Sinh viên Trường Đại học Bách khoa-ĐHĐN với những giải pháp ứng dụng sáng tạo khởi nghiệp

09/06/2023

Vừa qua, tại Cuộc thi “Thử thách sáng tạo và khởi nghiệp” năm 2023 (Innovation and Entrepreneurship Challenge-IEC 2023), sinh viên (SV) Trường Đại học (ĐH) Bách khoa-Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) không những xuất sắc đạt thành tích cao (01 giải Nhất, 01 giải Ba và 01 giải Đội dẫn dắt bởi nữ sinh có dự án tốt) mà còn thể hiện những ý tưởng, giải pháp sáng tạo, khởi nghiệp mang tính ứng dụng, khả thi cao trong thực tiễn.


SV Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN với những

giải pháp sáng tạo khởi nghiệp tại IEC-2023

Nhóm Goldstein Birds có Dự án: "Ván nhân tạo tái chế từ bã mía" để có thể thay thế cho ván gỗ tự nhiên, tận dụng được các phế phẩm từ bã mía và vỏ trấu. Dự án đã đạt giải Đội dẫn dắt bởi nữ sinh có dự án tốt tại IEC-2023.

Theo SV Huỳnh Mai Thi-Trưởng nhóm Goldstein Birds, nhóm đã trải qua gần 06 tháng từ khi bắt đầu lên ý tưởng, triển khai thiết kế đến hiện thực được sản phẩm thành dự án khả thi: “Bã mía và bã bia ở Việt Nam hầu hết chưa được tận dụng để tái chế thành những nguyên vật liệu xanh. Việc khai thác các nguồn nguyên liệu từ bã mía hay chất thải sản xuất bia hợp lý sẽ đem lại hiệu quả tạo ra các loại ván nhân tạo, vừa có giá trị sử dụng và kinh tế, vừa thân thiện và bảo vệ môi trường”.

Đội Goldstein Birds có dự án tốt

thực hiện bởi các nữ sinh 

Để bảo vệ sức khoẻ con người và môi trường thiên nhiên, nhóm đã sử dụng chất kết dính sinh học thay cho keo formaldehyde (thường được dùng phổ biến trong công nghiệp nhưng có thể phát thải khí độc hại), từ đó hoàn thiện sản phẩm ván nhân tạo đáp ứng được các tiêu chuẩn về kỹ thuật, an toàn với chất lượng và giá cả phù hợp.

Nhóm BKM-AI có Dự án đạt giải Ba tại IEC-2023 với giải pháp: "Chế tạo Robot ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác quản lý nhân sự" giải quyết bài toán check-in/check-out, phòng ngừa giả mạo, giúp nhận diện nhân sự một cách nhanh chóng (kể cả trường hợp đeo kính hay đeo khẩu trang).

Đội BKM-AI với Robot Lễ tân ứng dụng AI

Sản phẩm có tính năng thân thiện, bảo mật này bắt nguồn từ ý tưởng quản lý nhân sự và thiết bị trong phòng Lab của CLB SV nghiên cứu khoa học (BK-Maker) nhờ ứng dụng IoT (sử dụng thẻ từ).

Với thuật toán nhận diện khuôn mặt người trên một thiết bị edge device nhỏ gọn, nhóm BKM-AI đã tiếp tục phát triển khả năng tương tác của thiết bị (tích hợp các công nghệ về giọng nói, cử chỉ) để chế tạo nên một Robot làm lễ tân ứng dụng công nghệ AI giúp công tác quản lý nhân sự một cách hiệu quả, thân thiện, SV Nguyễn Thành Trung-Trưởng nhóm cho biết.


Robot Lễ tân giúp nhận diện khách ra vào

và lưu trữ, xử lý thông tin bảo mật 

Đây có thể coi là hệ thống nhận diện, check-in tiên tiến đầu tiên tại Đà Nẵng khi tích hợp được nhiều mô hình công nghệ AI với độ chính xác cao (98%), từ đó giúp phát triển lưu trữ dữ liệu bảo mật cao cùng với trang web theo dõi, quản lý trực quan, dễ sử dụng.

SV Nguyễn Thành Trung chia sẻ dự định của nhóm sẽ tiếp tục hoàn thiện (cập nhật các mô hình AI, cải thiện tốc độ và nâng cao độ chính xác giúp hệ thống nhận diện tốt hơn khuôn mặt, định danh và ID của người được cấp quyền ra vào); tìm kiếm các đối tác, địa chỉ ứng dụng hiệu quả để triển khai lắp đặt các Robot lễ tân này, nếu có thêm nguồn tài chính hỗ trợ sẽ hoàn thiện tính năng di chuyển và trợ lý ảo để tác nghiệp “thông minh” hơn.


Hệ thống giám sát, nâng cao

hiệu quả sử dụng điện năng từ xa 

của Nhóm Euphoria đạt giải Nhất 

Đạt giải Nhất của IEC-2023 là Nhóm Euphoria được các chuyên gia, Hội đồng Giám khảo đánh giá xuất sắc với Dự án: “Thiết kế hệ thống giám sát, nâng cao hiệu quả, chất lượng điện năng từ xa thay thế phương thức vận hành thủ công”.

Hệ thống này có tính ứng dụng cao, giám sát được chất lượng điện năng theo thời gian thực tế; đồng thời có thể phát hiện kịp thời khi có tình trạng vận hành bất thường của Hệ thống. Sản phẩm còn hỗ trợ dự báo tình trạng tiêu thụ cung ứng điện, qua đó đảm bảo chất lượng điện năng và giảm tổn thất năng lượng trên lưới, giúp hệ thống điện vận hành an toàn, tin cậy.


SV Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN

tại CLB BK Marker với nhiều ý tưởng,

giải pháp sáng tạo khởi nghiệp

Những ý tưởng, giải pháp sáng tạo khởi nghiệp của SV Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN đã khẳng định thuyết phục uy tín, học hiệu về chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của Nhà trường. Tiềm năng sáng tạo phong phú và mới mẻ của SV khi có sự đồng hành, hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp có thể đem lại thêm nhiều ý tưởng, giải pháp và dự án sản phẩm hiệu quả ngay từ khi SV còn trên giảng đường đã đóng góp giá trị, thiết thực phục vụ lợi ích cho cộng đồng.

Trung tâm TT-HL và Truyền thông ĐHĐN

(Theo Báo Đà Nẵng)

In
1358 Đánh giá bài viết:
5.0

BÀI VIẾT MỚI