Đại học Đà Nẵng: Sứ mệnh đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên 4.0

Chiến lược phát triển theo định hướng đại học (ĐH) nghiên cứu-đổi mới sáng tạo gắn với sứ mệnh phục vụ cộng đồng thể hiện tầm nhìn, chiến lược của ĐH Đà Nẵng, phù hợp với Luật Giáo dục ĐH sửa đổi “thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng và đất nước”.

Khi thủ đô Hà Nội nỗ lực trở thành “thành phố sáng tạo”, thành phố Hồ Chí Minh phát triển theo định hướng “đô thị thông minh” thì ĐH Đà Nẵng đang nỗ lực hướng đến, phấn đấu trở thành một ĐH Quốc gia tại thành phố Đà Nẵng với mục tiêu trở thành “trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo” như tinh thần Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị.

Hợp tác với 02 Đại học Quốc gia

đóng góp phát triển vùng và đất nước

Đổi mới dạy-học để nâng cao chất lượng đào tạo

Với tốc độ phát triển của Cách mạng Công nghiệp 4.0, dự báo đến năm 2030, thậm chí có thể ngắn hơn, sẽ có khoảng hơn 30% lao động được thay thế bằng Robot. Các trường ĐH đứng trước “bài toán” làm thế nào để thích nghi, bắt kịp “chuyển động 4.0”.

Đổi mới quản trị ĐH, áp dụng các phương pháp dạy-học tiên tiến, đảm bảo từ khâu tuyển sinh “đầu vào” đến đáp ứng “chuẩn đầu ra” theo nhu cầu doanh nghiệp, xã hội đã và đang được ĐH Đà Nẵng chú trọng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.

Trường ĐH Bách khoa-ĐH Đà Nẵng đã sớm triển khai phương pháp “Học theo Dự án” (Project Based Learning); “Học từ trải nghiệm thực tế” (Learning Express, phối hợp với ĐH Singapore Polytechnic); “Bảo vệ đồ án Capstone” (sinh viên (SV) thực hiện đồ án, khóa luận tốt nghiệp với các đề tài có tính liên ngành, xuất phát từ nhu cầu doanh nghiệp và được các chuyên gia đồng hướng dẫn, đánh giá)...

Trường ĐH Kinh tế, ĐH Bách khoa áp dụng phương thức “Đào tạo đặc thù” các ngành du lịch, công nghệ thông tin (kết hợp với ngoại ngữ tiếng Anh, tiếng Nhật tăng cường với hơn 50% thời lượng SV thực tập, thực hành tại doanh nghiệp); Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật-ĐHĐN tiếp cận phương pháp “CDIO” (đi từ ý tưởng đến thiết kế, thực hiện và vận hành dự án, Conceive- Design-Implement-Operate)…

Phát triển nhiều ngành công nghệ mũi nhọn

bắt nhịp với Cách mạng Công nghiệp 4.0

Tư duy sáng tạo, kỹ năng làm việc nhóm, tinh thần khởi nghiệp được hun đúc, trau dồi trong SV không chỉ trên giảng đường mà còn qua nhiều hoạt động thực tế, các câu lạc bộ, “sân chơi” học thuật mà kết quả thời gian qua đã cho thấy hiệu quả và chất lượng đào tạo không ngừng được khẳng định, nâng cao:

03 năm liền SV Trường ĐH Bách khoa-ĐH Đà Nẵng đạt Giải Nhất “Cuộc thi Dự án kỹ thuật phục vụ cộng đồng” (EPICS 2018,2019,2020); Giải Nhất toàn quốc “Ý tưởng SV tình nguyện” (2019); Vô địch “Cuộc thi Tự động hóa-Học theo Dự án” (2020); SV Trường ĐH Kinh tế-ĐH Đà Nẵng đạt Giải Nhất (lĩnh vực Kinh tế) “Giải thưởng SV nghiên cứu khoa học Eureka” (2019), SV Trường ĐH Ngoại ngữ-ĐH Đà Nẵng đạt Giải Nhất “Olympic tiếng Anh chuyên toàn quốc” (2018)…

Điều này lý giải ĐH Đà Nẵng luôn được tin tưởng, lựa chọn qua mỗi mùa tuyển sinh; tỷ lệ SV có việc làm (sau tốt nghiệp 06-12 tháng) khá cao (bình quân trên 90% theo số liệu kiểm định giáo dục), mở ra nhiều cơ hội khởi nghiệp, sẵn sàng hội nhập và tham gia vào thị trường lao động cạnh tranh trong nước, quốc tế.

“ĐH Đà Nẵng luôn xem chất lượng, uy tín quốc tế là yếu tố sống còn. Vai trò, sứ mệnh của một trường ĐH phải là nơi ươm tạo, nuôi dưỡng và phát triển tài năng SV, tạo môi trường thuận lợi nhất để hun đúc tinh thần đổi mới sáng tạo gắn liền với ý thức, trách nhiệm xã hội vì cộng đồng”,  PGS.TS.Nguyễn Ngọc Vũ-Giám đốc ĐH Đà Nẵng khẳng định.

Sứ mệnh ĐH nghiên cứu đổi mới sáng tạo, vì cộng đồng

Những sự kiện của ĐH Đà Nẵng đang trở thành dấu ấn trong “chuyển động 4.0”  như: Hợp tác với 02 ĐH Quốc gia nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao phục vụ phát triển vùng và đất nước; Hợp tác với các địa phương (Quảng Ngãi, Kontum), đặc biệt là thành phố Đà Nẵng triển khai toàn diện “Chương trình hợp tác giai đoạn 2020-2025” qua đó phát huy trí tuệ, tiềm lực của đội ngũ tri thức, cán bộ, giảng viên và SV đồng hành với sự phát triển của Đà Nẵng.

Nhiều thỏa thuận hợp tác nghiên cứu đổi mới sáng tạo được ký kết, triển khai theo hướng chuyên sâu, phủ rộng hầu hết các lĩnh vực mũi nhọn giữa ĐH Đà Nẵng với Viện Khoa học Công nghệ Quốc gia Nhật Bản, với các trường ĐH uy tín thế giới (Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc…); Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn (Microsoft, Viettel, Thaco, EVN…); Khu Công nghệ cao Đà Nẵng… 

Đại học Đà Nẵng ký kết hợp tác với

Viện Công nghệ Quốc gia Nhật Bản

Các trường ĐH thành viên của ĐH Đà Nẵng đã liên tục tổ chức chuỗi hội thảo hợp tác Nhà trường-Doanh nghiệp mà theo PGS.TS. Lê Quang Sơn-Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng đã đem lại hiệu quả rõ rệt (các bên cùng win-win): Các trường nắm bắt được nhu cầu doanh nghiệp, có thêm nhiều ý tưởng, đề tài và nguồn lực nghiên cứu khoa học sát với thực tiễn. Doanh nghiệp tăng thêm “chất xám” từ đội ngũ trình độ cao, hỗ trợ đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, quảng bá thương hiệu và chủ động được nguồn nhân lực…

Một điển hình như Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN vừa đưa vào sử dụng, bổ sung cơ sở vật chất cho đào tạo, nghiên cứu khoa học các phòng thí nghiệm Công nghệ cao (do Tập đoàn SMC, Nhật Bản; Tập đoàn sản xuất linh kiện máy bay UAC, Hoa Kỳ hợp tác, tài trợ), tăng cường trang thiết bị thí nghiệm-thực hành (do Tập đoàn BOSCH, Đức; Viettel IDC… tài trợ).

Hợp tác với doanh nghiệp xây dựng

các phòng thí nghiệm, thực hành công nghệ cao

Mới đây, trước sự chứng kiến của hai Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide, Trường ĐH Bách khoa-ĐH Đà Nẵng đã ký kết với Tập đoàn Fujikin, Nhật Bản đào tạo, tuyển dụng SV; hỗ trợ xây dựng “Phòng thí nghiệm tiên tiến” (tại Tòa nhà “Smart Building” của Nhà trường) để nhà khoa học, giảng viên, chuyên gia hai bên nghiên cứu chung (có sự tham gia của GS.Amano Hiroshi-Nobel Vật lý 2014 về nghiên cứu, ứng dụng LED)...

Những chỉ số về nghiên cứu, đổi mới sáng tạo của ĐH Đà Nẵng những năm gần đây cho thấy: Công bố khoa học quốc tế tăng mạnh (bình quân hơn 50%/năm với 800 bài báo quốc tế, trong đó có 350 bài thuộc danh mục ISI/Scopus); số tài khoản Google Scholar tăng 03 lần (hơn 1500 tài khoản với 60.000 lượt trích dẫn); Tổng trị giá các dự án hợp tác quốc tế đang triển khai gần 06 triệu Euro; Chuyển giao ứng dụng kết quả nghiên cứu cho các địa phương, doanh nghiệp hơn 50 tỷ đồng/năm…

Nhiều sự kiện, hội thảo khoa học mang tầm vóc quốc gia, quốc tế được ĐH Đà Nẵng chủ trì, đăng cai, đóng góp quan trọng đưa “Đà Nẵng trở thành trung tâm của các sự kiện, hội nghị quốc tế lớn”…

Không chỉ nghiên cứu hàn lâm, đổi mới sáng tạo còn bắt nguồn từ tâm huyết, trách nhiệm xã hội của mỗi cán bộ, giảng viên và SV đã và đang sáng tạo nhiều sản phẩm hữu ích chung sức cùng cộng đồng phòng, chống dịch Covid-19 được ghi nhận, đánh giá cao như: “Máy đo thân nhiệt từ xa” (GS.TSKH. Bùi Văn Ga chủ trì, đã chuyển giao cho hơn 20 cơ quan, doanh nghiệp); “Robot vận chuyển nhu yếu phẩm, phục vụ khu cách ly” (Trường ĐH Bách khoa-ĐH Đà Nẵng chủ trì, đã bàn giao, đưa vào ứng dụng tại Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng), “Robot diệt khuẩn bằng tia UV” (Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật-ĐH Đà Nẵng chủ trì, đã bàn giao, đưa vào sử dụng tại Bệnh viện Đà Nẵng), “Máy rửa tay, dung dịch sát khuẩn” (Trường ĐH Sư phạm, ĐH Bách khoa, ĐH Sư phạm Kỹ thuật, Khoa Y Dược sáng chế) đã trao tặng kịp thời đến các “địa chỉ” ứng dụng (các chợ, cơ quan, trường học, bệnh viện tại Đà Nẵng và các địa phương như Quảng Ngãi, Quảng Nam…).

Chuyển giao Robot khử khuẩn

bằng tia UV tại Bệnh viện Đà Nẵng

Tổ chức các trường ĐH Pháp ngữ (AUF) đã chọn và tài trợ “Robot phục vụ khu cách ly” (Trường ĐH Bách khoa-ĐH Đà Nẵng) là 01 trong 04 dự án tiêu biểu về đổi mới sáng tạo, phòng chống Covid-19 của các trường ĐH Việt Nam. Quỹ đổi mới sáng tạo VINIF (Tập đoàn Vingroup) đã tuyển chọn, tài trợ lớn cho 03 nhóm nghiên cứu của ĐH Đà Nẵng với các dự án đổi mới sáng tạo dự kiến đem lại những giá trị khoa học, phục vụ cộng đồng.

Thách thức, cơ hội trong kỷ nguyên 4.0 đòi hỏi các trường ĐH phải nhanh chóng đổi mới, kết nối với doanh nghiệp, phục vụ cộng đồng và hội nhập quốc tế. Để thực thi sứ mệnh mới, ĐH Đà Nẵng đã đề xuất Trung ương xem xét thành lập ĐH Quốc gia Đà Nẵng (trên cơ sở sắp xếp, đầu tư nâng cấp ĐH Đà Nẵng và một số trường ĐH trên địa bàn thành phố cũng như các địa phương lân cận).

Đại sứ Hoa Kỳ Daniel J. Kritenbrink

với SV tại Maker Innovation Space UD

Điều này là hoàn toàn phù hợp với quyết sách, tầm nhìn chiến lược của Chính phủ trong những năm vừa qua đã chỉ đạo sát sao, ủng hộ triển khai quyết liệt để đầu tư xây dựng “Dự án Khu đô thị ĐH Đà Nẵng” (tại Hòa Quý-Điện Ngọc, trong đó có Khu Công nghệ cao Technopol) như phát biểu chỉ đạo mới nhất của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình (tại Đại hội Đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ XX): “…Cần sớm đưa Dự án Khu đô thị ĐH Đà Nẵng vào hoạt động và nghiên cứu, đề xuất Trung ương thành lập ĐH Quốc gia Đà Nẵng…”.

Với nỗ lực lớn, quyết tâm cao, ĐH Đà Nẵng hứa hẹn sẽ tiếp tục phát triển nhanh và bền vững để thực sự xứng tầm “một trong ba trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học hàng đầu quốc gia, có uy tín trong khu vực và thế giới”./.

Bài viết đã được sử dụng, đăng trên Báo Đà Nẵng.

Trung tâm TT-HL và Truyền thông ĐHĐN 

In
2941 Đánh giá bài viết:
5.0