LIÊN KẾT KHÁC

Lễ trao giải Kỳ thi sinh viên giỏi Đại học Đà Nẵng năm 2014

Từ 1.585 thí sinh dự thi, các Hội đồng chức năng (tổng cộng kỳ thi đã huy động sự tham gia của 248 lượt CB làm nhiệm vụ trong đó có 42 CB ra đề thi và phản biện, 92 CB coi thi, 10 CB giám sát, 72 CB chấm thi và 31 CB chấm phản biện), đã làm việc đầy trách nhiệm, nghiêm túc, không chạy theo bề nổi phong trào; công bằng, khách quan, đúng quy chế từ các khâu (tuyên truyền, chọn lọc thí sinh đủ điều kiện dự thi, ra đề và phản biện đề thi, coi thi, chấm thi và tổng hợp xét kết quả); và đã đi đến quyết định trao 166 giải (chiếm tỷ lệ 10,5%) trong đó có 21 giải Nhất, 31 giải Nhì, 45 giải Ba và 69 Khuyến khích

Phó GS.TS Trần Văn Nam nhấn mạnh:

“Kỳ thi năm nay có nhiều đổi mới tích cực, đó là: Sự lan toả sâu rộng trong HSSV khi Ban Tổ chức (BTC) quyết định đưa các môn thi về các trường đăng cai (4 trường Đại học Sư phạm, Đại học Kinh tế, Đại học Ngoại ngữ và Đại học Bách khoa); nhờ đó số lượng SV dự thi tăng lên đáng kể: 1.585 SV (gấp 5 lần so với năm 2012).

Số môn thi tăng gấp 3 lần với 25 môn thi, mở rộng nhiều lĩnh vực đúng với tầm vóc của Đại học Vùng đa cấp, đa lĩnh vực bao gồm: Khoa học tự nhiên, khoa học XH&NV, Kỹ thuật, Kinh tế - Luật, Tin học và các môn Ngoại ngữ, Mác-Lê Nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh.

Báo cáo tổng kết Kỳ thi SV Giỏi năm 2014 của Ban Công tác HSSV – đơn vị giữ vai trò chủ công trong công tác tổ chức kỳ thi -, cũng cho thấy nhiều dấu hiệu rất lạc quan qua một kỳ thi (được Đại học Đà Nẵng tổ chức theo mô hình thi tài trí tuệ truyền thống, 2 năm/lần).

Nhiều môn thi tuy lần đầu được tổ chức, song đã thu hút đông đảo SV đăng ký dự thi: Lịch sử văn minh thế giới (141 thí sinh), Lập trình (88 thí sinh), Kinh tế học (78 thí sinh), Pháp luật đại cương (62 thí sinh), Marketting (46 thí sinh), Tiếng Trung (80 thí sinh), Tiếng Hàn (42 thí sinh), Tiếng Nhật (24 thí sinh)….

“Lần đầu tiên chúng ta tổ chức môn Tiếng Việt đã thu hút 42 LHS Lào, Trung quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc tham gia. Môn Tiếng Anh với 156 thí sinh (hệ chuyên) và 292 thí sinh (hệ không chuyên) đã thể hiện sự phát triển mạnh mẽ của việc học ngoại ngữ trong SV các trường thành viên, đúng với chủ trương nâng cao chất lượng đào tạo ngoại ngữ cho SV toàn Đại học Đà Nẵng” - Phó GS.TS Trần Văn Nam nhìn nhận.

Thầy Trần Văn Nam cũng đánh giá cao quyết định của BTC kỳ thi “chỉ công nhận tư cách dự thi cho các em có điểm trung bình chung môn học dự thi trên 7 và chỉ xét trao giải dựa trên các mức điểm tối thiểu ứng với mỗi giải Nhất, Nhì, Ba và Khuyến khích”. Quy định này đã thực sự thể hiện tính nghiêm túc, chất lượng, đánh giá đúng thực chất năng lực học tập của SV và thể hiện phần nào chất lượng đào tạo tại các trường thành viên.

Và do vậy đã có thể khẳng định, kỳ thi SV Giỏi Đại học Đà Nẵng năm 2014 đã được tổ chức chu đáo, nghiêm túc, thành công như mong đợi.

Theo đúng các nội dung truyền thống, Kỳ thi Olympic SV Giỏi Đại học Đà Nẵng năm 2014 là kỳ thi nhằm phát hiện, tuyển chọn và tiếp tục bồi dưỡng, phát triển năng lực cho các SV Giỏi tham dự các Kỳ thi Quốc gia và Quốc tế.

Đây là cũng là cơ hội đánh giá chất lượng đào tạo các môn cơ bản, cơ sở ngành có nhiều SV cùng học tại các trường thành viên. Kỳ thi còn là cơ hội giao lưu, là “sân chơi trí tuệ” để các bạn thể hiện năng lực, trau dồi kinh nghiệm, kỹ năng và bản lĩnh chuyên môn học thuật.

Kỳ thi năm nay có ý nghĩa khi được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước: 39 năm ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước; 60 năm ngày chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954-2014) và các sự kiện lớn khác của TP Đà Nẵng, của đất nước

Đặc biệt, Lễ tổng kết và trao giải đã được tổ chức trang trọng đúng vào Sinh nhật Bác. Đây cũng là bảng báo công dâng Người, thể hiện lòng yêu nước và chung sức hướng về biển đảo, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước bằng hành động thiết thực: Thi đua thực việc di huấn của Người “Dù khó khăn đến đâu, cũng phải thi đua Dạy tốt-Học tập” của cộng đồng Cán bộ-Giảng viên-SV Đại học Đà Nẵng.

Tiến sỹ Huỳnh Minh Sơn Trưởng Ban Công tác HSSV nhấn mạnh thêm: Đây là kỳ thi mang ý nghĩa “Chào mừng kỷ niệm 20 năm thành lập ĐHĐN (1994-2014)”. Một kỳ thi thể hiện quyết tâm đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo các môn khoa học cơ bản, cơ sở ngành của các trường thành viên Đại học Đà Nẵng, không hình thức và “chạy theo” thành tích. Kỳ thi đã thực sự là “sân chơi trí tuệ” trong sáng, đánh giá đúng năng lực của thí sinh và chất lượng đào tạo các môn cơ sở ngành tại các trường thành viên.

Quảng bá văn hoá, lịch sử, truyền thống, ngôn ngữ của đất nước và con người Việt Nam với bạn bè thế giới

Được biết, tại Kỳ thi, Trường có số SV dự thi đông nhất là Đại học Sư phạm và Đại học Ngọai ngữ với 602 SV dự thi, trường Đại học Kinh tế có 430 thí sinh dự thi. 
Nhiều bạn thí sinh đã đăng ký dự thi 2 môn, nhiều thí sinh mạnh dạn dự thi khi mới là SV thứ nhất. Và thật bất ngờ, các bạn đã đạt kết quả cao.

Đặc biệt, lần đầu tiên kỳ thi có sự tham gia của 42 Lưu HS đến từ các nước bạn như Lào, Hàn Quốc, Trung quốc…, và theo nhìn nhận của BTC: “Đã phản ảnh rõ nét rằng, Đại học Đà Nẵng đã và đang trở thành một địa chỉ đào tạo quốc tế tin cậy, có chất lượng". Đặc biệt, quyết định tổ chức thi môn tiếng Việt trong kỳ thi Olympic SV Giỏi Đại học Đà Nẵng, dành cho các bạn Lưu HS; đã thực sự đáp ứng nhu cầu của các bạn LHS, góp phần nâng cao chất lượng học tiếng Việt cũng như quảng bá văn hoá, lịch sử, truyền thống, ngôn ngữ của đất nước và con người Việt Nam với bạn bè thế giới”.

Ở kỳ thi năm nay, việc lựa chọn môn thi đưa vào danh sách chính thức thi tài, được lấy ý kiến từ các Khoa, bộ môn của các trường theo tiêu chí chọn môn thi có nhiều sinh viên học chung.Sẽ mở rộng số môn thi các môn cơ sở ngành khối kỹ thuật công nghệ

Nhờ đó, nhiều môn thi tuy mới lần đầu tổ chức nhưng đã thực sự thu hút nhiều sinh viên đăng ký dự thi như: Ngôn ngữ học, lịch sử văn minh thế giới (khối KHXH&NV); marketting, kinh tế học, pháp luật đại cương (khối ngành kinh tế-luật); lập trình, Tiếng Hàn, Tiếng Nhật, Tiếng Trung (khối tin học, ngoại ngữ)…

Theo Tiến sỹ Huỳnh Minh Sơn, trong những kỳ thi tiếp theo, Ban Công tác HSSV sẽ đề xuất lãnh đại Đại học Đà Nẵng tiếp tục mở rộng số môn thi các môn cơ sở ngành khối kỹ thuật công nghệ như kỹ thuật điện, kỹ thuật điện tử, lý thuyết mạch, vật liệu xây dựng… và các môn thí nghiệm thực hành nhằm đáp ứng những yêu cầu đổi mới và phát triển quy mô, chất lượng đào tạo của Đại học Đà Nẵng.

Từ thành công của kỳ thi, Phó GS.TS Trần Văn Nam đã phát lời kêu gọi ái quốc qua thông điệp:

Hơn bao giờ hết, trong bối cảnh đầy cam go, thử thách của đất nước, mỗi CBVC, giảng viên và HSSV của Đại học Đà Nẵng cần nhận thức sâu sắc sứ mệnh và trách nhiệm cao cả của mình trong sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho đất nước, khu vực miền Trung - Tây Nguyên và TP Đà Nẵng. Đó mới thực sự thể hiện rõ lòng yêu nước, đoàn kết, tin tưởng một lòng ở sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước của CBVC, Giảng viên, HSSV, cùng toàn dân tộc quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

T.Ngọc thực hiện

 

Print
252 Rate this article:
No rating