Lãnh đạo Đại học Đà Nẵng và các trường thành viên tham gia Triển lãm Quốc tế VIIE-2023 và Khánh thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia NIC
Ngày 28/10, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ-Giám đốc Đại học (ĐH) Đà Nẵng cùng Đoàn công tác gồm: PGS.TS Lê Quang Sơn-Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng, PGS.TS. Nguyễn Hữu Hiếu-Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, PGS.TS. Lê Văn Huy-Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, PGS.TS. Phan Cao Thọ-Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật cùng đại diện lãnh đạo Ban Khoa học Công nghệ và Môi trường, Ban Công tác Học sinh Sinh viên tham dự chuỗi sự kiện Lễ Khánh thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc và Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo (ĐMST) Việt Nam-VIIE-2023.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương khánh thành Trung tâm ĐMST Quốc gia NIC
Đây là sự kiện lớn mang tầm vóc quốc gia, quốc tế có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các đại học/viện nghiên cứu và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Lãnh đạo ĐH Đà Nẵng chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo ĐH Quốc gia Hà Nội tại NIC
NIC được khởi công xây dựng tại Hòa Lạc, Hà Nội (từ tháng 01/2021 với tổng vốn đầu tư khoảng 750 tỉ đồng) nhằm thực hiện tinh thần Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cách mạng Công nghiệp 4.0; được kỳ vọng là nơi quy tụ, dẫn dắt và kết nối để phát triển Hệ sinh thái ĐMST cho đất nước.
Giám đốc ĐH Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Vũ với sản phẩm sáng tạo hữu ích do SV thiết kế, chế tạo tham dự Triển lãm VIIE-2023
Dấu ấn của chuỗi sự kiện là ĐH Đà Nẵng nòng cốt là Trường ĐH Bách khoa-ĐH Đà Nẵng tham gia Triển lãm VIIE-2023 với các sản phẩm/giải pháp nghiên cứu, ĐMST điển hình thuộc các lĩnh vực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội như: Thành phố thông minh, Nhà máy thông minh, Hydrogen xanh, Công nghệ y tế, Truyền thông số…
Lãnh đạo ĐH Đà Nẵng tham quan Gian trưng bày của Trường ĐH Bách khoa ĐH Đà Nẵng tham gia Triển lãm VIIE-2023
Các sản phẩm/giải pháp khoa học công nghệ của cán bộ, giảng viên và sinh viên Trường ĐH Bách khoa-ĐH Đà Nẵng tham dự Triển lãm có thể kể đến như: Mô hình bãi đỗ xe tự động; Hệ thống giám sát ô nhiễm môi trường trong thành phố sử dụng công nghệ LoRa; Hệ thống quản lý năng lượng tòa nhà sử dụng mạng không dây LoRaWAN;
BKM-AI: Robot hỗ trợ quản lý nhân sự ứng dụng trí tuệ nhân tạo; Hệ thống sản xuất và lưu trữ Hydrogen từ năng lượng mặt trời; Động cơ đánh lửa cưỡng bức sử dụng nhiên liệu linh hoạt biogas-syngas-hydrogen; Giải pháp chuyển đổi số các trạm điều khiển tụ bù nhằm giảm tổn thất điện năng trên lưới hạ áp; Máy thu thập dữ liệu phân tích dáng đi; Áo phao cứu hộ đa năng (sCoat); Găng tay phục hồi chức năng sử dụng bộ truyền động mềm…
Các sản phẩm/giải pháp nghiên cứu, ĐMST của ĐH Đà Nẵng thuộc nhiều lĩnh vực KHCN được ứng dụng thực tiễn
Sự hiện diện của lãnh đạo ĐH Đà Nẵng và các trường ĐH thành viên tại chuỗi sự kiện quan trọng, ý nghĩa này thể hiện quyết tâm lớn cùng nâng cao nhận thức và hành động quyết liệt để đóng góp phát triển, gắn kết giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ với ĐMST và khởi nghiệp; góp phần vào thành công chung của VIIE-2023, qua đó khẳng định tiềm năng, vị thế đất nước hội nhập với kinh tế tri thức và Cách mạng 4.0.
Sự hiện diện của lãnh đạo ĐH Đà Nẵng và các trường ĐH thành viên thể hiện quyết tâm, cùng hành động quyết liệt, đóng góp kiến tạo Hệ sinh thái ĐMST để phát triển đất nước
Tin từ Trung tâm TT-HL và Truyền thông ĐHĐN
Nguồn tin, ảnh: Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN