LIÊN KẾT KHÁC

Khởi nghiệp từ cây rau má quê nhà

ĐNO - Xuất phát từ những trăn trở của người nông dân trồng rau má trong việc canh tác và tiêu thụ nguồn rau này, những thành viên nhóm Laurel đến từ Trường Đại học (ĐH) Bách khoa - ĐH Đà Nẵng đã ấp ủ và cho ra đời dự án “Sữa rau má bổ sung tinh chất isoflavone” với mong muốn khuyến khích, hỗ trợ nông dân trồng rau theo tiêu chuẩn VietGap và tạo sản phẩm nâng tầm cây rau má quê hương ra thị trường.

a
Thành viên nhóm Laurel khảo sát khu vực trồng rau má tại Thừa Thiên Huế. Ảnh: NVCC

 

Nhóm Laurel là tập hợp 4 sinh viên Trường ĐH Bách khoa gồm Đinh Thị Bích Phượng (ngành Công nghệ thực phẩm), Nguyễn Bảo Long (ngành Quản lý công nghiệp), Lê Chánh Chí Tài (ngành Công nghệ Sinh học) và Nguyễn Thị Xuân Nhi (ngành Kỹ thuật Hóa học).

Chia sẻ về quá trình ra đời dự án, sinh viên Đinh Thị Bích Phượng cho biết, nhóm Laurel có những thành viên quê ở xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế - nơi có hàng trăm hộ nông dân xem nghề trồng rau má như nguồn kinh tế chính. Trong những năm qua, người trồng rau má ở Quảng Thọ thường xuyên lao đao với tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Đặc biệt trong năm 2020, việc canh tác và bán ra thị trường ảnh hưởng thiên tai và dịch bệnh.

Theo nhóm, từ những khó khăn mà người nông dân ở Quảng Thọ gặp phải, các thành viên hy vọng dự án sẽ là giải pháp để bà con không còn phải bị thương lái ép giá, không còn phải cắt bỏ ruộng rau làm thức ăn cho gia súc, đồng thời mang lại giá trị kinh tế cao bằng việc tạo ra sản phẩm từ rau má có giá trị dinh dưỡng, từ đó nâng cao giá trị nông sản rau má Quảng Thọ, bảo đảm đầu ra tiêu thụ. Tất cả là lý do để đề tài “Sữa rau má bổ sung tinh chất isoflavone” ra đời với sự kết hợp của rau má cùng đậu nành và hạt điều.

Trong năm đầu tiên, thị trường mà sản phẩm “Sữa rau má bổ sung tinh chất isoflavone” hướng đến sẽ là Đà Nẵng, Quảng Nam và Huế với vùng nguyên liệu từ Quảng Thọ. Trong năm tiếp theo, sẽ mở rộng vùng nguyên liệu và hướng đến thị trường Sài Gòn và Hà Nội. Bộ sản phẩm mang thương hiệu rau má Quảng Thọ sẽ được hoàn thiện trong thời gian này và được quảng bá đến thị trường một cách rộng rãi hơn.

Khó khăn của Laurel cũng như nhiều dự án khởi nghiệp khác gặp phải chính là sự non trẻ về kinh nghiệm cũng như tìm chỗ đứng vững chắc khi tiến ra thị trường. “Khó khăn chắc chắn sẽ có một phần về mặt tài chính, thiết bị, máy móc. Cho nên mặc dù đã nghiên cứu thành công và tạo ra được sản phẩm nhưng với sự non trẻ, dự án thực sự rất cần các nhà đầu tư hỗ trợ về nhiều mặt, đặc biệt là sự kết nối để mang dòng sản phẩm này nhanh chóng tiến gần đến thị trường”, Phượng cho hay.

Ảnh: XUÂN SƠN
Nhóm Laurel đoạt giải quán quân cuộc thi "Hult Prize at DUT". Ảnh: B.P

Các thành viên Laurel cho hay, từ lúc chuẩn bị khơi mào ý tưởng đến hiện tại chỉ mới vỏn vẹn 2 tháng và cuộc thi “Hult Prize at DUT” diễn ra tại ĐH Bách khoa từ tháng 11-2020 đến tháng 1-2021 vừa qua là điểm đến đầu tiên của dự án “Sữa đậu nành bổ sung tinh chất isoflavone”.

Tại “Hult Prize at DUT”, dự án “Sữa rau má bổ sung tinh chất isoflavone” được ban giám khảo đánh giá tốt bởi ý tưởng và mô hình kinh doanh sáng tạo, trong đó có những đánh giá tác động của dự án về mặt tiếp cận thị trường, ý nghĩa nhân văn và môi trường.

Theo đó, sản phẩm sữa kết hợp từ 3 loại nông sản giá trị dinh dưỡng cao là đậu nành, hạt điều và rau má với giá thành hợp lý giúp người tiêu dùng có thể dễ dàng tiếp cận dòng sản phẩm này. Thứ hai, sản phẩm ra đời là giải pháp hợp lý để tiêu thụ rau má với những cây rau trồng theo tiêu chuẩn VietGap. Cuối cùng, việc trồng rau má theo tiêu chuẩn trên sẽ giảm được một lượng lớn thuốc trừ sâu và phân bón hóa học. Từ đó, sẽ giảm thiểu vấn đề ô nhiễm môi trường đất, nước tại địa phương canh tác cũng như giảm tác động xấu đến sức khỏe người nông dân.

Với những đánh giá đó, Laurel đã giành giải quán quân tại “Hult Prize at DUT" và xuất sắc có mặt tại vòng chung kết cuộc thi Hult Prize 2021 khu vực Đông Nam Á diễn ra vào tháng 4 năm nay. Trong 2 tháng sắp tới, các thành viên đang dành nhiều thời gian để nghiên cứu thị trường và sản phẩm để chuẩn bị thật tốt cho sân chơi quốc tế này trước sự cạnh tranh từ nhiều đại diện trong khu vực.

Hult Prize là sự kiện được bảo trợ bởi Liên Hợp Quốc và quỹ CGI của cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton. Đây được xem là giải Nobel về khởi nghiệp xã hội cho sinh viên trên toàn thế giới với nhiều quy mô, cấp độ khác nhau. Từ cuối tháng 11-2020 đến tháng 1-2021, giải thưởng này lần đầu tiên được tổ chức ở Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng với tên gọi “Hult Prize at DUT”. Chương trình được tổ chức hoàn toàn bởi các sinh viên và dành cho sinh viên.

XUÂN SƠN

Print
1126 Rate this article:
3.2