinh tế, ngoại ngữ… sẽ rất khó trong việc đưa sản phẩm ra thị trường, lập chiến lược kinh doanh, kế hoạch PR… Chính vì vậy, phải có sự liên kết giữa SV các trường để tạo nên những sản phẩm khởi nghiệp có giá trị lớn. 

PGS.TS Phan Cao Thọ

Đây là một quá trình lâu dài, liên tục, đòi hỏi nhiều nỗ lực để tạo dựng được một sinh thái khởi nghiệp tốt trong các cơ sở giáo dục ĐH”. PGS.TS Võ Thúy Anh cho rằng, để hỗ trợ khởi nghiệp và xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp có những nhiệm vụ chính như đào tạo giáo viên thành người truyền cảm hứng, đào tạo kỹ năng khởi nghiệp cho SV; đào tạo trực tiếp cho SV khởi nghiệp thông qua cuộc thi khởi nghiệp.

Sau một thời gian khởi động, PGS.TS Phan Cao Thọ - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật – ĐH Đà Nẵng chia sẻ kinh nghiệm, trong đào tạo khởi nghiệp cho SV, các trường ĐH, CĐ cần có sự liên kết, phối hợp trong tổ chức các hoạt động khởi nghiệp để có thể khai thác triệt để các thế mạnh của nhau.

Ngoài hỗ trợ kinh phí cho các dự án khởi nghiệp của SV từ nguồn quỹ NCKH dành cho SV, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng cũng đã kết nối được với Quỹ đầu tư khởi nghiệp Vintech City và Dự án Vi2W với nhiều hoạt động hỗ trợ cho Câu lạc bộ Khởi nghiệp và Không gian sáng chế.

Giảng viên không thể là “tay ngang”

Nhận xét về thực trạng giảng dạy khởi nghiệp – đổi mới sáng tạo hiện nay, TS Nguyễn Thị Mỹ Hương – Phó Giám đốc phụ trách Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh (ĐH Đà Nẵng) cho rằng, “các chương trình hiện vẫn chủ yếu tập trung vào giai đoạn khởi nghiệp và bỏ qua giai đoạn tăng trưởng”.

Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng hầu hết các dự án khởi nghiệp của SV, dù đã được lựa chọn để ươm tạo nhưng chỉ sau một thời gian ngắn là dừng hoạt động, hoặc tạo lập được doanh nghiệp và có sản phẩm ra thị trường nhưng rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng.

Chính vì vậy, theo TS Nguyễn Thị Mỹ Hương “để triển khai giảng dạy các môn học liên quan đến khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành công ở bậc ĐH và cao học, đòi hỏi người giảng viên phải có kinh nghiệm thực tiễn trong khởi nghiệp sáng tạo, có sự cọ xát thường xuyên với các dự án đổi mới sáng tạo cũng như cập nhật thường xuyên những thay đổi đang diễn ra trong hệ sinh thái địa phương cũng như cũng như trên phạm vi toàn cầu”.

Với khởi nghiệp, nhất là khởi nghiệp trong SV thì có ý tưởng tốt, sản phẩm tốt thôi chưa đủ mà cần có bệ phóng tốt là nhà đầu tư. Như Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng đã ký hợp đồng với một số đề tài của SV để triển khai trong nội bộ của nhà trường.

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng đang xây dựng kế hoạch kết hợp với doanh nghiệp trong một dự án từ thiện để sản xuất Gậy thông minh dành cho người già với 5 chức năng phát hiện tình trạng té ngã, gọi điện cho người thân, gửi tin nhắn yêu cầu ứng cứu và tọa độ xảy ra té ngã, loa phát cảnh báo cho người xung quanh, các nút nhấn khẩn cấp - một dự án khởi nghiệp của SV nhà trường. Đây sẽ là bước đệm giúp SV đưa sản phẩm ra thị trường, chuyển từ dự án khởi nghiệp thành một startup.

PGS.TS Võ Thúy Anh cũng lưu ý, có một thực tế là với khởi nghiệp, SV rất kỳ vọng sau này sẽ trở thành nhà lãnh đạo, dự án sẽ thu hút được vốn đầu tư, các em có suy nghĩ là con đường khởi nghiệp rất bằng phẳng nhưng trên thực tế rất khắc nghiệt và tỉ lệ thành công là rất nhỏ. “Chính vì vậy, ngoài cung cấp kiến thức, kỹ năng liên quan đến khởi nghiệp, thông qua các workshop, các chuyên gia khởi nghiệp cùng với doanh nhân sẽ giúp SV hình thành và điều chỉnh thái độ, đam mê đối với khởi nghiệp từ những va chạm của chính các em”.

“Trong dài hạn, Trường ĐH Kinh tế hướng đến sẽ kết hợp với các nhà đầu tư để trở thành một Vườn ươm ươm tạo các dự án khởi nghiệp. Nhà trường đã kết nối với một quỹ đầu tư nước ngoài để nhận đầu tư những dự án khởi nghiệp có triển vọng của SV”. 
                                                                         PGS.TS Võ Thúy Anh

Print
1020 Rate this article:
5.0