Trường Đại học Sư phạm-ĐHĐN: Giảng viên và sinh viên chung tay chế tạo thiết bị thu gom rác thải làm sạch mặt nước
Vừa qua, nhóm nghiên cứu Khoa Sinh-Môi trường, Trường Đại học Sư phạm-Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) vừa hoàn thành chế tạo thiết bị tự động thu gom rác thải trôi nổi trên bề mặt nước.
Điểm đáng ghi nhận là nhóm có sự gắn kết giữa thầy và trò: ThS. Trần Ngọc Sơn, sinh viên Phan Văn Đà, Huỳnh Tấn Ngọc và Trịnh Văn Duy (sinh viên năm cuối ngành Quản lý tài nguyên và môi trường) chung tay nghiên cứu, sáng tạo sản phẩm công nghệ hữu ích phục vụ cộng đồng.

Thầy Trần Ngọc Sơn (áo vàng) cùng nhóm SV
lắp đặt thiết bị tại Cảng cá Thọ Quang
Theo ThS. Trần Ngọc Sơn - Trưởng nhóm nghiên cứu chia sẻ, ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa là vấn đề có tính địa phương và toàn cầu, đặc biệt là ở các cảng cá, hồ nước và hạ lưu sông bởi tác động không chỉ làm bẩn nguồn nước, ô nhiễm hệ sinh thái mà còn làm mất mỹ quan công trình, đô thị.
Việc thu gom rác thải trôi nổi trên mặt nước nhất là đối với các loại rác có kích thước nhỏ hiện nay chủ yếu dựa vào lao động thủ công, thiếu thiết bị có tính tự động hoá, chuyên dùng. Nhóm nghiên cứu đã tìm hiểu một số loại máy thu gom rác tự động thuộc các dự án trong và ngoài nước hiện nay, tuy nhiên để ứng dụng đòi hỏi tốn kém kinh phí nhập khẩu thiết bị cũng như chuyển giao kỹ thuật.

Rác thải trên mặt nước tại Âu thuyền và
Cảng cá Thọ Quang được thiết bị thu gom
Xuất phát từ nhu cầu thực tế đó, nhóm quyết định nghiên cứu, chế tạo thiết bị thu gom rác tự động với mục tiêu tạo ra một thiết bị nhỏ gọn, thuận tiện vận hành, sử dụng, có thể hoạt động liên tục cả ngày đêm để đạt hiệu quả cao với chi phí hợp lý.
Theo sinh viên Phan Văn Đà cho biết, “khó khăn nhất của nhóm là cần tìm tòi, sử dụng các nguyên vật liệu để chế tạo các bộ phận cho máy với chi phí thấp nhất có thể”.
Trải qua quá trình nghiên cứu, sáng chế, thiết bị thu gom rác thải nổi trên mặt nước của nhóm đã dần hoàn thành với những tính năng, tiện ích hiệu quả như: Vận hành hoàn toàn tự động, liên tục, lắp ráp không quá phức tạp, giá thành sản phẩm phải chăng với kích thước gọn, phù hợp với các dạng thuỷ vực thông dụng ở địa bàn miền Trung cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước.

Đại diện Ban Quản lý Âu thuyền,
Cảng cá Thọ Quang đánh giá cao
sản phẩm của nhóm nghiên cứu
Qua kiểm nghiệm, vận hành thực tế tại Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang (thành phố Đà Nẵng), sản phẩm công nghệ của nhóm đã được Ban Quản lý ghi nhận, hoan nghênh bởi khả năng ứng dụng phù hợp, hiệu quả.
Theo Phó Trưởng phòng Quản lý Hạ tầng và Môi trường của Ban Quản lý chị Ông Thị Cẩm Vân nhận xét, đây là thiết bị rất hữu ích để giúp thu gom nhanh chóng rác thải trên mặt nước giúp bảo vệ, làm sạch môi trường cảng cá cũng như các thuỷ vực bị ô nhiễm tương tự. Sáng kiến này cần được các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, đối tác hỗ trợ để nhóm tác giả tiếp tục hoàn thiện, tăng công suất hút thu gom rác và có thể nhân rộng , ứng dụng trong thực tế.

Niềm vui của nhóm với thành quả bước đầu
góp phần làm sạch, đẹp môi trường nước
TS. Trịnh Đăng Mậu, Phó Trưởng khoa Khoa Sinh-Môi Trường, Trường ĐH Sư phạm-ĐHĐN cho biết, thời gian tới Khoa luôn hỗ trợ, động viên nhóm nghiên cứu đồng thời đề xuất với Nhà trường hỗ trợ nhóm kết nối, quảng bá sản phẩm từ đó hy vọng sẽ có thêm nguồn kinh phí đầu tư để hoàn thiện về công nghệ, chế tạo máy thu gom rác thải trôi nổi trên mặt nước góp phần làm sạch, đẹp môi trường nước vì cuộc sống cộng đồng.
Trung tâm TT-HL và Truyền thông ĐHĐN