Sinh viên Trường ĐH Bách khoa-ĐH ĐH Đà Nẵng: Sáng tạo tái chế chất thải nhựa thành sản phẩm hữu dụng
26/10/2022
Để giải bài toán giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ loại rác thải nhựa Siliconized PET, nhóm sinh viên (SV) Trường Đại học (ĐH) Bách khoa - ĐH Đà Nẵng vừa đưa ra giải pháp tái chế thành các vật dụng hữu ích.
Giải pháp của nhóm đã xuất sắc đạt 02 giải thưởng tại Cuộc thi Dự án Đổi mới sáng tạo kỹ thuật eProjects: Giải Trình bày dự án xuất sắc nhất và Giải Poster xuất sắc nhất. Cuộc thi do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Công ty Dow Việt Nam phối hợp tổ chức nhằm định hướng cho SV phát triển nghề nghiệp tương lai, hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.

Nhóm SV Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN
xuất sắc đạt giải Nhất Dự án eProjects
SV Nguyễn Hoàng Nam, thành viên nhóm nghiên cứu SV Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng cho biết, đề tài của nhóm là nghiên cứu công nghệ xử lý rác thải nhựa. Đây là vấn đề "nóng" bởi từ các ngành công nghiệp điện tử đang phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam, mặt trái là thải ra một lượng lớn chất thải nhựa Siliconized PET (Si-PET) có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Hiện trạng xử lý đối với hầu hết loại rác thải nhựa này thường bằng những cách truyền thống như chôn lấp, đốt. Xuất phát từ thực tế đó, nhóm SV suy nghĩ, đề xuất ý tưởng và hoàn thiện giải pháp công nghệ phù hợp nhằm không chỉ giải quyết được vấn đề rác thải nhựa Si-PET, mà còn có thể tận dụng để tái chế thành các sản phẩm hữu ích, kinh tế hơn.

SV Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN
và TS. Ngô Đình Thanh (thứ 3 từ phải qua)
với dự án BUILD-IT vì cộng đồng
Sau nhiều lần trao đổi, bàn bạc, nhóm nhận được các ý kiến góp ý, tư vấn và hướng dẫn từ Thầy TS. Ngô Đình Thanh cùng các Thầy: TS. Hồ Viết Thắng, TS. Phạm Thị Đoan Trinh, Ths. Nguyễn Tiến Danh với các mentor (người cố vấn) của Công ty Dow Việt Nam là đối tác của Chương trình. Nhóm đã xúc tiến nghiên cứu ứng dụng và triển khai ý tưởng, giải pháp tái chế Si-PET bằng công nghệ tích hợp để trở thành vật liệu/sản phẩm Composite, có khả năng ứng dụng thực tế như chế tạo một số sản phẩm nội thất trang trí trong nhà, SV Hoàng Nam chia sẻ.
Khó khăn của nhóm là vật liệu Si-PET tái chế dùng trong ngành Công nghiệp điện tử còn khá mới mẻ, mặt khác ở Đà Nẵng chưa có nhiều doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng loại vật liệu này nên việc thu thập, tìm kiếm mẫu Si-PET để làm thí nghiệm mất nhiều thời gian, công sức. Việc thiết kế hoàn thiện các thiết bị thí nghiệm đảm bảo độ tin cậy cũng là thử thách không nhỏ, nhưng nhờ nỗ lực và quyết tâm, với sự hướng dẫn của các thầy trong Trường và các mentor, cuối cùng nhóm đã hiện thực được ý tưởng, bước đầu hoàn thiện sản phẩm tham dự Cuộc thi.

eProjects là "sân chơi" học thuật
để SV giải quyết vấn đề thực tiễn
Theo cách làm của nhóm, sau khi thu gom Si-PET về, làm sạch và cắt nhỏ, số lượng chất thải nhựa được nấu, đưa vào khuôn hình. Sau khi nhựa đã chảy đều trên khuôn sẽ cho thêm tác nhân gia cường (như sợi thủy tinh) với một hàm lượng phù hợp. Tiếp đến sẽ đem ép hỗn hợp nhựa nóng chảy trong khuôn bằng thiết bị máy ép nhiệt tạo nên sản phẩm tái chế có đủ độ bền, chịu lực tốt và an toàn trong ứng dụng thực tế. Bài toán xử lý rác thải nhựa Si-PET đã được giải quyết, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vừa đem lại sản phẩm có khả năng tái sử dụng tốt.
Theo SV Đặng Văn Trung chia sẻ, thông qua cuộc thi, nhóm có cơ hội rèn luyện các kỹ năng như kỹ năng tư duy thiết kế dự án doanh nghiệp; kỹ năng làm việc nhóm giữa những cá nhân đến từ nhiều lớp học khác nhau; kỹ năng trình bày, quản lý dự án và kỹ năng kỹ thuật như thiết kế, xây dựng nguyên mẫu. Tham gia cuộc thi còn là cơ hội để SV từ nhiều ngành học khác nhau có thể kết nối, học hỏi kinh nghiệm, tích hợp kiến thức liên ngành-xuyên ngành và ứng dụng thực tiễn những kiến thức đã học.

Các giải pháp công nghệ hữu ích được
sáng tạo trên nền tảng giáo dục STEM
Dự định sắp tới, nhóm sẽ tiếp tục phát triển giải pháp thành dự án hoàn thiện gồm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1, nhóm sẽ tiếp tục cải tiến nâng cao độ bền cơ học và độ chịu lực của vật liệu nhằm đáp ứng tiêu chuẩn cho các sản phẩm gia dụng như bàn, ghế cỡ nhỏ; Giai đoạn 2, nhóm sẽ xây dựng đề xuất một quy trình sản xuất quy mô lớn từ việc thu gom SI-PET ở nhà máy điện tử cho đến ra sản phẩm hoàn thiện; Giai đoạn 3 sẽ tìm kiếm giải pháp marketing cho thị trường tiêu thụ, đại diện nhóm SV cho biết.

SV Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN
với các sản phẩm sáng tạo như Găng tay
phục hồi chức năng phục vụ cộng đồng
eProjects là "sân chơi" học thuật đổi mới sáng tạo kỹ thuật, trong đó giảng viên và mentor đến từ doanh nghiệp hướng dẫn nhóm SV giải quyết vấn đề thông qua các dự án. Trong quá trình tham gia, SV sẽ được vận dụng kiến thức, trau dồi các kỹ năng nghề nghiệp như: Thiết kế, xây dựng, thử nghiệm mẫu cùng với các kỹ năng mềm như làm việc nhóm, quản lý dự án, đưa sản phẩm vào ứng dụng, marketing ra thị trường.
Những năm qua, eProjects đã góp phần tăng cường kết nối, nâng cao hiệu quả hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp phục vụ hữu ích cho cộng đồng thông qua Dự án Thúc đẩy hợp tác đại học - doanh nghiệp thông qua Đổi mới và Công nghệ (BUILD-IT) mà thầy và trò Trường ĐH Bách khoa-ĐH Đà Nẵng luôn nỗ lực thể hiện vai trò tiên phong, tích cực.
Trung tâm TT-HL và Truyền thông ĐHĐN