LIÊN KẾT KHÁC

Nhóm sinh viên Trường Đại học Sư phạm - ĐHĐN sáng chế, đưa vào ứng dụng thực tế Thiết bị thí nghiệm vật lý dành cho học sinh khiếm thị

Vừa qua, Nhóm sinh viên (SV) Trường Đại học (ĐH) Sư phạm - Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) gồm: Trần Thị Thanh Nhàn, Đặng Thị Ngọc Huyền, Phan Hoàng Nhã với sự hướng dẫn của TS. Lê Thanh Huy đã sáng chế, đưa vào ứng dụng thành công Thiết bị thí nghiệm vật lý (khúc xạ ánh sáng) cho học sinh khiếm thị.

Bộ thiết bị thí nghiệm gồm: Nguồn sáng, khối bán trụ mica, bộ phận phát tín hiệu, đầu thu thước đo góc, trong đó nguồn sáng tạo được tia sáng đơn sắc, rõ ràng với cường độ sáng vừa phải; âm thanh thông báo rõ các chỉ số đo góc, đặc biệt trên các bộ phận của thiết bị có chữ nổi giúp học sinh khiếm thị dễ định vị.

Học sinh khiếm thị với thiết bị thí nghiệm vật lý

Khi thí nghiệm, tia sáng chiếu vào tâm thước (trên mặt phẳng thước đo góc) bằng tia laser màu đỏ, học sinh điều chỉnh góc tới bằng cách di chuyển đầu phát laser, sau khi nghe tín hiệu báo số đo góc tới, sẽ điều chỉnh đầu thu tín hiệu để nhận được tia khúc xạ. Đến đúng vị trí tia khúc xạ, thiết bị sẽ thông báo số đo góc để học sinh ghi lại kết quả và kiểm chứng bằng lý thuyết.

“Bộ thí nghiệm được thiết kế gọn nhẹ, kích thước tương đương một chiếc hộp tròn, nhưng bên trong được tích hợp nhiều tính năng bao gồm: Bộ phát tín hiệu laser, đầu thu tín hiệu, thước đo độ và bộ phận phát âm thanh số đo góc cho học sinh khiếm thị sử dụng”, SV Đặng Thị Ngọc Huyền cho biết.


Học sinh khiếm thính sử dụng

thiết bị trong giờ thí nghiệm Vật lý

Bên cạnh thiết bị thí nghiệm, nhóm sáng chế còn bổ sung tài liệu hướng dẫn song ngữ bằng chữ thường và chữ nổi (dành cho người khiếm thị) giúp học sinh có thể tự học, nghiên cứu và thực hiện thuận tiện, SV Phan Hoàng Nhã, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết.

Theo SV Trần Thị Thanh Nhàn, Trưởng nhóm nghiên cứu chia sẻ, xuất phát từ nhu cầu thực tế khi đã từng tham gia tình nguyện hướng dẫn học Vật lý cho các em học sinh tại Trường phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu (thành phố Đà Nẵng), Nhàn nhận thấy giờ học thí nghiệm, kiểm chứng Định luật Khúc xạ ánh sáng và quang hình học đối với các em khiếm thị là rất khó khăn do yêu cầu phải quan sát bằng mắt chứ không có ngôn ngữ, phương tiện hỗ trợ.


Nhóm nghiên cứu và thầy hướng dẫn

(ngoài cùng bên phải) trao tặng thiết bị 

cho đại diện của Nhà trường 

Khi đó, Nhàn suy nghĩ ý tưởng sáng chế một thiết bị có âm thanh giúp các học sinh khiếm thị có thể thực hiện thí nghiệm dễ dàng hơn, qua đó thêm hứng thú, rèn luyện được kỹ năng thực hành trong môn học Vật lý và sau này có thể tiếp tục nghiên cứu, phát triển các thí cụ đối với các môn khoa học tự nhiên khác.

Nhóm đã ứng dụng thực tế thiết bị tại các giờ thí nghiệm vật lý ở Trường chuyên biệt Tương lai và Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục Hòa nhập thành phố Đà Nẵng (trước đây là Trường phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu). Khi đưa vào phục vụ thí nghiệm cho học sinh khiếm thị của các lớp 9 (hiện tượng khúc xạ ánh sáng); lớp 11 (bài lý thuyết khúc xạ ánh sáng), kết quả cho thấy các em học sinh khiếm thị cảm thấy hứng thú, hiệu quả, thuận tiện khi thực hành thí nghiệm và hiểu thêm lý thuyết đã được học.


Niềm vui của nhóm sáng chế

cùng các em học sinh khiếm thị 

Theo TS. Lê Thanh Huy, giảng viên Khoa Vật lý, Trường ĐH Sư phạm – ĐHĐN, người hướng dẫn chuyên môn của nhóm, sáng chế này có ý nghĩa nhân văn và có thể tiếp tục hoàn thiện để trở thành một thí cụ dạy - học phổ biến cho các trường chuyên biệt. Việc nghiên cứu để có thêm các sản phẩm sáng tạo hữu ích như học cụ, thí cụ phục vụ nhu cầu thực tế của học sinh khiếm khuyết là rất cần thiết, mong muốn được các cơ quan, doanh nghiệp đồng hành, hỗ trợ.

Đề tài, sản phẩm Thiết bị thí nghiệm vật lý dành cho học sinh khiếm thị của nhóm SV Trường ĐH Sư phạm - ĐHĐN đã đạt Giải Ba Cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học thành phố Đà Nẵng năm 2021 và đã được nhóm trao tặng đến Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục Hòa nhập thành phố Đà Nẵng để các em học sinh khiếm thị có những niềm vui trong giờ học thí nghiệm của mình.

Trung tâm TT-HL và Truyền thông ĐHĐN

Print
283 Rate this article:
2.0