Đại học Đà Nẵng tổ chức Hội nghị Nâng cao chất lượng đào tạo lưu học sinh Lào: Lan tỏa tinh thần chủ động, sáng tạo, quyết liệt và hiệu quả
15/12/2022
Sáng ngày 15/12, Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) tổ chức Hội nghị Nâng cao chất lượng đào tạo lưu học sinh (LHS) Lào nhằm đánh giá kết quả giai đoạn 2016-2021; làm rõ thực trạng, nhận diện hạn chế để đề ra phương hướng, giải pháp cho giai đoạn 2022-2025, từ đó tăng cường quảng bá, thu hút sinh viên quốc tế đến học tập, nghiên cứu tại ĐHĐN.

Toàn cảnh Hội nghị tổ chức
tại Trường ĐH Kinh tế-ĐHĐN
Tham dự Hội nghị có Bà Lienseng Phengsavath-Bí thư thứ nhất phụ trách Văn hóa, Giáo dục và Thể thao, Tổng Lãnh sự quán Lào tại Đà Nẵng; PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ-Thành ủy viên, Giám đốc ĐHĐN; PGS.TS. Lê Quang Sơn-Phó Giám đốc ĐHĐN; Bà Lê Thị Thu Hạnh-Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ thành phố Đà Nẵng; Bà Đinh Thị Thanh Trúc-Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt-Lào thành phố Đà Nẵng; Ông Đỗ Trung Kiên-Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Hợp tác quốc tế thành phố Đà Nẵng; Hiệu trưởng/Phó Hiệu trưởng của các trường ĐH thành viên, lãnh đạo các đơn vị đào tạo trực thuộc (có đào tạo LHS Lào).
Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo Văn phòng, các ban/trung tâm của ĐHĐN; các phòng hữu quan của các trường, đơn vị (đào tạo, công tác sinh viên, quản lý khoa học và hợp tác quốc tế); đại diện các giảng viên và LHS Lào của ĐHĐN.

Lãnh đạo ĐHĐN đồng chủ trì Hội nghị
Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Lê Quang Sơn-Phó Giám đốc ĐHĐN khẳng định, nâng cao chất lượng đào tạo, trong đó có công tác đào tạo LHS là một trong những mục tiêu, chiến lược của ĐHĐN.
Đề án Nâng cao chất lượng giáo dục ĐH giai đoạn 2019-2025 (Quyết định 69/QĐ-TTg) đã xác định quốc tế hóa giáo dục ĐH là một nhiệm vụ trọng tâm và thu hút sinh viên quốc tế là một giải pháp quan trọng. ĐHĐN cũng như các trường ĐH thành viên, đơn vị đào tạo trực thuộc đang đẩy mạnh phát triển các chương trình đào tạo quốc tế, kiến tạo môi trường mang tính quốc tế hoá cao để đáp ứng nhu cầu hội nhập, đào tạo LHS, đặc biệt là LHS Lào.

PGS.TS. Lê Quang Sơn
Phó Giám đốc ĐHĐN phát biểu khai mạc
Theo Báo cáo của đại diện lãnh đạo Ban Hợp tác Quốc tế ĐHĐN, trong giai đoạn 2016-2021 đã có hơn 3.000 LHS Lào học tập, nghiên cứu tại ĐHĐN (Trường ĐH Kinh tế chiếm tỷ lệ 33.04%, Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum 31.2%; Trường ĐH Sư phạm 20.77%; Trường ĐH Bách khoa 9.56% và một số trường, đơn vị khác).
Công tác LHS Lào đã đạt những thành quả đáng kể, kế thừa, phát huy được truyền thống, kinh nghiệm 20 năm đào tạo LHS Lào tại ĐHĐN: Phối hợp làm tốt công tác quản lý, hỗ trợ và chăm lo cho LHS (đặc biệt trong giai đoạn chịu tác động, khó khăn bởi đại dịch Covid-19, LHS được tiêm đủ 3 mũi vacxin); Đảm bảo các chế độ học bổng, chính sách theo quy định; Thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động góp phần đáp ứng nhu cầu văn hoá tinh thần cho LHS Lào nhân các dịp Lễ, Tết; Gặp mặt, đối thoại, qua đó tiếp nhận và phản hồi kịp thời các ý kiến để cải thiện, đảm bảo điều kiện học tập, sinh hoạt thuận lợi cho LHS Lào.

Đại diện lãnh đạo
Ban Hợp tác quốc tế ĐHĐN báo cáo
Bên cạnh những kết quả đạt được (số lượng LHS Lào nhất là sau đại dịch Covid-19 trở lại học tập ngày càng tăng; ĐHĐN tiếp tục là điểm đến tin cậy được LHS Lào và quý phụ huynh tin tưởng, lựa chọn; các cơ quan, tổ chức và địa phương hai nước, đặc biệt là thành phố Đà Nẵng quan tâm, ủng hộ, cấp nhiều học bổng cho LHS Lào; Chủ tịch nước CHDCND Lào tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Ba cho ĐHĐN và Trường ĐH Sư phạm-ĐHĐN…), đại diện Ban Hợp tác quốc tế ĐHĐN đã thẳng thắn đánh giá, nêu lên những hạn chế, tồn tại; từ đó đề xuất phương hướng khắc phục trong giai đoạn 2022-2025 với những giải pháp toàn diện, cụ thể.

Đại diện Tổng Lãnh sự quán Lào
tại thành phố Đà Nẵng phát biểu
Hội nghị đã nghe các báo cáo tham luận từ phía các cơ quan, các trường ĐH thành viên, đơn vị đào tạo trực thuộc với các chuyên đề như: Định hướng thành phố Đà Nẵng tăng cường quan hệ với nước bạn Lào (đại diện lãnh đạo Sở Ngoại vụ); Phát triển giáo dục và hỗ trợ LHS Lào (đại diện lãnh đạo Tổng lãnh sự quán Lào tại Đà Nẵng); Công tác đào tạo tiếng Việt cho LHS Lào: Thực trạng và Giải pháp (đại diện lãnh đạo Trường ĐH Sư phạm-ĐHĐN); Công tác đào tạo chuyên môn bậc ĐH/sau ĐH cho LHS Lào (đại diện lãnh đạo Trường ĐH Kinh tế-ĐHĐN); Công tác đào tạo LHS Lào tại Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum; Báo cáo tổng hợp ý kiến khảo sát trực tuyến từ phía LHS Lào (Ban Công tác Học sinh-Sinh viên ĐHĐN tổng hợp từ hơn 150 ý kiến).

Đại diện lãnh đạo Sở Ngoại vụ
thành phố Đà Nẵng phát biểu
“Phần lớn LHS Lào yên tâm trong cuộc sống sinh hoạt, kết quả học tập và rèn luyện ngày càng tốt lên, khắc phục được khó khăn, trở ngại”. Việc ĐHĐN tổ chức Hội nghị này giúp phía bạn nắm bắt sâu thêm tình hình thực tế, qua đó tiếp tục tăng cường gắn kết, phối hợp trong thời gian đến, đại diện Tổng Lãnh sự quán Lào tại Đà Nẵng chia sẻ.
Trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn và xây dựng, các đại biểu (trong đó có đại diện giảng viên trực tiếp tham gia đào tạo, quản lý và tiếng nói của đại diện LHS Lào) đã phát biểu nêu lên những hạn chế, vướng mắc, khó khăn, từ đó đề xuất các giải pháp cụ thể, xuất phát từ thực tế cơ sở để khắc phục, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, quản lý và chăm lo, hỗ trợ đối với LHS Lào.

Đại diện lãnh đạo Trường ĐH Sư phạm,
Trường ĐH Kinh tế báo cáo tham luận
Theo Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Lê Thị Thu Hạnh, lãnh đạo thành phố vừa ký kết hợp tác (giai đoạn 2023-2027) với 05 tỉnh (Attapeu, Sekong, Salavane, Champasak và Savannakhet), trong đó có việc tăng số lượng học bổng dành cho LHS Lào nhằm mở rộng phạm vi, trình độ đào tạo (ĐH/sau ĐH) góp phần hỗ trợ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho nước bạn.
Đây là cơ hội thuận lợi để ĐHĐN tiếp tục tăng cường quảng bá, giới thiệu các chương trình đào tạo, ngành học phù hợp để phía bạn nắm bắt được cung-cầu, định hướng chọn cử và giới thiệu, thu hút thêm nhiều nguồn LHS Lào đến học tập tại ĐHĐN và thành phố Đà Nẵng.

Các đại biểu phát biểu
Phát biểu kết luận Hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ-Giám đốc ĐHĐN nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên ĐHĐN tổ chức một hội nghị chuyên đề không những để đánh giá kết quả đạt được mà quan trọng hơn là để nhận diện, làm rõ hạn chế, tồn tại, từ đó đề xuất các giải pháp để khắc phục kịp thời, hiệu quả; thu hút thêm nhiều LHS quốc tế đến học tập, trao đổi tại ĐHĐN.
Ghi nhận, đánh giá cao các trường, đơn vị thời gian qua đã có nhiều nỗ lực, phối hợp tích cực trong công tác đào tạo LHS Lào, Giám đốc ĐHĐN trân trọng cám ơn sự ủng hộ quý báu của các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam/Bộ Giáo dục và Thể thao Lào cùng các địa phương của hai nước, nhất là lãnh đạo và các sở, ban, ngành thành phố Đà Nẵng đối với công tác đào tạo LHS Lào của ĐHĐN, đồng thời biểu dương các đơn vị (đầu mối là Ban Hợp tác quốc tế, Văn phòng ĐHĐN phối hợp với các đơn vị của Trường ĐH Kinh tế-ĐHĐN) đã chuẩn bị, phục vụ chu đáo cho Hội nghị.

Đại diện giảng viên và LHS Lào phát biểu
Các báo cáo tham luận, ý kiến phát biểu được chuẩn bị có chất lượng, vừa khái quát vừa sát thực, cụ thể; phác họa được “bức tranh” khá rõ nét về thực trạng, tình hình đào tạo LHS Lào tại ĐHĐN, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao với sự hiện diện đông đủ các Hiệu trưởng/Phó Hiệu trưởng của các trường ĐH thành viên, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc có đào tạo LHS Lào.
Về nhận thức, phương châm hành động, Giám đốc ĐHĐN nhấn mạnh các cấp lãnh đạo, quản lý từ ĐHĐN đến các trường, khoa và đơn vị liên quan cần nâng cao nhận thức trước yêu cầu, nhiệm vụ đẩy mạnh hợp tác quốc tế; tăng cường trao đổi cán bộ, giảng viên và LHS; nâng cao chất lượng đào tạo LHS, đặc biệt đối với LHS Lào. Điều này có ý nghĩa chiến lược trong giai đoạn phát triển mới, thúc đẩy hội nhập, quốc tế hoá giáo dục ĐH, thu hút thêm nhiều LHS để tiếp tục nâng cao uy tín, vị thế quốc tế của ĐHĐN cũng như các trường, đơn vị.

Giám đốc ĐHĐN trao Giấy khen
cho cán bộ/giảng viên tiêu biểu
Đánh giá cao nỗ lực và kết quả đạt được, Giám đốc ĐHĐN chia sẻ những trăn trở, đề nghị và mong muốn lãnh đạo các trường, đơn vị cũng như mỗi cán bộ, giảng viên cùng suy ngẫm: “Kết quả đạt được tuy quan trọng nhưng đã thực sự tương xứng với tiềm năng, yêu cầu và nhiệm vụ hay chưa ? Khi đối sánh với các ĐH/trường ĐH trong khu vực và cả nước đã tương xứng với vị thế, tiềm lực và sứ mệnh của ĐHĐN hay chưa ? Chúng ta đã làm hết trách nhiệm, thực sự dành tâm sức cho công tác đào tạo LHS hay chưa và có thể làm tốt hơn nữa không ?”
Phương châm là phải đổi mới "chuyển từ thụ động sang chủ động” ở tất cả các cấp (từ lãnh đạo, quản lý cho đến cán bộ, giảng viên và người học), các khâu (từ tư vấn, tuyển sinh đến tiếp nhận, đào tạo chuyên môn, tiếng Việt cũng như công tác quản lý, hỗ trợ và chăm lo cho LHS Lào….) một cách toàn diện, đồng bộ, hiệu quả. Có như vậy mới tạo nên sức mạnh cộng hưởng, khắc phục kịp thời những hạn chế, khó khăn, bất cập đã được nhận diện, làm rõ.

Lãnh đạo ĐHĐN trao Giấy khen của
Giám đốc ĐHĐN cho LHS Lào tiêu biểu
Về cách làm, Giám đốc ĐHĐN giao các trường, đơn vị nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến, nhất là các giải pháp mà các đại biểu đã thảo luận, đề xuất; đồng thời gợi mở, chỉ đạo rõ những yêu cầu, nhiệm vụ đối với các ban chức năng, các trường ĐH thành viên, đơn vị đào tạo trực thuộc, theo đó công tác tuyển sinh LHS phải được coi là nhiệm vụ chung của cả hệ thống (Ban/Phòng Hợp tác quốc tế là đầu mối, phối hợp chặt chẽ với các ban/phòng liên quan như: Đào tạo, Công tác Sinh viên…).
Các trường cần hết sức chủ động trong công tác tuyển sinh, tổ chức đào tạo với vai trò của giảng viên có ý nghĩa rất quan trọng, tinh thần chung phải là “hết sức trách nhiệm, hết lòng với LHS” để từ đó tổ chức các hoạt động dạy-học, nghiên cứu khoa học và quản lý, hỗ trợ LHS phù hợp, hiệu quả.

PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ
Giám đốc ĐHĐN phát biểu kết luận Hội nghị
Rà soát, cải tiến phương thức, các kênh và sản phẩm truyền thông, quảng bá tuyển sinh và kết quả đào tạo LHS; Mở rộng, kết nối với các đơn vị đối tác liên quan để tiếp cận, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời đến người học.
Thường xuyên tổ chức các hoạt động bổ ích, thiết thực để hỗ trợ, hoàn thiện môi trường “thân thiện, an toàn, lành mạnh” giúp LHS yên tâm học tập, sinh hoạt; Chú trọng gắn kết với cựu LHS Lào, qua đó lan tỏa uy tín, học hiệu ĐHĐN và các nhà trường trong hoạt động tư vấn, tuyển sinh; tranh thủ sự ủng hộ của các bộ, ngành và các địa phương (không chỉ làm tốt như đối với thành phố Đà Nẵng) để có thêm nhiều nguồn học bổng và nguồn lực phục vụ mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo LHS Lào.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Chỉ có trăn trở, biến ý tưởng thành quyết tâm bắt tay hành động sáng tạo, quyết liệt; phát huy tiềm năng, thế mạnh và huy động nguồn lực mới hiện thực hoá, đáp ứng được yêu cầu, kỳ vọng “để quãng thời gian học tập, nghiên cứu, sinh hoạt và trải nghiệm tại ĐHĐN thực sự là những năm tháng đẹp đẽ, ý nghĩa nhất đối với mỗi LHS".
Ngay sau Hội nghị này, lãnh đạo các trường, đơn vị cần khẩn trương rà soát, phân công/phân vai cho rõ ràng, cụ thể, có nhận thức, tư duy mới và phương pháp, cách làm bài bản, khoa học và hợp lý, tất cả vì người học. ĐHĐN và các trường, đơn vị trong điều kiện, khả năng thực tế cần có chính sách học bổng, dành kinh phí hỗ trợ LHS Lào góp phần cải thiện các chỉ số đánh giá chất lượng và xếp hạng trong bối cảnh, yêu cầu hội nhập, quốc tế hoá giáo dục ĐH.
Nhân dịp này, Giám đốc ĐHĐN đã tặng Giấy khen (kèm theo tiền thưởng 1 triệu đồng/cá nhân) cho 19 cá nhân tiêu biểu, trong đó có 10 cán bộ/giảng viên có đóng góp tích cực trong công tác đào tạo, quản lý, hỗ trợ LHS Lào và 09 LHS Lào đạt thành tích cao trong học tập và rèn luyện giai đoạn 2016-2021.
Trung tâm TT-HL và Truyền thông ĐHĐN