Sinh viên tham gia giải quyết định kiến giới và thúc đẩy bình đẳng giới trong khởi nghiệp
Chiều 15-9 ,tại Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng tổ chức chương trình Talkshow “Định kiến giới trong hoạt động khởi nghiệp”, thu hút gần 400 sinh viên tham gia.
Chương trình nằm trong khuôn khổ Dự án Thanh niên giải quyết định kiến giới và thúc đẩy bình đẳng giới do Liên Minh Châu Âu tài trợ, các tổ chức Oxfam, CISDOMA và Đại học Đà nẵng phối hợp thực hiện. Chương trình nhằm phát huy vai trò của thế hệ trẻ, đặc biệt là các bạn sinh viên chung tay từng bước xóa mờ những định kiến giới, thay đổi diện mạo xã hội, tiến tới bình đẳng giới.
Quang cảnh Talkshow “Định kiến giới trong hoạt động khởi nghiệp”
Thông tin tại Talkshow, ông Đào Ngọc Ninh - Phó Viện trưởng Viện CISDOMA, Trưởng Dự án cho biết, theo kết quả khảo sát mới công bố gần đây của Facebook, nếu hỏi 5 người phụ nữ ở Việt Nam thì có 4 người mong muốn khởi nghiệp. Nếu chỉ có một nửa trong số đó có cơ hội khởi nghiệp thành công thì đến năm 2021, Việt Nam sẽ tạo ra 1,1 triệu doanh nghiệp mới và 3,9 triệu việc làm.
Nghiên cứu của Việt Nam năm 2015 cũng cho biết chỉ số khởi nghiệp của phụ nữ là 15,5% trong khi chỉ số khởi nghiệp của nam giới là 11,6%. Điều đó cho thấy, tinh thần khởi nghiệp của phụ nữ rất cao. Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng thực hiện nhiều chương trình, hoạt động thực chất nhằm nỗ lực hỗ trợ đổi mới sáng tạo, đặc biệt là với đối tượng phụ nữ khởi nghiệp.
Tuy nhiên, ông Đào Ngọc Ninh cho rằng, phụ nữ Việt Nam vẫn đang đối mặt với không ít rào cản trong hoạt động khởi nghiệp. Nhiều phụ nữ “đơn độc” trong quá trình kinh doanh, xuất phát từ gia đình của họ và định kiến giới của xã hội.
"Phụ nữ có tiềm năng và vai trò to lớn trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cho nền kinh tế nhưng đang gặp không ít thách thức. Thúc đẩy bình đẳng giới, môi trường khởi nghiệp thuận lợi, công bằng giữa nam – nữ là điều các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, doanh nghiệp cùng muốn hướng tới. Một môi trường khởi nghiệp có sự cân bằng về giới không chỉ có lợi cho tất cả người lao động mà chủ doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước, toàn xã hội đều có quyền lợi chung", ông Đào Ngọc Ninh nói.
Tại talkshow, khách mời và các bạn sinh viên cùng nhau trao đổi, chia sẻ những thuận lợi, khó khăn về giới khi khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp sáng tạo, kinh nghiệm lựa chọn lĩnh vực và vượt qua những khó khăn giai đoạn đầu... Từ đó, giúp các bạn sinh viên nhìn nhận rõh ơn tiềm năng, giới hạn của bản thân, có thể lựa chọn chuẩn xác và tự tin trong khởi nghiệp sáng tạo.
Ban tổ chức cuộc thi Sáng kiến thanh niên “Giải quyết vấn đề định kiến giới và thúc đẩy bình đẳng giới” năm 2023 trao giải cho 4 dự án
Trong khuôn khổ chương trình, Ban tổ chức cuộc thi Sáng kiến thanh niên “Giải quyết vấn đề định kiến giới và thúc đẩy bình đẳng giới” năm 2023 trao giải cho 4 dự án, gồm 3 dự án của sinh viên Trường Đại học Sư phạm và một dự án của sinh viên trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng. Các nhóm dự án đạt giải được hỗ trợ kinh phí khoảng 35 triệu đồng để triển khai các sáng kiến bình đẳng giới trong các lĩnh vực, tăng cường truyền thông về bình đẳng giới và chung tay xóa bỏ định kiến giới.
Trong đó, Giải Nhất thuộc về nhóm sinh viên Trường Đại học Sư phạm – với dự án “Seesaw” of Balance. Đây là dự án bình đẳng giới hướng tới đối tượng sinh viên trong khối đại học, cao đằng và học sinh THPT, đặc biệt là sinh viên thuộc ngành báo chí hoặc sinh viên - học sinh đam mê với các công việc liên quan đến truyền thông nói chung và báo chí nói riêng.
Sau khi nhận được kinh phí hỗ trợ, nhóm dự án sẽ triển khai 5 hoạt động chính gồm: Truyền thông bình đẳng giới trên các nền tảng mạng xã hội gồm Facebook, Tiktok, Instagram; Tổ chức buổi Talkshow “Báo và giới”; Cuộc thi sáng tạo, thiết kế poster/tranh vẽ “Kết nối giới”; Workshop “Truyền thông không định kiến” và Tổng giao lưu kết thúc dự án “Seesaw of Balance – End Game” với hoạt động trao giải, triển lãm poster/tranh vẽ cuộc thi “Kết nối giới”, công chiếu video phóng sự “Định kiến giới và nhặt sạn giới trong truyền thông”…
Theo anh Nguyễn Viết Hải Hiệp - Bí thư Đoàn Trường Đại học Sư phạm, nhiều năm qua, sinh viên Nhà trường đã có nhiều chương trình, hoạt động của các bạn sinh viên nhằm hướng đến xóa mờ ranh giới của định kiến.
"Với đặc thù hơn 75% sinh viên là nữ, đồng thời đào tạo khối sư phạm và cả khối cử nhân trong đó có cả báo chí sẽ là thế mạnh để các bạn sinh viên của Trường biến kiến thức thành hành động để thực hiện từ những hành động nhỏ, mỗi một bạn hãy tự thay đổi, cùng thay đổi và lan tỏa sự thay đổi đó đến những người xung quanh để cùng hướng đến một xã hội văn minh, nơi mà mọi giới đều có quyền bình đẳng như nhau", anh Hải Hiệp nói.
Xem thêm trên Báo Tiền Phong
THANH THẢO - Cổng thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng