Sinh viên Đại học Đà Nẵng với những sản phẩm sáng tạo chạm đến trái tim
Tại Triển lãm Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo của tuổi trẻ Đà Nẵng vừa qua, trrong số các sản phẩm công nghệ được giới thiệu, đáng chú ý có 2 sản phẩm y tế “thông minh” của các nhóm tác giả là sinh viên (SV) Đại học (ĐH) Đà Nẵng, thu hút sự quan tâm, chia sẻ của cộng đồng và doanh nghiệp đó là: Thiết bị hỗ trợ người bị run tay và Găng tay phục hồi chức năng.
Các sản phẩm này đều có ý tưởng xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, phục vụ lợi ích, hỗ trợ chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, có tính công nghệ, khả thi và tiềm năng phát triển, ứng dụng rộng rãi.
Thiết bị hỗ trợ người bị run tay
Sản phẩm này do nhóm SV Bạch Ngọc Bích Đào và Võ Văn Hoàng đến từ Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng chế tạo nhờ sự tư vấn, hướng dẫn khoa học của TS. Nguyễn Xuân Bảo(Trưởng Bộ môn Cơ khí chế tạo).
SV Võ Văn Hoàng, thành viên nhóm tác giả
với Thiết bị hỗ trợ người bị run tay
(Ảnh: Tạp chí Đông Nam Á)
Đây là sản phẩm được sáng chế dưới dạng 1 găng tay ứng dụng công nghệ con quay hồi chuyểnhoạt động trên nguyên tắc moment động lượng. Sau khi con quay được kích hoạt, các đĩa quay bên trong con quay sẽ hồi chuyển tạo lực phụ hợp giúp làm giảm mức độ run tay. Qua quá trình ứng dụng thử nghiệm thực tế đã cho thấy thiết bị này có thể ứng dụng tích cực giúp hỗ trợ cho các bệnh nhân Parkinson, giảm bớt chi phí thuốc điều trị, hiệu quả đem lại giúp cho tay của người bệnh ổn định hơn so với trước.
Theo SV Bạch Ngọc Bích Đào, khó khăn bất cập của nhóm là phải tìm được vật liệu phù hợp để chế tạo nên con quay hồi chuyển nhằm đảm bảo cân bằng chuyển động của máy với tay người. Thời gian đến, nhóm chúng em dự định sẽ tiếp tục nghiên cứu, mong muốn có các đơn vị, cá nhân quan tâm, hỗ trợ kinh phí để đầu tư nguyên vật liệu, phát triển đưa sản phẩm công nghệ hữu ích này vào ứng dụng thực tế.

Nhóm SV Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN
trong quá trình thiết kế sản phẩm Găng tay
hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân sau đột quỵ
Thiết bị hỗ trợ người bị run tay được đánh giá cao bởi trong nước vẫn phải mua các thiết bị tương tự nhập ngoại, đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh cho người bệnh Parkinson hầu hết đều đi lại khó khăn, cử động châm chạp, tay bị run. Việc sử dụng các phương pháp chữa trị như phẫu thuật hay dùng thuốc đặc hiệu vừa tốn chi phí cao, vừa có xác suất gây nên tác dụng phụ nên rất cần có thiết bị hỗ trợ người bị run tay cải thiện sức khoẻ và giảm bớt chi phí điều trị. Với những nỗ lực, sáng tạo, sản phẩm của nhóm đã được trao giải Nhất Sinh viên Nghiên cứu khoa học của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật-ĐH Đà Nẵng năm học 2021-2022.
Găng tay cho người đột quỵ
Đây là sản phẩm ứng dụng y tế của nhóm SV Trường Đại học Bách khoa, ĐH Đà Nẵng gồm: Lê Nhất Chính, Nguyễn Hữu Việt (Khoa Cơ khí), Đào Duy Anh (Khoa Điện) và Nguyễn Thị Hiền (Khoa Hóa) phối hợp áp dụng kiến thức kỹ thuật liên ngành sáng tạo nên. Găng tay được thiết kế từ công nghệ ứng dụng khí nén để trợ lực nhằm hỗ trợ phục hồi chức năng các ngón tay cho người bệnh bị các di chứng như sau tai biến mạch máu não.

Đại diện lãnh đạo Sở KHCN
thành phố Đà Nẵng nghe đại diện nhóm SV
giới thiệu tính năng, tiện ích sản phẩm
Các ngón tay được chế tạo từ vật liệu silicon với các buồng khí nối tiếp nhau giúp người bệnh khi đưa các ngón tay vào găng tay thì hệ thống khí nén sẽ khởi động, di chuyển đến các ngón tay người bệnh, hỗ trợ co duỗi với tần suất được lặp đi lặp lại nhiều lần các động tác theo kỹ thuật y tế phục hồi chức năng. Nhờ đó người sử dụng được hỗ trợ luyện tập thường xuyên, dễ dàng các động tác nắm và duỗi thẳng các ngón tay, cải thiện vận động để phục hồi sức khoẻ, tiết kiệm chi phí nhờ không phải hỗ trợ từ nhân viên y tế. Các linh kiện điện tử được thiết kế tách biệt nên không gây ảnh hưởng bất lợi cho người sử dụng.
Theo SV Lê Nhất Chính, sản phẩm này xuất phát từ nhu cầu thực tiễn khi nhóm quan sát, tiến hành khảo sát thực tế cho thấy có nhiều bệnh nhân rất cần phục hồi chức năng bàn tay, nhất là đối với các bệnh nhân từng bị đột quỵ kể cả trong số đó có không ít người còn trẻ. Với chu trình điều trị thực tế tại bệnh viện, số người bệnh đông, số nhân viên y tế hỗ trợ có hạn, lại phải tốn thời gian, chi phí đi lại từ nhà đến bệnh viện khiến hàng ngày, mỗi bệnh nhân chỉ có khoảng gần 1 giờ luyện tập vật lý trị liệu.

Giải Nhất toàn quốc Dự án Kỹ thuật phục vụ cộng đồng - EPICS là nguồn động viên, khích lệ đối với nhóm SV
Xuất phát từ nhu cầu cấp thiết đó, nhóm đã nghiên cứu, tìm tòi, thiết kế, sáng tạo sản phẩm lần đầu tham dự vòng Chung kết Cuộc thi “Dự án Kỹ thuật phục vụ cộng đồng - EPICS” (dành cho SV các khối ngành kỹ thuật-công nghệ) và xuất sắc đạt giải Nhất. Với những kết quả khả quan, thời gian đến, nhóm dự định tiếp tục nỗ lực cải tiến các tính năng, tìm nguồn đầu tư hỗ trợ để hoàn thiện sản phẩm, tìm hướng phát triển nếu thuận lợi có thể trở thành sản phẩm khởi nghiệp, ứng dụng rộng rãi đem lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng, SV Đào Duy Anh chia sẻ.
Những sáng tạo của SV ĐH Đà Nẵng thời gian qua cho thấy tính mới mẻ, độc đáo của ý tưởng, tính sáng tạo khoa học biết ứng dụng công nghệ, tri thức tiên tiến, có sự kết hợp kiến thức liên ngành/xuyên ngành, đặc biệt có tính ứng dụng thực tiễn cao, nhất là đối với các sản phẩm y tế hỗ trợ chăm sóc sức khoẻ cho cộng đồng, rất đáng được ghi nhận, khuyến khích để phát triển, nhân rộng.
Trung tâm TT-HL và Truyền thông ĐHĐN