Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 với sự tham dự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ

19/08/2024

Sáng ngày 19/8/2024, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ-Thành ủy viên, Giám đốc Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) đã tham dự và phát biểu tại Hội nghị Tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến phủ sóng 63 tỉnh/thành trong toàn quốc. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn và các Thứ trưởng Bộ GDĐT chủ trì Hội nghị.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính,

Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn

và các Thứ trưởng Bộ GDĐT chủ trì Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, giáo dục có vai trò quan trọng và là một trong ba đột phá phát triển đất nước. Thủ tướng yêu cầu ngành giáo GDĐT, các bộ, ngành, địa phương thực hiện 9 nội dung nhiệm vụ trọng tâm: Chuẩn bị chu đáo năm học 2024-2025; tổ chức lễ khai giảng tạo không khí vui tươi; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên ngày càng tốt hơn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; tập trung triển khai Kết luận 91 của Bộ Chính trị; tiếp tục rà soát bổ sung kịp thời thể chế, cơ chế chính sách về giáo dục.

Bộ GD&ĐT tập trung xây dựng Luật Nhà giáo, các chiến lược phát triển giáo dục..., tổng kết toàn diện việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; chuẩn bị kỹ, chu đáo, tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; tiếp tục đẩy mạnh tự chủ ĐH, tập trung triển khai các chương trình, đề án theo chương trình chất lượng cao..., tiếp tục tạo môi trường thuận lợi, thu hút đầu tư... Xây dựng, rà soát bổ sung chế độ đãi ngộ giáo viên hài hòa với bối cảnh của đất nước.


Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu 

(Ảnh: Báo Giáo dục và Thời đại) 

Nêu bật ý nghĩa quan trọng của Hội nghị, trân trọng cám ơn sự quan tâm sâu sắc của Thủ tướng đối với ngành GDĐT, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, năm học 2024 - 2025, cùng với cả nước, ngành GDĐT sẽ tiếp tục tập trung thực hiện những nhiệm vụ lớn theo các Nghị quyết, chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ để tiếp tục đổi mới, phát triển GDĐT; phấn đấu hoàn thành tốt hơn và tốt nhất mục tiêu đề ra, triển khai ngay nội dung Kết luận số 91 của Bộ Chính trị; hoàn thành tổ chức triển khai hiệu quả Chương trình Giáo dục Phổ thông năm 2018, ưu tiên đào tạo NNL chất lượng cao, các ngành công nghệ, kỹ thuật cao, trong đó có ngành vi mạch bán dẫn.

Ngành Giáo dục sẽ tham mưu Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 91 của Bộ Chính trị; ban hành Kế hoạch hành động của ngành Giáo dục nhằm triển khai Chương trình hành động của Chính phủ. Trong tháng 8/2024 sẽ hoàn thành Chiến lược Phát triển giáo dục Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Chủ đề năm học 2024-2025 là: "Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới không ngừng, nâng cao chất lượng". 


Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu

(Ảnh: Báo Giáo dục và Thời đại) 

Phát biểu tham luận tại Hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ-Thành ủy viên, Giám đốc ĐHĐN đánh giá cao sự nhạy bén, tầm nhìn chiến lược của Chính phủ có những chỉ đạo hết sức đúng đắn, kịp thời nhằm tận dụng cơ hội lớn để tham gia vào chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu, trong đó có mục tiêu đào tạo 50-100 nghìn kỹ sư bán dẫn theo Đề án "Phát triển nguồn nhân lực (NNL) ngành Công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045".

Giám đốc ĐHĐN bày tỏ sự hoàn toàn nhất trí với chủ trương lớn, hết sức đúng đắn này. Để thực hiện mục tiêu trên, các bên liên quan phải hết sức chủ động, nhất là các trường ĐH.


Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh

và Giám đốc ĐHĐN Nguyễn Ngọc Vũ

tại điểm cầu thành phố Đà Nẵng 

Về phía Bộ GDĐT đã rất chủ động, ngay từ đầu năm học qua (tháng 10/2023), Bộ đã tổ chức Hội nghị tại ĐHĐN để xúc tiến hình thành Liên minh các ĐH lớn (gồm 02 ĐH Quốc gia, ĐHĐN, ĐH Bách khoa Hà Nội và Học viện Bưu chính viễn thông) tiên phong hợp lực để triển khai việc đào tạo NNL Chip bán dẫn. Từ đó đến nay, các trường trong Liên minh đã tích cực triển khai việc mở ngành đào tạo, chuẩn bị đội ngũ, cơ sở vật chất bước đầu đào tạo ngành mũi nhọn này.

Về phía thành phố Đà Nẵng, là nơi được kỳ vọng trở thành trung tâm đào tạo NNL công nghiệp bán dẫn, lãnh đạo thành phố hết sức quan tâm, nỗ lực triển khai “Chương trình Đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn” với sự đồng hành của các trường ĐH và doanh nghiệp. Đây là quyết tâm rất lớn của lãnh đạo thành phố đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm đào nguồn NNL Chip bán dẫn của đất nước.


PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ-Thành ủy viên,

Giám đốc ĐHĐN phát biểu tại Hội nghị 

Giám đốc ĐHĐN nêu ý kiến, Đà Nẵng hội đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, nhất là sau Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh thì Đà Nẵng có lợi thế mà không phải địa phương nào trong khu vực cũng có, đó là: Có hệ thống các trường ĐH lớn trên địa bàn, có truyền thống và chất lượng đào tạo tốt, mà nòng cốt là ĐHĐN với lực lượng trên 100.000 sinh viên, trong đó ĐHĐN có khoảng 60.000 sinh viên, bình quân khoảng 800 sinh viên/1 vạn dân (gấp 4 lần cả nước); Có đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ cao với trên 1.000 Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ (chủ yếu từ các trường ĐH); Đà Nẵng được biết đến là thành phố “đáng sống, đáng đến” thì nay còn có điều kiện phát triển trở thành “thành phố đại học”, “ra ngõ gặp sinh viên”, với số lượng sinh viên đông đảo, trẻ khỏe, có khát vọng và giỏi ngoại ngữ. Đây là điều kiện thuận lợi để Đà Nẵng trở thành trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp bán dẫn theo theo chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.

Từ sau Hội nghị thành lập Liên minh các ĐH

hàng đầu Việt Nam hợp lực đào tạo NNL

Chip bán dẫn đã có nhiều nỗ lực, khởi sắc

Về phía ĐHĐN được Đảng, Chính phủ và Bộ GDĐT quan tâm, ưu tiên đầu tư trọng điểm để phát triển thành ĐH Quốc gia, “một trong ba trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học hàng đầu của đất nước; có uy tín, vị thế khu vực và quốc tế”, ĐHĐN có những thế mạnh về đào tạo Kỹ sư vi mạch bán dẫn, đó là:

(1) Có truyền thống, kinh nghiệm đào tạo khối các ngành kỹ thuật-công nghệ, nòng cốt là Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt-Hàn.

(2) Có lợi thế đóng chân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng nên có điều kiện thu hút nhiều người tài, sinh viên giỏi đến học tập với chất lượng tuyển sinh đầu vào khá cao; cùng với truyền thống cần cù, hiếu học của con người miền Trung là tiền đề để đào tạo NNL chất lượng cao. Điển hình như Synopsys Đà Nẵng có đến 90% nhân sự tốt nghiệp từ Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN.

(3) Có đội ngũ cán bộ, giảng viên được đào tạo cơ bản ở nước ngoài, vừa giỏi chuyên môn, ngoại ngữ;

(4) Có truyền thống hợp tác quốc tế sâu rộng với nhiều đối tác có tiềm lực, thương hiệu uy tín trong Công nghiệp bán dẫn của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)…

Vì vậy, ĐHĐN cùng với các trường ĐH lớn của cả nước sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ đào tạo NNL Công nghiệp bán dẫn theo Đề án của Chính phủ.


Triển khai Chương trình Đào tạo NNL

Vi mạch bán dẫn tại thành phố Đà Nẵng

với vai trò nòng cốt, tiên phong của ĐHĐN 

Để triển khai thành công Đề án, Giám đốc ĐHĐN đề xuất với Chính phủ, Bộ GDĐT cũng như Hội nghị một số đề xuất như sau:

Một là, Chính phủ sớm phê duyệt Đề án "Phát triển NNL ngành Công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tích cực xây dựng trình Chính phủ, nhất là ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện đề án, đồng thời có cơ chế đặc thù về đầu tư theo tinh thần “đột phá của đột phá” để triển khai thành công Đề án.

Hai là, Bộ GDĐT cần có cơ chế đặc thù trong đào tạo NNL Chip bán dẫn, nhất là cách tính chỉ tiêu, đội ngũ cơ hữu các ngành gần so với quy định hiện nay, vì đây là ngành đào tạo mới. Tuy nhiên, cần phải có giải pháp kiểm soát chất lượng đào tạo, tránh tình trạng “trăm hoa đua nở”, đào tạo theo phong trào dẫn đến chất lượng không đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động quốc tế. Vì vậy, trước mắt ưu tiên đặt hàng giao nhiệm vụ cho các trường ĐH lớn có truyền thống đào tạo các ngành công nghệ-kỹ thuật, có tiềm lực về đội ngũ giảng viên và chất lượng sinh viên đầu vào tốt.


Đào tạo NNL Công nghiệp bán dẫn

với tinh thần "đột phá của đột phá"

trong đào tạo NNL chất lượng cao

Ba là, Bộ GDĐT cần có cơ chế thúc đẩy, tạo điều kiện, khuyến khích việc gắn kết chặt chẽ giữa trường ĐH với chính quyền địa phương, các trường THPT để nâng cao chất lượng Giáo dục STEM và ngoại ngữ cho học sinh phổ thông, đây là tiền đề rất quan trọng trong đào tạo ngành công nghiệp mũi nhọn này.

Bốn là, các Bộ/ngành cần phối hợp giúp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc hiện nay trong hợp tác quốc tế để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các trường ĐH trong việc tiếp nhận các nguồn tài trợ/ hỗ trợ từ các đối tác quốc tế; thu hút các nhà khoa học, chuyên gia giỏi về nước tham gia giảng dạy và nghiên cứu để tạo thêm nguồn lực cho các trường ĐH phát triển và hội nhập quốc tế. Bộ GDĐT nghiên cứu có thể xem xét ủy quyền cho các ĐH lớn như các ĐH Vùng chủ động tổ chức các hội thảo quốc tế mà không phải xin phép Bộ.

Năm là, quán triệt thực hiện Kết luận số 91 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29, trong đó chỉ rõ “xây dựng cơ chế, chính sách đột phá và đầu tư nguồn lực tương xứng để phát triển các ĐH Quốc gia, ĐH vùng v.v… để giữ vai trò nòng cốt trong đào tạo và nghiên cứu khoa học”; tiếp tục ủng hộ chủ trương phát triển ĐHĐN thành ĐH Quốc gia theo Nghị quyết số 26 và Kết luận số 79 của Bộ Chính trị.

Việc trở thành ĐH Quốc gia không phải chỉ là để thay đổi danh xưng mà là được nhà nước ưu tiên đầu tư và cơ chế để ĐHĐN có điều kiện phát triển góp phần đào tạo NNL chất lượng cao đáp ứng yêu cầu sự nghiệp Công nghiệp hoá-Hiện đại hoá đất nước nói chung và khu vực miền Trung-Tây Nguyên nói riêng.

Kính mời xem thêm tin trên Báo Giáo dục và Thời đại

Trung tâm TT-HL và Truyền thông ĐHĐN

Kính mời xem các tin khác:

Chủ trương, nhiệm vụ phát triển Đại học Đà Nẵng thành Đại học Quốc gia tiếp tục được khẳng định theo Kết luận của Bộ Chính trị và Quy hoạch Vùng của Chính phủ

Khởi động Chương trình đào tạo nhân lực Vi mạch bán dẫn thành phố Đà Nẵng và khai trương Trung tâm Vi mạch bán dẫn và Công nghệ “thông minh” (VKU-SSTH)

ĐHĐN đăng cai Hội thảo Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp chip bán dẫn: Hợp lực, sẵn sàng vì sự phát triển các vùng và đất nước

In
681 Đánh giá bài viết:
5.0

BÀI VIẾT MỚI