Nhóm sinh viên Đại học Đà Nẵng sáng chế Áo chuyên dụng hỗ trợ dành cho trẻ tự kỷ
Vừa qua, nhóm sinh viên (SV) Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) gồm: Nguyễn Mạnh Dũng, Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Phan Thanh Tùng, Nguyễn Thị Thiên Nga, Nguyễn Văn Kiên, Phan Thị Hoài Giang (Trường Đại học Bách khoa-ĐHĐN) và Nguyễn Thảo Nhi (Trường Đại học Kinh tế-ĐHĐN) đã xuất sắc đạt giải Nhất Cuộc thi Khởi nghiệp công nghệ trong sinh viên ĐHĐN lần thứ II (InTE UD - 2022) với dự án sản phẩm “Áo dành cho trẻ tự kỷ”.
Nhóm sáng chế trình bày nguyên lý, tiện ích
của sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo tại InTE-2022
Áo được thiết kế làm bằng vật liệu vải (hai tà, hai vạt rời dễ mặc), bên trong có hệ thống túi khí và thiết bị massage ở hai bờ vai nhằm hỗ trợ người chăm sóc trẻ tự kỷ có thêm công cụ nuôi dưỡng, chăm sóc giảm bớt thời gian dỗ dành, ôm trẻ vào lòng, qua đó giảm tần suất khi trẻ bị kích động cần được vỗ về, trấn tĩnh.
Nhờ cơ chế kích thích ép sâu (deep pressure stimulation), khi trẻ có dấu hiệu bị kích động, áo sẽ tự động bơm phồng các túi khí ôm chặt cơ thể trẻ, đồng thời thiết bị massage trên hai vai sẽ kích hoạt, thư giãn cho trẻ tạo cảm giác thoải mái, tâm lý ổn định để sớm trở lại cân bằng.
Sản phẩm được thiết kế theo
nguyên lý kích thích ép sâu
Nguyên lý kích thích ép sâu được các nhà nghiên cứu ghi nhận có tác dụng giảm trạng thái kích động cho trẻ tự kỷ. Đó là lý do cần có những cử chỉ ôm trẻ vào lòng, dỗ dành, yêu thương mà áo được thiết kế để trở thành công cụ hữu ích hỗ trợ cha mẹ, người nuôi dưỡng chăm sóc trẻ tự kỷ.
Theo SV Nguyễn Mạnh Dũng, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, qua thử nghiệm cho 10 trẻ tự kỷ đạt kết quả khả quan. Sau khoảng hơn 10 phút có thể giúp trẻ giảm trạng thái kích động, dần trở lại bình thường.
Các ý kiến phản hồi và thử nghiệm ban đầu
cho kết quả đánh giá tích cực về sản phẩm
Tuy trên thị trường hiện đã có một số sản phẩm hỗ trợ giảm kích động cho trẻ tự kỷ như máy ép tạo áp lực sâu, áo trọng lượng, chăn nặng... cũng được thiết kế ứng dụng cơ chế kích thích ép sâu, song các sản phẩm này khiến trẻ bị gò ép, khó thoải mái, thậm chí có trường hợp vẫn khiến trẻ bị kích động hơn. Sản phẩm của nhóm đã chú trọng cải tiến, hoạt động theo cơ chế tự động, điều khiển từ xa bằng sóng RF để chăm sóc trẻ tự kỷ tốt hơn.
Nhóm sẽ hoàn thiện, phát triển thêm mẫu mã, có thể theo hướng áo khoác để tăng thêm diện ôm trọn cơ thể của trẻ, tăng thêm hiệu quả đồng thời nghiên cứu tích hợp thêm các cảm biến theo dõi thể trạng, sức khỏe các bé tốt hơn, SV Nguyễn Mạnh Dũng chia sẻ.
Nhóm SV Trường ĐH Bách khoa và Trường ĐH Kinh tế-ĐHĐN
nhận Cúp và giải Nhất InTE-2022
Theo ý kiến của doanh nghiệp, đây là sản phẩm thiết thực, thể hiện tính nhân văn và xuất phát từ nhu cầu thực tế khi được nghiên cứu, hoàn thiện, thử nghiệm trên diện rộng để đánh giá sẽ có tiềm năng ứng dụng, hỗ trợ hiệu quả khi nhu cầu chăm sóc trẻ tự kỷ là không nhỏ (ước tính hiện nước ta có khoảng 1% trẻ sinh ra hàng năm có dấu hiệu, biểu hiện tự kỷ), ThS. Đinh Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc khối hệ thống phần mềm, Công ty Công nghệ Fossil Việt Nam chia sẻ tại Chung kết InTE UD - 2022.
Thời gian đến, nhóm nghiên cứu sẽ tiến hành kiểm định sản phẩm tại cơ quan chức năng và phối hợp với một số trung tâm nuôi dạy trẻ tự kỷ để thử nghiệm, đánh giá độ an toàn và hiệu quả sử dụng. Khi có sự quan tâm, hỗ trợ đầu tư phát triển “Áo dành cho trẻ tự kỷ” của nhóm SV ĐHĐN hoàn toàn có thể trở thành sản phẩm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hữu ích phục vụ cộng đồng.
Trung tâm TT-HL và Truyền thông ĐHĐN