Đại học Đà Nẵng đăng cai Hội thảo Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp chip bán dẫn: Hợp lực, sẵn sàng vì sự phát triển các vùng và đất nước

19/10/2023

Sáng ngày 19/10, tại Đại học Đà Nẵng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) chủ trì, phối hợp với 05 cơ sở giáo dục đại học (ĐH) gồm: ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, ĐH Đà Nẵng, ĐH Bách khoa Hà Nội và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông tổ chức “Hội thảo Phát triển nguồn nhân lực (NNL) chất lượng cao (CLC) ngành công nghiệp chip bán dẫn từ các cơ sở giáo dục đại học (CSGDĐH) Việt Nam”.

Toàn cảnh Hội thảo

tổ chức tại ĐH Đà Nẵng

Tham dự Hội thảo có Đồng chí Nguyễn Kim Sơn-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GDĐT; Đồng chí Nguyễn Văn Quảng-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng; Đồng chí Hoàng Minh Sơn-Thứ trưởng Bộ GDĐT; đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN); đại diện lãnh đạo Văn phòng và các Vụ, Cục của Bộ GDĐT (Giáo dục ĐH, KHCN và Môi trường, Hợp tác quốc tế, Kế hoạch Tài chính); đại diện lãnh đạo các sở, ngành của thành phố Đà Nẵng (GDĐT, KHCN, Thông tin và Truyền thông)…

Bộ trưởng, Thứ trưởng Bộ GDĐT và

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đồng chủ trì

Về phía các trường, viện, doanh nghiệp có: PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ-Giám đốc ĐH Đà Nẵng; PGS.TS. Phạm Bảo Sơn-Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội; PGS.TS. Nguyễn Minh Tâm-Phó Giám đốc ĐH Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh; PGS.TS. Huỳnh Quyết Thắng-Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội; PGS.TS. Đặng Hoài Bắc-Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông; đại diện các hiệp hội, tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước (Intel, Synopsys, Cadence, Qorvo, Viettel, VNPT…); đại diện lãnh đạo, chuyên gia, các nhà khoa học của hơn 40 trường ĐH, viện nghiên cứu, trong đó có các trường ĐH thành viên, đơn vị thuộc và trực thuộc ĐH Đà Nẵng cùng các cơ quan báo chí, truyền thông Trung ương và địa phương.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn

phát biểu khai mạc Hội thảo 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, Việt Nam đang đứng trước cơ hội để phát triển, tạo đột phá ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó đào tạo NNL trình độ cao, CLC nhằm tăng cường đội ngũ các kỹ sư, chuyên gia thiết kế, sản xuất, kiểm thử chip bán dẫn đóng vai trò hết sức quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh khu vực và quốc tế khi Việt Nam và Hoa Kỳ vừa nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9/2023, cùng cam kết thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, trong đó có ngành công nghiệp chip bán dẫn.

Hội thảo là dấu ấn mới nhằm thống nhất, cùng nâng cao nhận thức và quyết tâm hợp lực, hành động, triển khai kế hoạch của toàn ngành GDĐT với sự quan tâm, đầu tư và kiến tạo cơ chế, chính sách của Nhà nước, sự đồng hành tích cực của các địa phương, doanh nghiệp sẽ thúc đẩy tăng nhanh cả về số lượng, chất lượng đào tạo NNL CLC, tăng cường nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới sáng tạo phục vụ nhu cầu phát triển công nghiệp chip bán dẫn trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp phát triển các vùng và đất nước.

PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ

Giám đốc ĐH Đà Nẵng phát biểu chào mừng

Bộ GDĐT đánh giá cao sự chủ động, quyết tâm của các CSGDĐH, nhất là 05 ĐH/học viện đã có sáng kiến cùng tổ chức Hội thảo tại ĐH Đà Nẵng và ký kết văn bản hợp tác hình thành Liên minh đào tạo, nghiên cứu trong lĩnh vực này.

Đây không chỉ là sứ mệnh, nhiệm vụ của các CSGDĐH hay các bộ ngành mà còn cần có sự vào cuộc, phối hợp của các doanh nghiệp, của địa phương, các trường phổ thông và toàn xã hội, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chia sẻ.

Phát biểu chào mừng tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ-Giám đốc ĐH Đà Nẵng bày tỏ niềm vinh dự được Bộ GDĐT và các ĐH trong Liên minh chọn là nơi đăng cai tổ chức Hội thảo rất quan trọng và ý nghĩa này.

Với bề dày truyền thống là “cái nôi” đào tạo, cung ứng cho xã hội hàng chục vạn cán bộ khoa học kỹ thuật-công nghệ trình độ cao, phục vụ sự nghiệp Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa đất nước nói chung, khu vực miền Trung-Tây Nguyên nói riêng, ĐH Đà Nẵng tự hào khi có các thế hệ cựu sinh viên như của Trường ĐH Bách khoa-ĐH Đà Nẵng với gần 50 năm xây dựng và phát triển đang hiện có mặt ở hầu hết các công trình trọng điểm Quốc gia, trong số đó không ít đã trở thành những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy

Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng phát biểu 

Với truyền thống cần cù, hiếu học, có tư duy đổi mới sáng tạo, nhất là trong lĩnh vực kỹ thuật, Toán học của các địa phương trong khu vực miền Trung-Tây Nguyên, ĐH Đà Nẵng thực sự là “địa chỉ tin cậy” trong sự lựa chọn của Quý phụ huynh, học sinh (chất lượng đầu vào của ĐH Đà Nẵng ở mức cao,  trong đó có một số ngành như công nghệ thông tin (CNTT), điện tử-viễn thông thuộc top đầu cả nước); sự quan tâm, đầu tư từ Bộ GDĐT và các nguồn tài trợ của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước để có một số phòng thí nghiệm tương đối hiện đại, đồng bộ trong đào tạo, nghiên cứu chip bán dẫn... Chính những yếu tố này sẽ là tiền đề hết sức quan trọng để ĐH Đà Nẵng (có 3/6 trường ĐH thành viên đào tạo về kỹ thuật-công nghệ) đảm nhận được sứ mệnh đào tạo NNL CLC cho lĩnh vực này.

Đại diện các CSGDĐH báo cáo tham luận 

Trân trọng chào mừng và cám ơn Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ GDĐT, đồng chí Bí thư Thành ủy cùng các sở, ngành của thành phố Đà Nẵng và đại diện lãnh đạo, các nhà khoa học, chuyên gia đến từ các cơ sở giáo dục ĐH, các viện nghiên cứu, tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp đã quan tâm, tham dự Hội thảo, Giám đốc ĐH Đà Nẵng khẳng định, Hội thảo hôm nay là minh chứng cho thấy sự quan tâm rất lớn của các cấp lãnh đạo “ba nhà” (Nhà nước-Nhà trường-Nhà doanh nghiệp) đối với đào tạo NNL CLC nói chung, phục vụ ngành công nghiệp chip bán dẫn nói riêng, “trên hết đó là thể hiện sự quyết tâm hợp tác, tiên phong đi đầu, cùng nhau hành động và chia sẻ nguồn lực để nâng cao hiệu quả đào tạo, nghiên cứu trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, góp phần phát triển ngành công nghiệp chiến lược đầy tiềm năng của Việt Nam”.

Đại diện các doanh nghiệp phát biểu 

Phát biểu tại Hội thảo, Đồng chí Nguyễn Văn Quảng-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng cho biết, các Nghị quyết số 43, số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị đã chỉ rõ chiến lược, tầm nhìn để phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, trung khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phổ biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực Châu Á.

1 trong 5 lĩnh vực thành phố ưu tiên tập trung đó là phát triển công nghiệp CNTT, điện tử-viễn thông gắn với kinh tế số (năm 2022, kinh tế số chiếm 19,7% GRDP; Đà Nẵng có gần 2.500 doanh nghiệp công nghệ số, đứng thứ 2 sau thành phố Hồ Chí Minh. Mục tiêu đến năm 2030, kinh tế số của thành phố chiếm tối thiểu 30% GRDP, đạt tối thiểu 8.950 doanh nghiệp với khoảng 115.000 nhân lực công nghệ số phục vụ 7 khu CNTT tập trung, Công viên phần mềm).

Giám đốc ĐH Đà Nẵng (thứ 3 từ phải sang)

cùng Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn

và các đại học, doanh nghiệp chủ trì thảo luận 

Có thể nói, Đà Nẵng có nền tảng, lợi thế và điều kiện rất thuận lợi để phát triển công nghiệp CNTT, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhất là đối với ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn.

ĐH Đà Nẵng hiện là 1 trong những trung tâm đào tạo lớn của cả nước, đang được Chính phủ đầu tư tập trung để thực hiện chủ trương, nhiệm vụ phát triển thành ĐH Quốc gia theo Nghị quyết số 26-NQ/TW.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng bày tỏ tin tưởng, đánh giá cao ý nghĩa của Hội thảo này hy vọng sẽ tạo dựng được Liên minh các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp, quy tụ các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ cao cùng hợp tác đào tạo, nghiên cứu, cung ứng NNL CLC, trong đó có ngành công nghiệp chip bán dẫn.

Thành phố cam kết chủ động và sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đến Đà Nẵng phát triển hợp tác, hoạt động dưới nhiều mô hình khác nhau để góp phần phát triển đất nước.

Hội thảo quy tụ nhiều lãnh đạo, quản lý,

chuyên gia, nhà khoa học, doanh nhân 

thảo luận, "hiến kế" đào tạo NNL CLC 

Tại Hội thảo, đại diện các CSGDĐH và doanh nghiệp đã phát biểu tham luận, thảo luận với nhiều chủ đề, nội dung có tính thời sự,  xuất phát từ cung-cầu trên thị trường lao động và thực tiễn, kinh nghiệm, xu thế đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và thiết kế, sản xuất chip bán dẫn cũng như thống nhất tầm quan trọng và cơ hội lớn để phát triển NNL CLC đối với ngành, lĩnh vực này.

Đại diện các CSGDĐH, doanh nghiệp và chuyên gia cũng đề xuất, kiến nghị với Bộ GDĐT, các bộ, ngành, Chính phủ cũng như cộng đồng doanh nghiệp các giải pháp, định hướng để kiến tạo cơ chế, chính sách đặc biệt/đặc thù, phù hợp với điều kiện, nhu cầu xu thế phát triển từ đó thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện mục tiêu, kế hoạch hành động của ngành GDĐT, đáp ứng nhu cầu NNL CLC góp phần phát triển các vùng và đất nước, trong đó 1 trong những trọng tâm cần ưu tiên đột phá đó là ngành công nghiệp chip bán dẫn.  

Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn

phát biểu kết luận Hội thảo 

Phát biểu kết luận Hội thảo, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn trân trọng cám ơn lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, ĐH Đà Nẵng, các CSGDĐH và các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp tham dự Hội thảo hôm nay như một “ngày đáng nhớ trên chặng đường chúng ta cùng chung góp sức, tạo dựng để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam”.

Nhấn mạnh hai từ khoá “thời” và “cao”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, chúng ta đang có "thời cơ lớn" trong xu hướng chuyển dịch làn sóng đầu tư quốc tế, khi sự tin cậy, nâng tầm hợp tác chiến lược có thể đem đến sự chia sẻ để cùng phát triển trong các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật và công nghệ.

Lãnh đạo 05 CSGDĐH (từ trái sang: 

ĐHQG Hồ Chí Minh, ĐHQG Hà Nội,

ĐH Đà Nẵng, ĐH Bách khoa Hà Nội,

Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông)

cùng ký kết Biên bản hợp tác Liên minh

Nếu phát triển được lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, chúng ta có thể góp phần nâng tầm vị thế đất nước (câu chuyện này không phải như của một lĩnh vực sản xuất bình thường). Nếu làm được, chúng ta còn có thể nâng tầm vai trò của cả hệ thống giáo dục ĐH, đem lại diện mạo mới để minh chứng, khẳng định thuyết phục rằng giáo dục ĐH nước nhà cung ứng được NNL CLC, nền tảng để phát triển công nghệ cao… từ đó các chỉ số liên quan như công bố khoa học, phát minh sáng chế, phát triển tiềm lực đào tạo và nghiên cứu, đổi mới sáng tạo của các trường sẽ được tăng lên, hiện đại hóa được hệ thống các CSGDĐH, nhất là đối với các trường đào tạo, nghiên cứu về kỹ thuật và công nghệ.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chỉ đạo, bên cạnh thời cơ lớn, thách thức và khó khăn còn ở phía trước, do đó cần "xác định quyết tâm rất cao, có lộ trình bài bản, chắc chắn, có các giải pháp đột phá", nhất là đối với ngành mới như công nghiệp chip bán dẫn không thể làm bằng thói quen cũ, kinh nghiệm cũ, cách dạy-học cũ mà phải có tư duy, tầm nhìn, giải pháp và cách làm mới mẻ, đột phá. “Lĩnh vực công nghệ cao cần có sự đầu tư cao để đáp ứng yêu cầu, kỳ vọng cao, nhưng trước hết cần phải đào tạo, nghiên cứu thật sự có chất lượng cao”.

Sự hiện diện, ủng hộ, đồng hành của

lãnh đạo Bộ GDĐT, thành phố Đà Nẵng 

và các CSGDĐH thể hiện quyết tâm cao

đào tạo NNL cho ngành chip bán dẫn

Bộ GDĐT ý thức sâu sắc trách nhiệm và sứ mệnh của ngành, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên hàng đầu trong các chỉ đạo của giáo dục ĐH, trước hết trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Bộ sẽ chuẩn bị kỹ về thể chế, ban hành kế hoạch, cùng điều phối, hỗ trợ Liên minh kết nối các trường có năng lực đào tạo, nghiên cứu và doanh nghiệp để tham gia cung ứng NNL CLC, phục vụ phát triển ngành chip bán dẫn; đề xuất với Chính phủ, Quốc hội có những chiến lược tầm cao, dài hạn. 

Với các trường đủ quyết tâm và có khả năng, đã sẵn sàng thì có thể tuyển sinh sớm. Bộ sẽ hướng dẫn quy chế, thông tư đặc biệt/đặc thù nhằm thu hút các nguồn lực, chuyên gia, đội ngũ, cơ sở vật chất, đổi mới, chia sẻ chương trình đào tạo, kể cả sử dụng chương trình nước ngoài… Bộ sẽ tạo niềm tin, chỗ dựa về pháp lý để các trường đột phá triển khai, thậm chí có thể vừa đào tạo, vừa hoàn thiện các điều kiện và phải đảm bảo được chất lượng. Công tác truyền thông cần đi trước, tạo sự thống nhất về nhận thức, truyền cảm hứng cho học sinh, phụ huynh đối với ngành mũi nhọn nhiều tiềm năng, triển vọng này.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm 

Nhân dịp này, trước sự chứng kiến của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng và Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn, lãnh đạo 05 CSGDĐH gồm: ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, ĐH Đà Nẵng, ĐH Bách khoa Hà Nội và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã cùng ký kết Biên bản Hợp tác Liên minh.

Thỏa thuận hợp tác Liên minh được ký kết nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh; thống nhất kế hoạch hành động cùng các CSGDĐH Việt Nam thúc đẩy đào tạo NNL CLC, nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo đáp ứng nhu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn; cùng đề xuất với Chính phủ các cơ chế, chính sách để hỗ trợ, kiến tạo môi trường, điều kiện thuận lợi, phù hợp để đóng góp phát triển đất nước.

ĐH Đà Nẵng sẵn sàng tiên phong 

cùng Liên minh các CSGDĐH đào tạo,

cung ứng NNL công nghiệp chip bán dẫn

đóng góp phát triển vùng và đất nước 

ĐH Đà Nẵng với vai trò, sứ mệnh của 1 trong 3 trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo hàng đầu của cả nước, có các trường ĐH thành viên đào tạo các ngành/chuyên ngành liên quan đến công nghiệp chip bán dẫn như:

Trường ĐH Bách khoa hiện cung cấp khoảng hơn 1000 nhân lực tốt nghiệp các khoa, ngành gần và liên quan đến công nghệ chip bán dẫn (CNTT, Điện tử-Viễn thông, Điện, Cơ khí, Tự động hóa, Khoa học Công nghệ tiên tiến…); sẽ mở ngành đào tạo Kỹ sư vi điện tử (bắt đầu tuyển sinh ngay từ năm 2024);

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật-ĐH Đà Nẵng đã sớm thành lập Khoa Công nghệ số, hợp tác với Tập đoàn Nam Long đầu tư triển khai Phòng thí nghiệm thực hành chuyển đổi số;

Trường ĐH CNTT và Truyền thông Việt-Hàn, ĐH Đà Nẵng cũng đã vừa xúc tiến, công bố Chương trình đào tạo Chuyên ngành Vi mạch bán dẫn; Xây dựng Lab nghiên cứu, thiết kế vi mạch (dự kiến đầu tư khoảng 10 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ thông qua KOICA).

Kính mời xem tin trên các báo: Báo Nhân Dân, Báo điện tử Đảng Cộng sản, Báo Chính phủ, Đài Truyền hình VTV1 (13''20'), Báo điện tử Đại biểu Nhân dân, Báo Tổ quốcCổng thông tin điện tử Bộ GDĐTBáo Giáo dục và Thời đạiThông tấn xã Việt Nam, Báo VOVBáo Thanh niênBáo Tuổi trẻ, Báo Tiền phong, Báo Sài Gòn giải phóng, Báo Đà Nẵng, Báo Quảng Nam, Báo Thừa Thiên HuếBáo Lao động, Báo Giáo dục Việt Nam, Báo Công thương, Báo Công an nhân dânĐài Truyền hình VTV8, Đài Danang TVBáo Vietnamnet, Báo VnExpress (đang tiếp tục cập nhật).

Trung tâm TT-HL và Truyền thông ĐHĐN

Kính mời xem các tin khác: 

ĐHĐN với vai trò trung tâm trong đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nghiên cứu, ứng dụng chuyển đổi số

Hội thảo Nhà trường-Doanh nghiệp: Sẵn sàng đào tạo nhân lực chất lượng cao cho Công nghệ Chip bán dẫn Việt Nam

Hướng đi mới trong đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao góp phần thu hút đầu tư, phát triển kinh tế số

In
2156 Đánh giá bài viết:
5.0

BÀI VIẾT MỚI