Trường Đại học Sư phạm - ĐHĐN tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia “Quảng Nam: Lịch sử khai lập và Tổ chức quản lý”
Ngày 27/8, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) đã tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia với chủ đề: “Quảng Nam: Lịch sử khai lập và Tổ chức quản lý”.
Hội thảo quy tụ các cán bộ, chuyên gia đến từ các trường, viện trong cả nước
Tham dự có PGS.TS. Lê Quang Sơn - Phó Giám đốc ĐHĐN, PGS.TS. Lưu Trang - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm - ĐHĐN; hơn 30 nhà khoa học, chuyên gia đến từ 22 trường đại học, cao đẳng trong cả nước cùng 500 nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên các ngành/chuyên ngành có liên quan của các khoa, viện, trường...
PGS.TS. Lưu Trang - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm - ĐHĐN (chính giữa) chủ trì Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Bùi Thị Bích Hạnh - Phó Hiệu trưởng Nhà trường đã chào mừng, trân trọng cám ơn quý đại biểu đồng thời nêu bật ý nghĩa, mục đích của Hội thảo lần này nhằm quy tụ trí tuệ, tâm huyết của các nhà khoa học, chuyên gia đối với vùng đất Quảng Nam giàu truyền thống lịch sử và bản sắc văn hoá, cần được tiếp tục nghiên cứu để phát huy các giá trị tinh hoa trong bối cảnh, thời kỳ phát triển mới.
TS. Bùi Thị Bích Hạnh - Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu tại Hội thảo
PGS.TS. Lưu Trang - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm - ĐHĐN cùng nhóm nghiên cứu đã có báo cáo khoa học trong phiên toàn thể đánh giá về Quảng Nam, vùng đất địa linh nhân kiệt, có vị trí chiến lược, hội tụ kết tinh của các dòng chảy văn hoá (từng là thủ phủ của xứ sở Đàng Trong, Vương quốc Chăm Pa), giàu truyền thống “trung dũng kiên cường”… "Các cộng đồng cư dân đã cởi mở, hòa hợp, cùng chắt chiu qua bao đời tạo nên cốt cách của con người trên vùng đất này tính cần cù, ham học hỏi, luôn tìm tòi, sáng tạo và rộng mở”.
PGS.TS Đỗ Bang - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam báo cáo tại phiên toàn thể
Hội thảo tập trung vào 04 chủ đề chính: (1) Lịch sử khai khẩn của vùng đất Quảng Nam; (2) Bàn thảo về quá trình khai khẩn, các luồng di dân; (3) Sự hình thành tính cách trong tiến trình lịch sử xứ Quảng; (4) Làng xã trong lịch sử của vùng đất Quảng Nam.
Các đại biểu đã nghe 03 báo cáo khoa học tại phiên toàn thể: Địa danh và địa giới Quảng Nam cùng các biến động lịch sử từ thời Lê đến thời Tây Sơn (1471 - 1801) (PGS.TS Đỗ Bang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam); Tính mở” trong quá trình khai lập Quảng Nam (PGS.TS. Lưu Trang, TS. Nguyễn Minh Phương, Trường ĐH Sư phạm - ĐHĐN) và Nguồn gốc hình thành tính cách người xứ Quảng từ góc độ lịch sử (ThS. Nguyễn Thị Quỳnh Chi, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh).
PGS.TS. Lưu Trang báo cáo khoa học tại phiên toàn thể
Sau phiên toàn thể, các đại biểu đã tham dự, báo cáo và thảo luận tại 02 tiểu ban theo chủ đề: Quảng Nam: Lịch sử khai lập và Quảng Nam: Tổ chức quản lý và đấu tranh bảo vệ chủ quyền dân tộc với 14 báo cáo khoa học.
Các đại biểu trao đổi thảo luận
Theo các đại biểu, vùng đất Quảng Nam trong lịch sử thể hiện rõ vai trò là “phên giậu”, “tiền đồn” để ông cha ta mở cõi về phương Nam, xác lập chủ quyền, tổ chức quản lý; là nơi khởi phát và cũng là trung tâm của các phong trào yêu nước, đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền lãnh thổ…
Các thế hệ cư dân Quảng Nam đã chung tay tạo nên một vùng đất trù phú về kinh tế và đa dạng về văn hóa, do đó thực sự trở thành một trong những vùng đất tiêu biểu trong lịch sử khai lập, tổ chức quản lý và mở mang bờ cõi về phía Nam của ông cha ta.
Phát huy truyền thống, bản sắc lịch sử, văn hoá của vùng đất Quảng Nam vào thực tiễn đổi mới, phát triển và hội nhập ngày nay
Những đánh giá, kết quả nghiên cứu và tri thức về lịch sử, văn hoá về Quảng Nam từ Hội thảo mà Trường ĐH Sư phạm - ĐHĐN đã nỗ lực chủ trì, tổ chức thành công không những khẳng định uy tín, học hiệu của Nhà trường mà còn góp phần làm sáng tỏ để phát huy truyền thống yêu nước, tự lực tự cường, vượt qua gian khó, phẩm chất năng động, sáng tạo của người dân xứ Quảng trong xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập, đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới, phát triển đất nước.
Tin từ Trung tâm TT-HL và Truyền thông ĐHĐN