Những giảng viên truyền cảm hứng nghiên cứu, sáng tạo (Kỳ 1)

27/08/2020

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, trường ĐH không chỉ mang sứ mệnh truyền bá tri thức (theo định hướng nghiên cứu hay ứng dụng) mà còn hướng đến trở thành những đại học (ĐH) đổi mới sáng tạo. Thầy-cô không chỉ là là những giảng viên giúp sinh viên gắn lý thuyết với thực hành, rút ngắn khoảng cách giữa giảng đường và doanh nghiệp mà còn giúp các bạn trẻ nuôi dưỡng niềm đam mê nghiên cứu khoa học, phát triển tư duy, phẩm chất và kỹ năng nghề nghiệp để hội nhập trong kỷ nguyên số.

Trước thềm năm học mới 2020-2021, Trung tâm Thông tin-Học liệu và Truyền thông ĐH Đà Nẵng trân trọng giới thiệu những người thầy-cô luôn truyền cảm hứng cho sinh viên học hỏi, vượt khó vươn lên trong học tập và sáng tạo, đóng góp thiết thực, có ý nghĩa cho nhà trường và cộng đồng. 

PGS.TS. Lê Phước Cường, Khoa Môi trường Trường ĐH Bách khoa-ĐH Đà Nẵng 

Kỳ 1: Thắp lửa đam mê nghiên cứu, sáng tạo bảo vệ môi trường

Phó Giáo Sư (PGS), Tiến sĩ (TS) Lê Phước Cường, Giảng viên cao cấp Khoa Môi trường, Trường ĐH Bách Khoa- ĐH Đà Nẵng tốt nghiệp xuất sắc (sớm 01 năm) tại Trường ĐH nghiên cứu Quốc gia Kazan, Liên Bang Nga ngành Công nghệ sinh học công nghiệp. Những công trình nghiên cứu khoa học của PGS. TS. Lê Phước Cường trong các lĩnh vực hóa học phân tích và môi trường luôn hướng đến các mục tiêu bảo vệ sức khỏe và môi trường như: Nghiên cứu các kỹ thuật xử lý độc tố (tách chiết các đối tượng trong môi trường bằng CO2 và nước ở điều kiện siêu tới hạn…) trong môi trường ô nhiễm không khí (nhất là do khí động cơ, vật liệu nhựa đường…); Nghiên cứu các phương pháp xác định độc tố sinh học trong cơ thể người... 

Luôn tâm huyết với những nghiên cứu  về bảo vệ sức khỏe và môi trường

PGS. TS. Lê Phước Cường có những công trình nghiên cứu khoa học được đánh giá cao trong đó có 12 bài báo khoa học công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín. Đặc biệt, công trình nghiên cứu “Công nghệ tối ưu hóa kỹ thuật tách chiết bằng chất lỏng siêu tới hạn” của Thầy đã được Chính phủ Liên Bang Nga cấp Bằng sáng chế và trao Giải thưởng Hóa học Lobachevsky…

Bảo vệ luận án tiến sĩ ngành Hóa học môi trường khi còn rất trẻ (26 tuổi) với nhiều lời mời làm việc, cộng tác từ các cơ quan, doanh nghiệp quốc tế kèm theo chế độ đãi ngộ cao nhưng PGS.TS. Lê Phước Cường vẫn quyết định trở về nước với chia sẻ: “Mình là người Việt Nam có cơ hội du học là để trở về đem kiến thức cống hiến thiết thực cho quê hương, đất nước mình”.

Từng là Bí thư Đoàn trường dẫn dắt phong trào SV nghiên cứu khoa học, sáng tạo

Về nhận công tác và hiện là Giảng viên cao cấp Khoa Môi trường, Trường ĐH Bách khoa-ĐH Đà Nẵng, PGS.TS. Lê Phước Cường luôn nỗ lực tiếp tục niềm đam mê nghiên cứu khoa học, lan tỏa tinh thần sáng tạo trong đồng nghiệp và sinh viên, tất cả nhằm hướng đến phục vụ lợi ích vì cộng đồng.

Từ năm 2008  đến nay, PGS. Lê Phước Cường đã có hơn 70 công trình nghiên cứu khoa học, trong đó có: 03 tài liệu giáo trình, sách chuyên khảo, chủ trì nhiều đề tài khoa học công nghệ các cấp,và có nhiều bài báo, công bố khoa học ở các hội thảo, tạp chí khoa học uy tín trong và ngoài nước.  

Đồng hành, hỗ trợ SV vượt khó trong học tập và sáng tạo 

Những đề tài nghiên cứu của Thầy trong các lĩnh vực bảo vệ sức khỏe-môi trường được đánh giá cao bởi luôn mang tính ứng dụng thực tế như: Nghiên cứu khả năng tái sử dụng bông vụn thải để trồng nấm ăn và sản xuất phân hữu cơ; Nghiên cứu quá trình tích lũy độc chất môi trường trong cộng đồng dân cư (tại các khu công nghiệp miền Trung-Tây Nguyên) hay đề tài Nghiên cứu sự tích lũy độc chất môi trường bằng phương pháp phân tích tóc người trên địa bàn huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng…

Đặc biệt là công trình Nghiên cứu ứng dụng thành công mô hình lọc từ tính để lọc thu hồi kim loại nặng từ nhà máy xi mạ tại Khu công nghiệp Hòa Khánh, Quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng… đã đem lại khả năng ứng dụng, chuyển giao hữu ích trong thực tiễn.

Một giảng viên, cán bộ Đoàn năng nổ với Mùa hè Xanh và hoạt động tình nguyện 

Những vấn đề khoa học của PGS.TS. Lê Phước Cường được nhiều doanh nghiệp áp dụng, đánh giá cao như Tổng Công ty Cổ phần Dệt may Hòa Thọ thay vì phải xử lý khối lượng đáng kể bông vải thải ra môi trường (bình quân 500kg bông thải/ngày) thì có thể tận dụng “đem số bông này để ở những nơi ẩm ướt sẽ mọc lên những cụm nấm bào ngư trắng mà thành phẩm có thể đạt các tiêu chí thực phẩm đồng thời lượng bã từ giá thể còn có thể được tận dụng ủ thành phân bón vi sinh”, PGS.TS Lê Phước Cường cho biết, qua đó mang lại lợi ích kinh tế, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường.

Sở Y tế thành phố Đà Nẵng cũng đã từng ghi nhận, đánh giá cao công trình nghiên cứu quá trình tích lũy độc chất môi trường trong cộng đồng dân cư tại các khu công nghiệp và chế xuất trên địa bàn thành phố của Thầy và hiện nay đang tiếp tục phối hợp với các bệnh viện và trung tâm y tế đưa ra các giải pháp nhằm bảo đảm sức khỏe, góp phần bảo vệ môi trường cho người dân ở gần các khu công nghiệp, chế xuất…

Đồng hành với SV trong các "sân chơi" sáng tạo

Những kết quả nghiên cứu khoa học của PGS.TS. Lê Phước Cường được lan tỏa trong sinh viên mỗi ngày gắn với công việc giảng dạy trên giảng đường từ khi là một Bí thư Đoàn trường cho đến khi làm Giám đốc Trung tâm Học liệu- Truyền thông (đều của Trường ĐH  Bách khoa, ĐH Đà Nẵng), dù ở vị trí nào, Thầy cũng luôn “truyền lửa” đam mê nghiên cứu và đổi mới sáng tạo khởi nghiệp cho các lớp sinh viên Nhà trường.  

Mô hình Nhóm nghiên cứu Bách khoa trẻ chuyên hợp tác Thầy và trò  trong các giải pháp ứng dụng công nghệ để xử lý, bảo vệ môi trường, xử lý nước áp dụng “công nghệ xanh” thân thiện; nghiên cứu hoàn thiện hệ thống khảo sát, thăm dò địa chất bằng phương pháp ảnh điện 2D, 3D qua đó phục vụ công tác khảo sát tìm nguồn nước ngầm và các nguồn khoáng sản... do PGS.TS. Lê Phước Cường khởi xướng đã nhận được sự tài trợ, đồng hành của Quỹ Thời báo Kinh tế Sài Gòn.

Các bạn SV hãy nuôi dưỡng đam mê, tự tin khẳng định chính mình

Vinh dự được công nhận chức danh PGS ở tuổi 34 (một trong những PGS trẻ nhất ĐH Đà Nẵng tháng 11/2019), PGS.TS. Lê Phước Cường luôn mạnh mẽ truyền thông điệp đến các bạn sinh viên hãy luôn tự tin, khẳng định sức mạnh tri thức của tuổi trẻ Việt Nam: “Dù biết còn nhiều khó khăn, nhưng các bạn hãy mạnh dạn đề xuất các ý tưởng mới, thiết thực với đời sống của người dân… Dù ở bất kỳ lĩnh vực nào của cuộc sống, yếu tố đầu tiên chính là niềm đam mê và lòng quyết tâm. Nếu các bạn có lòng quyết tâm và định hướng phát triển lâu dài, đúng đắn, chắc chắn các bạn sẽ đi đến thành công”.  

Tin Trung tâm TT-HL và Truyền thông ĐHĐN

In
3522 Đánh giá bài viết:
3.0

BÀI VIẾT MỚI