LIÊN KẾT KHÁC

Sinh viên Trường Đại học Bách khoa-ĐHĐN đạt giải Quán quân Cuộc thi lập trình ứng dụng Unihack-2024

Vừa qua (ngày 28/7/2024), tại Chung kết Cuộc thi lập trình ứng dụng UniHack-2024 do Google Developer Student Club và Google Developer Group Cloud Đà Nẵng phối hợp tổ chức thường niên cho sinh viên (SV), đội The Seekers đến từ Trường Đại học (ĐH) Bách khoa-Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) gồm: Phạm Quang Nhựt, Trần Hữu Tuân, Trần Đức Trí, Mai Xuân Trường, Nguyễn Huy Tưởng đã xuất sắc đạt giải Quán quân với ứng dụng “Hidden Gems” hỗ trợ tìm kiếm địa điểm du lịch.

Đây là sân chơi học thuật, sáng tạo dành cho các bạn SV đam mê công nghệ và lập trình của khu vực miền Trung, đến nay qua mùa thứ 3, năm nay có chủ đề Digital Tourism (Du lịch số).


Đội The Seekers SV Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN 

xuất sắc đạt giải Quán quân Unihack-2024

Theo đại diện Ban Tổ chức, Cuộc thi nhằm truyền cảm hứng lập trình và sáng tạo để có những sản phẩm, giải pháp đột phá ứng dụng công nghệ 4.0 đem lại giá trị hữu ích, phục vụ cộng đồng. Đặc biệt, Unihack-2024 góp phần phát triển du lịch 4.0, tham gia tích cực vào tiến trình ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số quốc gia, lan tỏa trong mùa du lịch cao điểm của miền Trung.

Cuộc thi bắt đầu từ tháng 6/2024 quy tụ 30 đội thi với hơn 120 thí sinh qua vòng thi “Ý tưởng” chọn ra được 10 đội thi cùng nhau tranh tài (mỗi đội trải qua 24 giờ lập trình liên tục) tại vòng “Lập trình”; tiếp tục chọn Top 5 đội xuất sắc nhất vào vòng “Chung kết”.


Các đội thi bảo vệ ý tưởng, dự án

Các đề tài được các đội trình diễn trước Ban Giám khảo và cộng đồng khán giả đều thể hiện sự tìm tòi, sáng tạo mang tính ứng dụng thực tế cao như: Hidden Gems-Ứng dụng hỗ trợ tìm kiếm địa điểm du lịch (Đội The Seekers); Spoter-Millions of destinations-ứng dụng mạng xã hội nơi cộng đồng đam mê du lịch có thể chia sẻ những trải nghiệm du lịch thực tế, đánh giá khách quan về điểm đến (Đội Hamster đuôi dài).

SV Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN với

với Dự án hỗ trợ tìm kiếm địa điểm du lịch

đem lại công nghệ tiện ích vì cộng đồng 

Một số dự án khác như: HueXplore-ứng dụng lên lịch trình chi tiết và tối ưu hóa lộ trình di chuyển gợi ý những điểm ăn uống hấp dẫn tại Huế (Đội HueXplore); Vietnam AI automation Services-Tourism-giải pháp trợ lý ảo giúp tự động hóa quá trình tương tác với khách hàng (Đội Vaias) hay Fiendly tour guide-nền tảng kết nối du khách với hướng dẫn viên địa phương và người dân bản địa (Đội ByteUndefined).

Kết quả chung cuộc, với dự án “Hidden Gems: Ứng dụng hỗ trợ tìm kiếm địa điểm du lịch”, SV Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN đã đem lại công nghệ tiện ích giúp giới thiệu, khai thác những điểm du lịch độc đáo, có chất lượng, thu hút nhu cầu, thị hiếu của cộng đồng du khách.


Truyền cảm hứng ứng dụng công nghệ 4.0

để nâng cao chất lượng hoạt động du lịch

Theo đại diện lãnh đạo Trung tâm xúc tiến Du lịch, Sở Du lịch Đà Nẵng, các ý tưởng, ứng dụng công nghệ 4.0 của SV không những góp phần giải quyết các nhu cầu, cải thiện chất lượng phục vụ du lịch và trải nghiệm của du khách mà còn truyền cảm hứng thúc đẩy ứng dụng công nghệ để đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động du lịch của thành phố cũng như miền Trung và Việt Nam.

Được biết, Trung tâm xúc tiến Du lịch, Sở Du lịch Đà Nẵng sẽ tiếp tục xem xét để có hướng hỗ trợ, phát triển, hoàn thiện ứng dụng các ý tưởng, dự án sau cuộc thi UniHack-2024.

Trung tâm TT-HL và Truyền thông ĐHĐN

Print
134 Rate this article:
4.0