Đại học Đà Nẵng tổ chức Hội nghị Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ cho sinh viên: Lấy chất lượng và sự hài lòng của người học làm mục tiêu, động lực phấn đấu
Sáng ngày 12/12, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ-Giám đốc Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) cùng PGS.TS. Lê Thành Bắc-Phó Giám đốc ĐHĐN (phụ trách đào tạo), PGS.TS. Trần Hữu Phúc-Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ-ĐHĐN đồng chủ trì Hội nghị Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ cho sinh viên (SV).
Cùng tham dự có Hiệu trưởng/Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo của các trường ĐH thành viên; Ban Giám hiệu Trường ĐH Ngoại ngữ-ĐHĐN; Thủ trưởng các đơn vị đào tạo trực thuộc (ĐVĐTTT); đại diện lãnh đạo Văn phòng và các ban hữu quan của ĐHĐN (Đào tạo, Đảm bảo chất lượng giáo dục (ĐBCLGD), Tổ chức Cán bộ, Kế hoạch-Tài chính, Công tác HSSV); Trưởng các phòng chức năng của các trường ĐH thành viên, ĐVĐTTT (Đào tạo, Khảo thí và ĐBCLGD, Công tác HSSV); đại diện Đoàn Thanh niên ĐHĐN và các trường ĐH thành viên.
Toàn cảnh Hội nghị tổ chức tại ĐHĐN
Theo phát biểu chỉ đạo, đề dẫn của PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ-Giám đốc ĐHĐN, Hội nghị nhằm rà soát, đánh giá toàn diện, thực chất công tác dạy-học ngoại ngữ cho SV của các trường ĐH thành viên, ĐVĐTTT, qua đó nhận diện những hạn chế, tồn tại, phát huy những kết quả đạt được để có các giải pháp tập trung nâng cao chất lượng dạy-học ngoại ngữ cho SV, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra về năng lực ngoại ngữ trong bối cảnh, yêu cầu hội nhập quốc tế.
Giám đốc ĐHĐN ghi nhận, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo các trường ĐH thành viên/ĐVĐTTT (đều có sự tham dự của các Hiệu trưởng/Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo/Thủ trưởng các đơn vị, nhất là Ban Giám hiệu Trường ĐH Ngoại ngữ-ĐHĐN và Ban Đào tạo ĐHĐN đã nhiệt tình, trách nhiệm cao, đầu tư thời gian, công sức để tham mưu, chuẩn bị các nội dung, báo cáo); các đại biểu từ các ban/phòng và các thầy, cô trực tiếp quản lý đào tạo, giảng dạy ngoại ngữ, làm công tác SV, Đoàn Thanh niên đã tham dự đông đủ Hội nghị quan trọng này.
PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ-Giám đốc ĐHĐN
cùng Phó Giám đốc ĐHĐN Lê Thành Bắc,
Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ-ĐHĐN
Trần Hữu Phúc đồng chủ trì Hội nghị
Gợi mở những vấn đề, nội dung trọng tâm để các đại biểu quan tâm, tập trung báo cáo, cho ý kiến và thảo luận, Giám đốc ĐHĐN nhấn mạnh tinh thần “nói thẳng, nói thật” những mặt được, ưu điểm thì tiếp tục phát huy; những mặt chưa được, hạn chế, bất cập thì cùng nhau làm rõ, tìm giải pháp để khắc phục kịp thời, hiệu quả; đề xuất để tháo gỡ những vướng mắc, khắc phục khó khăn vì mục tiêu là nâng cao chất lượng dạy-học ngoại ngữ cho SV trong thời gian đến.
Hội nghị đã nghe Báo cáo công tác giảng dạy và tổ chức đánh giá năng lực tiếng Anh của SV các trường ĐH thành viên/ĐVĐTTT của ĐHĐN do TS. Huỳnh Ngọc Mai Kha-Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ-ĐHĐN trình bày.
Báo cáo tập trung 02 nội dung chính về công tác Đào tạo (dạy-học ngoại ngữ) và công tác Khảo thí, trong đó thể hiện rõ các nội dung từ cơ sở pháp lý, khung chương trình (các học phần “đầu vào” Bậc 1 (A1) đến "đầu ra" Bậc 2 (A2) tổng cộng 07 tín chỉ) đến nguyên tắc phối hợp phân công báo giảng, bố trí giảng viên (Trường ĐH Ngoại ngữ-ĐHĐN phân công giảng viên của 03 khoa: Tiếng Anh chuyên ngành, Tiếng Anh và Sư phạm Ngoại ngữ đảm nhận giảng dạy cho SV các trường ĐH thành viên/ĐVĐTTT của ĐHĐN)…
TS. Huỳnh Ngọc Mai Kha-Phó Hiệu trưởng
Trường ĐH Ngoại ngữ-ĐHĐN báo cáo
Báo cáo cho biết tình hình, số lượng các lớp tiếng Anh và tổng hợp kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Anh của SV qua 02 năm học 2021-2022, 2022-2023; đồng thời giới thiệu nội dung, lộ trình việc tư vấn, dạy-học và kết quả kiểm tra năng lực ngoại ngữ của SV đối với các chương trình tăng cường đáp ứng chuẩn đầu ra tiếng Anh được tổ chức như các Chương trình giảng dạy theo định hướng IELTS/TOEIC hay VSTEP, từ đó nêu lên những thuận lợi, khó khăn và đề xuất kiến nghị.
TS. Trần Đình Khôi Quốc-Trưởng ban Ban Đào tạo ĐHĐN đã báo cáo thực trạng công tác giảng dạy và đánh giá năng lực ngoại ngữ của SV ĐHĐN.
Báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của ngoại ngữ là môn học bắt buộc trong chương trình Giáo dục phổng thông, được quy định theo Khung trình độ Quốc gia SV tốt nghiệp ĐH cần đạt năng lực ngoại ngữ bậc 3 (theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam).
TS. Trần Đình Khôi Quốc-Trưởng ban
Ban Đào tạo ĐHĐN báo cáo
ĐHĐN triển khai chương trình học tiếng Anh cho SV các trường ĐH thành viên/ĐVĐTTT được thiết kế bao gồm:
(1) Các học phần tiếng Anh bắt buộc (07 tín chỉ) để đạt chuẩn đầu ra bậc 2, Trường ĐH Ngoại ngữ-ĐHĐN phân công, bố trí giảng viên đảm nhận (trừ Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum và Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt-Anh (VNUK) ĐHĐN);
(2) Các học phần tiếng Anh tăng cường để bổ sung cho SV phát triển năng lực đạt đến bậc 3, Trường ĐH Ngoại ngữ-ĐHĐN phân công, bố trí giảng viên tham gia giảng dạy 1 phần;
(3) Các học phần tiếng Anh chuyên ngành được giảng dạy tại các trường ĐH thành viên/ĐVĐTTT (02-04 tín chỉ) do giảng viên của các trường ĐH thành viên/ĐVĐTTT đảm nhận.
Báo cáo của đại diện Ban Đào tạo đánh giá những thuận lợi, khó khăn; tình hình, công tác phối hợp tổ chức giảng dạy; số lượng, trình độ giảng viên dạy tiếng Anh và khối lượng giờ giảng; đặc biệt là báo cáo kết quả đánh giá năng lực tiếng Anh của SV từ “đầu vào” đến kết quả học tập các học phần tiếng Anh và năng lực “đầu ra”; đánh giá chung để đưa ra những nội dung kiến nghị nhằm liên tục cải tiến, khắc phục hạn chế, bất cập để nâng cao chất lượng đào tạo.
Hiệu trưởng/Phó Hiệu trưởng
các trường ĐH thành viên phát biểu
Các đại biểu đã tích cực phát biểu, tập trung thảo luận, nhận diện những hạn chế, bất cập và khó khăn; đề xuất các giải pháp trọng tâm vào các nội dung chính như: Nội dung, thời lượng các học phần dạy-học tiếng Anh; Tình hình bố trí, phân công giảng viên và quản lý chuyên môn của Trường ĐH Ngoại ngữ-ĐHĐN đến giảng dạy tiếng Anh cho SV các trường ĐH thành viên/ĐVĐTTT; Tình hình phối hợp quản lý giảng dạy ngoại ngữ tại các trường ĐH thành viên/ĐVĐTTT; Chất lượng dạy-học ngoại ngữ thể hiện qua kết quả và thực tế nhìn nhận những vấn đề còn tồn tại, phát sinh trong công tác dạy-học, thi/đánh giá năng lực ngoại ngữ, đáp ứng “chuẩn đầu ra” cho SV; Thanh toán chi trả giờ giảng cho giảng viên…
Sau khi nghe các đại biểu báo cáo, phát biểu ý kiến, thảo luận, nhất là các ý kiến phát biểu của lãnh đạo ĐHĐN cũng như các trường ĐH thành viên/ĐVĐTTT; các thầy, cô trực tiếp quản lý, giảng dạy trên tinh thần dân chủ, thẳng thắn, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ-Giám đốc ĐHĐN đã phát biểu kết luận Hội nghị.
Giám đốc ĐHĐN ghi nhận, đánh giá cao Trường ĐH Ngoại ngữ-ĐHĐN (như các Hiệu trưởng các trường ĐHTV cũng đánh giá, cám ơn lãnh đạo, các thây, cô của Nhà trường) đã đảm nhận khối lượng lớn các học phần tiếng Anh cho SV đáp ứng chuẩn đầu ra để tốt nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
Các đại biểu phát biểu
Giám đốc ĐHĐN khẳng định, nêu rõ mục đích, yêu cầu của Hội nghị là dịp để "tất cả chúng ta cùng nhau nhìn nhận, cùng nhau rà soát, cùng nhau suy nghĩ vì mục tiêu chung" trên tinh thần hợp tác, cầu thị, vì SV, vì sự phát triển của Nhà trường để khắc phục hạn chế, tháo gỡ những vướng mắc, bất cập, khó khăn; đặc biệt là nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng dạy-học ngoại ngữ cho SV trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa hiện nay là rất quan trọng, cấp thiết. Đây là trăn trở, trách nhiệm của lãnh đạo ĐHĐN cũng như các trường ĐH thành viên/ĐVĐTTT và là mối quan tâm chung của nhà trường, các thầy/cô và người học.
Giám đốc ĐHĐN đã tổng kết, đánh giá khách quan, toàn diện và thực chất các nội dung được báo cáo, thảo luận và nêu ý kiến, đồng thời cho ý kiến chỉ đạo đối với những đề xuất, kiến nghị từ các trường, đơn vị và đại biểu dự họp.
Những vấn đề nào đã rõ, có thể cùng nhau thống nhất cao và thực hiện thì kết luận ngay để rõ trách nhiệm thuộc đơn vị/cá nhân nào cần cố gắng làm hết sức để kết quả tốt nhất. Những vấn đề khó, còn tồn tại, phức tạp, lâu nay chưa giải quyết được thấu đáo cần tiếp tục trao đổi, nghiên cứu cẩn trọng, kỹ lưỡng dưới nhiều góc độ trên tinh thần tiếp thu, cầu thị để sớm có giải pháp phù hợp, khả thi, “không có vấn đề gì là không thể có giải pháp hợp lý” để khắc phục kịp thời những hạn chế, tập trung vào mục tiêu nâng cao chất lượng dạy-học ngoại ngữ cho SV ĐHĐN.
Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ-ĐHĐN
Trần Hữu Phúc phát biểu
Giám đốc ĐHĐN chỉ đạo cụ thể, sâu sát, có cơ sở thực tiễn và khoa học, hợp lý đối với từng vấn đề, nội dung liên quan như:
Về Chuẩn đầu ra của SV tốt nghiệp tối thiểu phải theo quy định của Bộ GDĐT, bên cạnh đó trong xu hướng, xu thế hội nhập hiện nay, SV ĐHĐN có thể còn cần phấn đấu để đạt chuẩn cao hơn, nhất là đối với 1 số trường có yêu cầu về đặc thù ngoại ngữ cần hỗ trợ cho chuyên môn. Tuy nhiên cũng cần phù hợp với điều kiện thực tiễn của SV có trình độ cũng như mặt bằng các trường, đơn vị còn có sự khác nhau.
Về số lượng tín chỉ các học phần tiếng Anh bắt buộc vẫn giữ 07 tín chỉ và thống nhất triển khai cho tất cả các trường ĐH thành viên/ĐVĐTTT như hiện nay. Tuy chưa hẳn đủ nhưng phù hợp, đáp ứng yêu cầu, bối cảnh hiện nay của các trường, đơn vị; khoảng cách để thu hẹp, bù đắp tiếp tục đào tạo cho SV đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra có thể thực hiện bằng nhiều cách như các trường, đơn vị bố trí thêm thời lượng dạy-học ngoại ngữ cho SV (như Trường ĐH Kinh tế-ĐHĐN tăng lên 15 hoặc 20 tín chỉ) hay tạo điều kiện cho SV tự học, trau dồi để đáp ứng yêu cầu năng lực. Các thầy, cô của Trường ĐH Ngoại ngữ-ĐHĐN, các trung tâm của các trường, đơn vị cố gắng “gắn kết giữa học và thi” để thu hút, tạo điều kiện cho SV nhiều hơn (như Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN sẵn sàng tạo điều kiện về cơ sở vật chất để các thầy, cô đến dạy, giảm bớt chi phí cho SV).
Phó Giám đốc ĐHĐN Lê Thành Bắc phát biểu
Về việc phân công, bố trí giảng viên cần đảm bảo đúng quy định, tiêu chuẩn, trình độ, năng lực và kinh nghiệm giảng dạy, nhất là hết sức chú trọng đến tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết, tâm huyết của giảng viên.
Trường ĐH Ngoại ngữ-ĐHĐN cùng các thầy, cô trực tiếp ở các phòng, khoa, bộ môn phân công, bố trí giảng viên có năng lực, tâm huyết, trách nhiệm với SV; đồng thời cần tăng cường công tác quản lý chuyên môn, kịp thời nắm bắt tình hình để chủ động phối hợp với các trường ĐH thành viên/ĐVĐTTT quản lý nề nếp, khối lượng/chất lượng giảng dạy.
Các trường ĐH thành viên/ĐVĐTTT phối hợp tổ chức đào tạo, bố trí tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, nhất là phối hợp với Trường ĐH Ngoại ngữ-ĐHĐN để quản lý chất lượng, nề nếp dạy-học. Cần tổ chức dạy-học, thi/đánh giá nghiêm túc, tận tình, chu đáo để đáp ứng, tạo điều kiện thuận lợi giúp SV tích cực trau dồi, nâng cao năng lực ngoại ngữ một cách thực chất, hiệu quả.
Giám đốc ĐHĐN Nguyễn Ngọc Vũ
phát biểu chỉ đạo, kết luận Hội nghị
Về việc tổ chức dạy-học, thi vừa phải đảm bảo quy định chung, phù hợp với yêu cầu, tình hình và thực tế của các trường, đơn vị; vừa cần có sự “linh hoạt, mềm dẻo” để tổ chức nghiêm túc, chu đáo trên tinh thần hỗ trợ tối đa cho thầy và trò dạy-học đảm bảo chất lượng.
Giám đốc ĐHĐN nhấn mạnh, các trường, đơn vị cần chú trọng hơn nữa việc cập nhật nội dung, cải tiến và áp dụng các phương pháp dạy-học tích cực theo tinh thần “phục vụ người học” chứ không phải phục vụ “người không học” để ngày càng tạo nên, hoàn thiện môi trường học tập thân thiện, tiện nghi; truyền cảm hứng cho SV học tập, nâng cao năng lực ngoại ngữ.
Về việc các trường, đơn vị phối hợp tổ chức các kỳ thi/đánh giá năng lực ngoại ngữ của SV từ “đầu vào” đến “đầu ra” cần đảm bảo đúng yêu cầu, nghiêm túc, đồng thời có những hình thức tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ để giúp SV học tập có chất lượng hơn, nỗ lực thi để đạt chuẩn đầu ra theo quy định; đảm bảo các quyền lợi chính đáng và hợp pháp của người học và các bên liên quan.
Lấy chất lượng và sự hài lòng của người học
làm mục tiêu, động lực phấn đấu
Giám đốc ĐHĐN gợi mở, đề nghị lãnh đạo các trường, đơn vị một số vấn đề liên quan như: Nghiên cứu, đề xuất cải tiến phương thức đánh giá “đầu vào” để xếp lớp những SV tương đương mặt bằng trình độ để thuận tiện dạy-học, không làm phức tạp, tốn nhiều công sức của thầy và trò;
Rà soát việc các trường thanh toán, chi trả cho giảng viên đảm bảo công bằng, hợp lý, có tính đến đặc thù của mỗi trường, đơn vị cũng như sự đóng góp về chuyên môn của Trường ĐH Ngoại ngữ-ĐHĐN. Đây là vấn đề lớn, cần soát xét kỹ lưỡng, cẩn trọng, đúng quy định và đảm bảo quyền lợi thỏa đáng, phù hợp mới góp phần thúc đẩy đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo không chỉ đối với việc dạy-học tiếng Anh mà còn các môn học chung khác (các học phần chính trị, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng an ninh…)
Cần tính đến nhiều yếu tố dưới nhiều góc độ của Nhà trường, giảng viên như việc tổ chức giảng dạy, bố trí cơ sở vật chất của các trường, đơn vị (với những đặc thù, điều kiện thực tế không như nhau); việc yêu cầu, cơ sở chi trả cho giảng viên dạy ngoại ngữ tại các trường thành viên cũng như dạy chuyên ngữ tại Trường ĐH Ngoại ngữ-ĐHĐN cần đảm bảo công bằng, hợp lý…
Cùng với các giải pháp đồng bộ, quyết liệt
từ ĐHĐN đến các trường ĐH thành viên
ĐVĐTTT, các cuộc thi của Đoàn Thanh niên
tổ chức như Star Awards-2023 đồng hành,
truyền cảm hứng cho SV học tốt tiếng Anh
Các ban/phòng Công tác HSSV, Đoàn Thanh niên cần hết sức quan tâm, có giải pháp kịp thời nắm bắt tình hình, nguyện vọng của SV, không chỉ đối với việc học ngoại ngữ mà còn đồng hành, hỗ trợ thiết thực động viên SV học tập, rèn luyện, phấn đấu đạt kết quả cao; “lấy sự hài lòng của người học làm mục tiêu của mỗi cán bộ, giảng viên”, hướng đến “trường học hạnh phúc”.
Mỗi chúng ta cần luôn suy nghĩ, trăn trở mình đã làm hết trách nhiệm hay chưa? Có thể làm tốt hơn nữa hay không? Trách nhiệm nâng cao chất lượng dạy-học ngoại ngữ không chỉ của Trường ĐH Ngoại ngữ-ĐHĐN trực tiếp là các thầy, cô giảng dạy, quản lý đào tạo, công tác HSSV và người học mà còn của cả hệ thống từ ĐHĐN đến các trường ĐH thành viên/ĐVĐTTT, Giám đốc ĐHĐN nhấn mạnh.
Trung tâm TT-HL và Truyền thông ĐHĐN
Kính mời xem các tin khác:
ĐHĐN tổ chức Hội nghị Nâng cao chất lượng đào tạo lưu học sinh Lào: Lan tỏa tinh thần chủ động, sáng tạo, quyết liệt, hiệu quả
Trường Đại học Ngoại ngữ-ĐHĐN có thêm 09 chương trình đào tạo trình độ đại học đạt tiêu chuẩn chất lượng trong nước
Trường Đại học Ngoại ngữ-ĐHĐN tổ chức Hội thảo quốc tế AsiaCALL-2023 về ứng dụng công nghệ số và AI trong dạy-học ngôn ngữ