Đại học Đà Nẵng tổ chức Hội thảo quốc tế “Thu hút sinh viên quốc tế và các mục tiêu phát triển bền vững thời kỳ hậu Covid-19” thuộc Dự án HEIsCITI

Toàn cảnh Hội thảo quốc tế
tổ chức tại ĐHĐN
Hội thảo được ĐH Đà Nẵng phối hợp với các trường đại học: ĐH WSB (Akademia WSB, Ba Lan), ĐH Truyền thông Stuttgart (Hochschule der Medien, Đức) và ĐH Mykolas Romeris (Litthuania) tổ chức diễn ra từ ngày 17-21/4.

PGS. TS. Lê Quang Sơn Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng phát biểu
Tham dự Phiên khai mạc có PGS. TS. Lê Quang Sơn-Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng; đại diện lãnh đạo các sở, ngành hữu quan của thành phố Đà Nẵng; các cơ quan, tổ chức, hiệp hội trong và ngoài nước cùng đại diện lãnh đạo, quản lý, các nhà khoa học và chuyên gia quốc tế đến từ các trường ĐH tham gia Dự án HEIsCITI; các trường ĐH thành viên, đơn vị thuộc và trực thuộc của ĐH Đà Nẵng.

TS. Karolina MuchaKuś ĐH WSB Akamedia, Ba Lan phát biểu
Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Lê Quang Sơn-Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng trân trọng chào mừng, cám ơn các đại biểu, các nhà khoa học và chuyên gia tham dự Hội thảo: “Sự có mặt của quý vị hôm nay góp phần xây dựng hình ảnh ĐH Đà Nẵng là nơi hội tụ tri thức, là điểm đến trong tiến trình quốc tế hóa giáo dục ĐH”.

Bà Lê Thị Thu Hạnh-Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ thành phố Đà Nẵng phát biểu
Đại diện lãnh đạo ĐH Đà Nẵng trân trọng cám ơn sự hỗ trợ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các đối tác quốc tế trong Dự án HEIsCITI, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để ĐH Đà Nẵng tổ chức sự kiện ý nghĩa này.
Phó Giám đốc ĐHĐN Lê Quang Sơn giới thiệu với các đối tác những nét tổng quan, nổi bật về ĐH Đà Nẵng là ĐH vùng trọng điểm Quốc gia bao gồm có 06 trường ĐH thành viên, 07 đơn vị trực thuộc với gần 2.600 cán bộ viên chức, giảng viên và hơn 55.000 sinh viên/học viên và lưu học sinh quốc tế.

Đại diện lãnh đạo ĐHĐN trao lưu niệm, tặng hoa cho đại diện các trường đối tác
Với bề dày truyền thống gần 50 năm đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực miền Trung-Tây Nguyên cũng như cả nước, nhiều cựu sinh viên/học viên của ĐHĐN đảm nhận các vị trí chủ chốt trong các cơ quan, trường học và doanh nghiệp, ĐHĐN luôn đóng vai trò quan trọng góp phần phát triển giáo dục, khoa học và kinh tế - xã hội cho đất nước, tích cực hội nhập với tiến trình quốc tế hóa giáo dục ĐH.

Đại diện các trường ĐH và chuyên gia quốc tế chia sẻ nhiều kinh nghiệm hữu ích góp phần thu hút nhiều sinh viên quốc tế
Theo định hướng chiến lược phát triển được xác định phấn đấu trở thành ĐH Quốc gia trong tương lai, một trong ba trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học có uy tín của Việt Nam, có uy tín, vị thế trong khu vực và quốc tế, ĐH Đà Nẵng đặc biệt coi trọng chiến lược hợp tác quốc tế, thu hút sinh viên quốc tế, tăng cường kết nối hợp tác với các trường ĐH uy tín của Châu Âu, đặc biệt là mạng lưới các trường ĐH thuộc Dự án HEIsCITI.
Đăng cai Hội thảo lần này, ĐH Đà Nẵng mong muốn, tin tưởng các đối tác, cơ quan và tổ chức cùng nhau chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm về thu hút sinh viên quốc tế, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, thúc đẩy tiến trình quốc tế hoá giáo dục ĐH, thích ứng và phát triển bền vững trong bối cảnh hậu Covid-19

Các đại biểu phát biểu tại Hội thảo
Các đại biểu đã được nghe các báo cáo, tham luận như: Giới thiệu tổng quan về Dự án HEIsCITI (TS. Karolina MuchaKuś-ĐH WSB Akamedia, Ba Lan); Giới thiệu về hợp tác giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực giữa thành phố Đà Nẵng và các địa phương của Lào (Bà Lê Thị Thu Hạnh-Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ thành phố Đà Nẵng); Giải pháp thu hút sinh viên quốc tế (ĐH Truyền thông Stuttgart, Đức)…

Các đại biểu phát biểu tại Hội thảo
Theo đại diện của Sở Ngoại vụ thành phố Đà Nẵng, trong nhiều năm qua, mối quan hệ hợp tác giữa ĐH Đà Nẵng với Sở Ngoại vụ cũng như kết nối chặt chẽ với chính quyền các tỉnh bạn Lào, Tổng Lãnh sự quán Lào tại Đà Nẵng đã được chú trọng, triển khai có hiệu quả, góp phần thu hút ngày càng nhiều lưu học sinh Lào đến học tập tại ĐH Đà Nẵng, đặc biệt nhờ nguồn học bổng của UBND thành phố Đà Nẵng.

Kết nối mạng lưới các trường ĐH của Dự án HEIsCITI vì mục tiêu phát triển bền vững
Cùng ngày, Hội thảo tiếp tục các phiên chuyên đề với các báo cáo, tham luận xoay quanh chủ đề chính là chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp để thu hút sinh viên quốc tế và thúc đẩy hợp tác đến từ các đại diện các trường ĐH thuộc Dự án HEIsCIT (ĐH WSB Akademia, Ba Lan; ĐH Mykolo Romerio, Lithuania; Công ty LAMA, Ý; Công ty SMART RI, Croatia); Báo cáo nội dung mục tiêu và kết quả dự kiến của các gói công việc số 2 và số 3 (ĐH WSB Akamedia, Ba Lan chủ trì) thuộc Dự án HEIsCIT.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Hội thảo sẽ tiếp tục diễn ra cho đến ngày 21/4 với các phiên chuyên đề tập trung cho các nội dung chính như:
(1) Thu hút sinh viên quốc tế và tiềm năng hợp tác và phát triển bền vững;
(2) Đổi mới phương pháp giảng dạy (ĐH Mykolas Romeris, Lithuania);
(3) Các công cụ hỗ trợ giáo dục cho giảng viên và người học (ĐH WSB, Ba Lan);
(4) Sự tham gia của sinh viên đóng góp cho sự phát triển của bền vững của địa phương (ĐH WSB, Ba Lan); Xây dựng tương tác giữa người dân với chính quyền địa phương/khu vực (ĐH Truyền thông Sttugart, Đức);
(5) Chia sẻ kinh nghiệm quản lý, đào tạo; phát triển đối tác Á-Âu trong giáo dục ĐH để mở rộng mạng lưới và tiếp cận các đề án/dự án hợp tác quốc tế.

ĐHĐN là điểm đến, nơi hội tụ tri thức trong tiến trình quốc tế hóa giáo dục ĐH
Bên cạnh đó, các đại biểu còn tham quan thực tế, trao đổi kinh nghiệm từ thực tiễn của ĐH Đà Nẵng, cụ thể như: Tham quan, chia sẻ kinh nghiệm hợp tác giữa Trường ĐH Sư phạm-ĐH Đà Nẵng với các địa phương của Lào trong đào tạo lưu học sinh; Kinh nghiệm đào tạo lưu học sinh Lào, Campuchia; Chia sẻ kinh nghiệm của Phân hiệu ĐH Đà Nẵng tại Kon Tum đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực phát triển vùng Tây Nguyên, tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia và hành lang kinh tế Đông Tây.
Mời xem thêm tin trên Báo Nhân Dân, Giáo dục và Thời đại, Báo Đà Nẵng.
Trung tâm TT-HL và Truyền thông ĐHĐN