Đại học Đà Nẵng tích cực tham gia Dự án quốc tế PHER: Cơ hội đổi mới, tiên phong hội nhập với giáo dục đại học thế giới

Vừa qua, PGS.TS. Lê Quang Sơn-Phó Giám đốc Đại học (ĐH) Đà Nẵng cùng lãnh đạo 02 ĐH Quốc gia Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các đối tác Hoa Kỳ  phối hợp tổ chức Hội thảo trực tuyến đồng thiết kế xây dựng Khung chương trình Dự án Hợp tác đổi mới giáo dục đại học Việt Nam (Dự án PHER), trọng tâm vào chiến lược đổi mới đào tạo và nghiên cứu.

Cùng tham dự có các chuyên gia đến từ các đối tác: Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Ngân hàng thế giới (WB) và ĐH Indiana (IU) và Ban Quản lý Dự án PHER cùng đại diện lãnh đạo các trường ĐH thành viên, đơn vị trực thuộc và các ban hữu quan của ĐH Đà Nẵng.


Hội thảo quy tụ nhiều chuyên gia uy tín, kinh nghiệm và đại diện lãnh đạo các ĐH 

Tại các phiên họp, Phó Giám đốc ĐHĐN Lê Quang Sơn đánh giá cao ý nghĩa của Dự án PHER, nhấn mạnh vai trò quan trọng của các tổ chức, đối tác, đồng thời bày tỏ mong muốn các chuyên gia uy tín phía Hoa Kỳ sẽ tích cực hỗ trợ, tư vấn và chia sẻ kinh nghiệm giúp ĐH Đà Nẵng đổi mới quản trị, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học ngang tầm quốc tế.

Phó Giám đốc Lê Quang Sơn khẳng định, với nhiều điểm tương đồng về mô hình, cách thức đổi mới chiến lược đào tạo và nghiên cứu của IU là kinh nghiệm tốt đối với ĐH Đà Nẵng để nghiên cứu, vận dụng phù hợp với yêu cầu phát triển đổi mới giáo dục ĐH Việt Nam.


Phó Giám đốc ĐHĐN Lê Quang Sơn phát biểu tại Hội thảo 

Tại các phiên thảo luận, các đại biểu đã phân tích, làm rõ nội dung thiết kế xây dựng Khung chương trình Dự án PHER, tập trung vào các giải pháp then chốt như: Tăng cường tiềm lực đội ngũ giảng viên; Đổi mới phương pháp dạy-học, kiểm tra, đánh giá, trong đó chú trọng các nền tảng ứng dụng trực tuyến; Hoàn thiện mô hình, phương thức quản lý đào tạo đối với ĐH 02 cấp; Nâng cao hiệu quả nghiên cứu gắn với nhu cầu địa phương, đẩy mạnh công bố quốc tế, chú trọng đến các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn có tính đặc thù.


Kinh nghiệm từ mô hình đổi mới, phát triển của ĐH Indiana, Hoa Kỳ có thể nghiên cứu,
vận dụng phù hợp thực tế các ĐH Việt Nam

Theo GS. Trần Ngọc Anh-Trưởng nhóm Dự án PHER của IU, phía IU sẽ nghiên cứu, tư vấn chọn mục tiêu và các chương trình ưu tiên phù hợp với bối cảnh thực tế, chiến lược đổi mới và nguồn lực hiện có, cùng với đó sẽ tích cực đề xuất USAID, WB hỗ trợ hiệu quả để mỗi ĐH đạt được những mục tiêu, tạo bước đột phá về chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học.


Sự hình thành Mạng lưới học giả Việt Nam-Quốc tế và kết nối các ĐH với
doanh nghiệp có ý nghĩa tích cực 

Trên cơ sở kết quả chuỗi hội thảo, các nhóm giải pháp kỹ thuật trọng tâm được thống nhất bao gồm: (1) Thiết lập Trung tâm đổi mới dạy và học, (2) Đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục ĐH, (3) Tăng cường gắn kết giữa đào tạo và thực tiễn, giúp người học đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động; (4) Hình thành mạng lưới học giả Việt Nam với quốc tế, (5) Đổi mới, hoàn thiện hệ thống quản lý và hỗ trợ nghiên cứu của mỗi ĐH (6) Đẩy mạnh hợp tác Nhà trường và doanh nghiệp.


Đổi mới để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, đáp ứng nhu cầu
người học và thị trường lao động quốc tế 

Trung tâm TT-HL và Truyền thông ĐHĐN

Print
1414 Rate this article:
4.0