Gắn kết tam giác "ba nhà" trong phát triển ngành mũi nhọn vi mạch bán dẫn

03/09/2024

Vừa qua, tại Hội nghị Kết nối cung cầu nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn Đà Nẵng, Hiệu trưởng các trường đại học (ĐH) thành viên của Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN): Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt-Hàn (VKU) đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC) về phối hợp trong nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng về vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, gắn kết tam giác "ba nhà" (Nhà nước-Nhà trường-Nhà doanh nghiệp) cùng hợp lực phát triển các ngành mũi nhọn này.


ĐHĐN thực thi sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực

chất lượng cao,  đồng hành cùng thành phố

phát triển Công nghiệp vi mạch bán dẫn 

Theo đại diện lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Nghị quyết số 29-NQ/TW (ngày 17/11/2022) của Trung ương về tiếp tục đẩy mạnh Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và triển khai Chương trình Quốc gia về nâng cao năng lực độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của nền sản xuất Việt Nam đến năm 2045 (Make in Vietnam 2045) trong đó, phát triển các ngành công nghiệp ứng dụng công nghệ có giá trị gia tăng cao, phát thải carbon thấp; khuyến khích đầu tư vào đổi mới, làm chủ công nghệ lõi, công nghệ nguồn…


03 trường thành viên của ĐHĐN:

Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH 

Sư phạm Kỹ thuật và VKU ký kết MOU

hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo

thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng

Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia về phát triển ngành Công nghiệp bán dẫn (Quyết định số 791/QĐ-TTg ngày 8/8/2024) có nhiệm vụ nghiên cứu, tư vấn, khuyến nghị, đề xuất phương hướng, giải pháp để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn tại Việt Nam.

Nhiệm vụ này đặt ra yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, nhất là trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn.


Các trường ĐH thành viên của ĐHĐN chủ động

tích cực vào cuộc, mở ngành, tuyển sinh

đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu

phát triển ngànhh Công nghiệp Chip bán dẫn

Theo đại diện lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, Nghị quyết số 136/2024/QH15 (ngày 26/6/2024) của Quốc hội đã thông qua về việc tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, trong đó có các chính sách ưu đãi vượt trội cho các nhà đầu tư chiến lược, đối tác chiến lược trong lĩnh vực vi mạch, trí tuệ nhân tạo.

Đây là cơ hội đồng thời đặt ra thách thức không những đối với thành phố Đà Nẵng để tận dụng thời cơ, tạo đột phá mạnh mẽ mà còn đối với các trường ĐH trong đó có ĐHĐN với vai trò, vị thế uy tín hàng đầu trong hệ thống giáo dục ĐH nước nhà, cần tiếp tục khẳng định rõ sứ mệnh nòng cốt, chủ lực trong đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN đầu tư

Phòng thực hành Thiết kế vi mạch 

trang bị hệ thống máy tính với Bộ công cụ

thiết kế vi mạch chuẩn Cadence

Điều này đã thể hiện qua những bước đi có tính tiên phong, chủ động, bài bản như:

Đầu năm học 2023-2024, ĐHĐN đăng cai sự kiện thành lập Liên minh các ĐH hàng đầu cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, khởi xướng tiên phong trong đào tạo, nghiên cứu về Chip bán dẫn;

Ký kết triển khai hợp tác với Bang Oregon, Hoa Kỳ, trong đó có ĐH Portland là đối tác có tiềm lực, thương hiệu hàng đầu về Chip bán dẫn cùng đồng hành, hỗ trợ;

Chỉ đạo các trường ĐH thành viên vào cuộc từ sớm như: Cả 3 trường ĐH thành viên có truyền thống, thế mạnh trong lĩnh vực kỹ thuật-công nghệ của ĐHĐN (Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật và VKU) đồng loạt mở ngành, tuyển sinh Vi mạch bán dẫn;

Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN tiên phong

kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp đối tác 

đào tạo ngắn hạn “Thiết kế vật lý vi mạch VLSI

cơ bản” cho cán bộ, giảng viên và sinh viên

Kết nối, làm việc và hợp tác với các đối tác doanh nghiệp uy tín hàng đầu của Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) để  tận dụng kinh nghiệm, tranh thủ nguồn lực, trong đó có việc triển khai các khóa đào tạo, bồi dưỡng cho giảng viên, sinh viên các ngành gần;

Đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, khai trường Trung tâm Nghiên cứu Vi mạch bán dẫn và Công nghệ thông minh (VKU), Phòng Thực hành Thiết kế vi mạch  (Trường ĐH Bách khoa), Phòng thí nghiệm, thực hành Vi mạch bán dẫn (Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật).


Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật-ĐHĐN ký kết 

triển khai hợp tác với Trung tâm Đổi mới sáng tạo

Quốc gia trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu 

Vi mạch bán dẫn và công nghệ tiên tiến

Theo PGS.TS. Huỳnh Công Pháp-Hiệu trưởng VKU, mới đây, cả 03 trường ĐH thành viên của ĐHĐN đã phối hợp với Trung tâm DSAC, Viện Công nghệ thông tin, ĐHQG Hà Nội và sự Tập đoàn Synopsys tổ chức đào tạo khoá đầu cho 25 giảng viên nguồn Thiết kế vi mạch của Thành phố, tổ chức lớp Upskill cho 14 sinh viên các ngành gần.

Mục tiêu đến năm 2030 của thành phố Đà Nẵng đào tạo, cung ứng 1.500-2.000 kỹ sư vi mạch bán dẫn là khả thi bởi riêng VKU đã công bố tuyển sinh đào tạo Kỹ sư Thiết kế vi mạch bán dẫn từ năm 2024, với tổng chỉ tiêu đến năm 2028 dự kiến từ 600 – 1.000 kỹ sư.

Đặc biệt, tuyển sinh năm 2024, chuyên ngành Kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn của VKU với 60 chỉ tiêu, đã thu hút sự quan tâm rất lớn của thí sinh và phụ huynh với hơn 1.500 hồ sơ tổng các nguyện vọng, có kết quả điểm chuẩn đầu vào là 27 điểm (thuộc top đầu cả nước), đại diện lãnh đạo VKU cho biết.

 Hình thành, bồi đắp hệ sinh thái

đổi mới sáng tạo về vi mạch bán dẫn và AI

Tinh thần gắn kết, đồng hành của các trường ĐH cùng doanh nghiệp và Chính quyền từ Trung ương đến thành phố Đà nẵng đã lan tỏa tích cực với dấu ấn lần đầu tiên tổ chức thành công sự kiện “Ngày Vi mạch bán dẫn Đà Nẵng năm 2024” và ngày 30/8 hàng năm sẽ tiếp tục được triển khai với định hướng trọng tâm tập trung phát triển nhân lực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, trong đó có liên kết hợp tác trong và ngoài nước nhằm thu hút đầu tư, sớm hình thành, bồi đắp hệ sinh thái vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo của thành phố.

Trung tâm TT-HL và Truyền thông ĐHĐN

Kính mời xem các tin khác: 

 Huy động nguồn lực, chuẩn bị bài bản, căn cơ, sẵn sàng đào tạo ngành Thiết kế Vi mạch, tuyển sinh năm 2024

Trường Đại học Bách khoa-ĐHĐN khánh thành Không gian Đổi mới sáng tạo và Phòng thực hành Thiết kế vi mạch

Khóa đào tạo về Thiết kế vật lý vi mạch VLSI cơ bản lần đầu tiên được tổ chức dành cho giảng viên và sinh viên 

In
327 Đánh giá bài viết:
5.0

BÀI VIẾT MỚI