Báo Giáo dục và Thời đại: Sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần phát triển vùng và đất nước
Nhân dịp chào mừng kỷ niệm 30 năm xây dựng và phát triển Đại học (ĐH) Đà Nẵng (1994-2024) và khai mạc Hội thảo Gắn kết đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao (NNL CLC) cho các tỉnh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ (BTB-DHTB) theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị, Báo Giáo dục và Thời đại có cuộc trao đổi với PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc ĐH Đà Nẵng.
Chuyên trang chào mừng kỷ niệm 30 năm
ĐH Đà Nẵng trên Báo Giáo dục và Thời đại
Trung tâm Thông tin-Học liệu và Truyền thông ĐH Đà Nẵng trân trọng giới thiệu Bài báo "Sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần phát triển vùng và đất nước" của ĐH Đà Nẵng trên Báo Giáo dục và Thời đại số 275 ra ngày 15/11/2024.
PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ - Thành ủy viên
Giám đốc Đại học Đà Nẵng
PV: Xin Thầy khái quát những dấu ấn, thành quả nổi bật của ĐH Đà Nẵng qua 30 năm xây dựng và phát triển ?
ĐH Đà Nẵng đã đào tạo, cung ứng hàng chục vạn cán bộ kỹ thuật - công nghệ, quản lý kinh tế, chuyên gia, nhà giáo, nhà khoa học, doanh nhân... Nhiều cựu sinh viên thành đạt, đảm nhận những vị trí chủ chốt trong các cơ quan Đảng và Nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp và trường học; đóng góp tích cực phát triển các ngành, lĩnh vực then chốt, hiện diện trên hầu hết các công trình, dự án trọng điểm của vùng và Quốc gia như: Công nghệ Dầu và Khí (Khu kinh tế Dung Quất, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn); Điện lực (Tập đoàn Điện Lực Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực Miền Trung); Công nghệ Ô tô (Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải) hay Giao thông, Ngân hàng, Du lịch…
Đây là dấu ấn nổi bật, minh chứng rõ nét truyền thống và là niềm tự hào để ĐH Đà Nẵng tiếp tục phát huy sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao (NNL CLC), nhất là các ngành mũi nhọn, công nghệ tiên tiến mà không phải cơ sở giáo dục ĐH nào cũng có thể đảm nhận. Thành quả quan trọng của ĐH Đà Nẵng thể hiện toàn diện trên các mặt:
Vinh danh các tân GS, tân PGS là sự kiện
truyền thống, thường niên của ĐH Đà Nẵng
Một là, hoàn thiện mô hình tổ chức và phát triển đội ngũ đảm bảo số lượng, chất lượng. Từ tiền thân 01 trường ĐH, 01 cơ sở giáo dục ĐH (cấp khoa), 01 trường cao đẳng và 01 trường công nhân kỹ thuật, đến nay, ĐH Đà Nẵng cơ bản hoàn thiện mô hình, cơ chế tổ chức và hoạt động, hiện có 06 trường ĐH thành viên gồm: Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Kinh tế, Trường ĐH Sư phạm, Trường ĐH Ngoại ngữ, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt-Hàn và 04 đơn vị đào tạo thuộc và trực thuộc gồm: Trường Y Dược, Phân hiệu ĐH Đà Nẵng tại Kon Tum, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt-Anh, Trung tâm Đào tạo Thường xuyên và 35 trung tâm nghiên cứu, chuyển giao.
Phát huy truyền thống đoàn kết,
thống nhất trong toàn ĐH Đà Nẵng
Từ đội ngũ ban đầu rất mỏng, nhiều ngành chưa có Tiến sĩ (TS), với gần 400 cán bộ, giảng viên, nhờ kiên trì phát triển đội ngũ với các giải pháp có tính đột phá như cử cán bộ, giảng viên đi đào tạo ở nước ngoài, đến nay ĐH Đà Nẵng đã có gần 2.600 cán bộ, giảng viên (tăng 6 lần), trong đó có 127 giáo sư, phó giáo sư (tăng gần 10 lần), 758 TSKH/TS (tăng hơn 16 lần), tỷ lệ giảng viên có trình độ TS là 48% (Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng đạt trên 70%, bình quân chung cả nước là 32%). Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý phần lớn là trẻ, năng động, sáng tạo, phát huy truyền thống đoàn kết, bên cạnh còn có các nhà khoa học, chuyên gia và giảng viên quốc tế. Đây là thế mạnh, nguồn lực quý giá để ĐH Đà Nẵng tiếp tục phát triển bền vững.
Tiên phong, hợp lực đào tạo, nghiên cứu
phát triển công nghiệp bán dẫn
Hai là, phát triển quy mô, ngành nghề đào tạo gắn liền với đảm bảo chất lượng. Từ một vài trường đơn ngành, quy mô nhỏ (chỉ hơn 7.000 sinh viên chính quy), đến nay, ĐH Đà Nẵng đã phát triển thành một ĐH đa ngành, đa lĩnh vực, có quy mô đào tạo thuộc top đầu cả nước gần 55.000 sinh viên/học viên chính quy, lưu học sinh (tăng 8,5 lần) với 136 ngành bậc ĐH (tăng gần 7 lần); 48 ngành Thạc sĩ và 32 ngành Tiến sĩ.
ĐH Đà Nẵng luôn đổi mới, cập nhật nội dung chương trình đào tạo (CTĐT), mở nhiều ngành đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội và người học, bắt nhịp Cách mạng 4.0. Đơn cử như mới đây tham gia khởi xướng Liên minh các ĐH hàng đầu đào tạo NNL CLC phục vụ Công nghiệp bán dẫn. ĐH Đà Nẵng có 03 trường ĐH thành viên đã mở ngành, tuyển sinh đào tạo ngành Thiết kế vi mạch từ năm 2024.
Trường ĐH Bách khoa-ĐH Đà Nẵng
nhận Chứng nhận đạt chuẩn chất lượng
Châu Âu HCERES chu kỳ 2
Trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội (KT - XH) còn nhiều khó khăn, nhất là miền Trung thường xuyên chịu thiên tai, biến đổi khí hậu, vừa trải qua đại dịch Covid-19, ĐH Đà Nẵng luôn là địa chỉ đào tạo uy tín, được quý phụ huynh và học sinh tin tưởng lựa chọn qua các mùa tuyển sinh đều tuyển đủ chỉ tiêu với chất lượng đầu vào cao, nhiều ngành có điểm xét tuyển thuộc top đầu cả nước.
Đảm bảo chất lượng là điểm sáng với văn hóa chất lượng như sợi chỉ đỏ xuyên suốt, điển hình Trường ĐH Bách khoa là 01 trong 04 trường đầu tiên của Việt Nam kiểm định đạt chuẩn chất lượng quốc tế (HCERES, từ năm 2017); các trường thành viên đi đầu kiểm định, đạt chuẩn chất lượng trong nước. ĐH Đà Nẵng là một trong ba ĐH có số CTĐT đạt chuẩn trong nước, quốc tế nhiều nhất với 95 CTĐT, trong đó có 53 CTĐT đạt chuẩn quốc tế (AUN-QA của khu vực Đông Nam Á và CTI, ASIIN của Châu Âu).
Trường ĐH Kinh tế-ĐH Đà Nẵng công bố
Báo cáo kinh tế thường niên thành phố
Đà Nẵng các năm 2022, 2023
Ba là, đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo gắn với thực tiễn phát triển KT - XH của các địa phương, doanh nghiệp. ĐH Đà Nẵng phát huy đội ngũ trí thức, huy động nhiều nguồn lực và mỗi năm bình quân có hơn 250 đề tài KHCN cấp Nhà nước, cấp Bộ, tỉnh, thành và tương đương; tổ chức nhiều hội thảo khoa học lớn tầm vóc quốc gia, quốc tế; công bố khoa học hơn 500 bài báo trên các tạp chí uy tín quốc tế (WoS/Scopus); tích cực tham gia xây dựng, góp ý và phản biện khoa học các chủ trương, chính sách đóng góp phát triển vùng và đất nước.
ĐH Đà Nẵng là thành viên đầu tiên
ngoài châu lục của Liên minh Ulysseus
Bốn là, mở rộng hợp tác quốc tế, phát triển nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại. Thừa hưởng lợi thế đóng chân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng được xác định sẽ trở thành trung tâm KT - XH lớn của vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ (BTB-DHTB) cũng như cả nước, ĐH Đà Nẵng luôn gắn kết với các cơ quan trung ương và địa phương; triển khai hợp tác với ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, ĐH Bách khoa Hà Nội… ĐH Đà Nẵng ngày nay là thành viên nòng cốt của nhiều tổ chức uy tín (AUF, ASEA-UNINET, AUN, SEAMEO…) với hơn 250 đối tác là các trường ĐH, doanh nghiệp uy tín trên thế giới; mới đây là đối tác chiến lược ngoài châu lục đầu tiên của Liên minh các trường ĐH châu Âu (Ulysseus); chủ trì, tham gia nhiều dự án quốc tế lớn (ERAMUS+, PHER, MONTUS, HARMONY…); có kinh nghiệm gần 25 năm đào tạo lưu học sinh.
ĐH Đà Nẵng ký kết hợp tác chiến lược
với Tổ chức ĐH Pháp ngữ ÀUF
Những thành quả mà ĐH Đà Nẵng đạt được trong 30 năm qua là hết sức to lớn. ĐH Đà Nẵng trân trọng cám ơn sự quan tâm, chỉ đạo, ủng hộ và giúp đỡ của Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương, nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) và thành phố Đà Nẵng. Xin tri ân các thế hệ nhà giáo, cán bộ quản lý, người lao động và sinh viên đóng góp công sức, trí tuệ để ĐH Đà Nẵng phát triển lớn mạnh về mọi mặt, thực thi sứ mệnh vẻ vang.
PV: Chiến lược phát triển ĐH Đà Nẵng trong giai đoạn mới như thế nào, thưa Thầy?
Bước sang giai đoạn phát triển mới, để đảm nhận sứ mệnh đào tạo NNL CLC, một trong ba đột phá chiến lược để phát triển đất nước theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ĐH Đà Nẵng tập trung cùng ngành GDĐT triển khai Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương, trong đó có mũi nhọn là đào tạo NNL công nghiệp bán dẫn, phát triển giáo dục STEM (khoa học kỹ thuật, công nghệ kết hợp với toán học), “đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học”.
Tiên phong đào tạo các ngành mũi nhọn
như Công nghệ tài chính Fintech
ĐH Đà Nẵng không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học; phát huy truyền thống đoàn kết và thành quả đạt được qua 30 năm hình thành và phát triển tiếp tục xây dựng môi trường làm việc dân chủ, nhân văn, sư phạm, hướng đến “trường học hạnh phúc gắn với thành phố đáng sống” để thu hút nhân tài góp phần đào tạo các thế hệ sinh viên có tinh thần đổi mới sáng tạo, giỏi tiếng Anh, có khát vọng lập thân, khởi nghiệp, không những biết tự tạo việc làm cho mình mà còn đóng góp, đem lại việc làm để phụng sự xã hội.
Sinh viên ĐH Đà Nẵng đạt giải Nhất
Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng
khởi nghiệp” toàn quốc lần thứ VI năm 2024
Nhiệm vụ phát triển ĐH Đà Nẵng thành ĐH Quốc gia đã được nêu trong các Nghị quyết số 26-NQ/TW về phát triển vùng BTB-DHTB; Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng; Nghị quyết số 169/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 79-KL/TW. Để hiện thực khát vọng này, ĐH Đà Nẵng tập trung triển khai thành công Chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trọng tâm là Dự án Khu Đô thị ĐH (tại Hòa Quý-Điện Ngọc).
Phát triển ĐH Đà Nẵng thành ĐH Quốc gia không phải là để thay đổi danh xưng mà để ĐH Đà Nẵng có cơ chế tự chủ cao nhất, được đầu tư trọng tâm trọng điểm, phát triển nâng tầm, xứng tầm “một trong ba trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học hàng đầu của cả nước, có uy tín, vị thế trong khu vực và quốc tế”.
Theo Báo Giáo dục và Thời đại