Nhóm nghiên cứu Trường Đại học Bách khoa-ĐHĐN đề xuất các nhóm giải pháp thoát nước nội đô cho thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam
18/07/2023
Sáng ngày 14/7, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Tam Kỳ phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên Nước-Trường Đại học (ĐH) Bách khoa-Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) tổ chức Hội thảo Đề án thoát nước nội đô thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam với sự tham dự của lãnh đạo Thành ủy, UBND, đại diện các cơ quan sở, ngành cùng các nhà khoa học, chuyên gia nhằm hoàn thiện Đề án phục vụ nhu cầu cấp thiết phát triển kinh tế-xã hội.
Hội thảo Đề án thoát nước
nội đô thành phố Tam Kỳ
Đề án thoát nước nội đô thành phố Tam Kỳ bao gồm các hạng mục: Điều tra, khảo sát địa hình, thủy văn và lập Đề án thoát nước Tam Kỳ; Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp chống ngập cho mạng lưới thoát nước khu vực nội đô Tam Kỳ; Xây dựng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu mạng lưới thoát nước nội thành.
Theo PGS.TS. Nguyễn Chí Công-Trưởng khoa Khoa Xây dựng Công trình thủy, Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN, đại diện nhóm nghiên cứu, tư vấn Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN, với 04 kịch bản được mô phỏng căn cứ các trận mưa lớn xảy ra và tình trạng gây ngập khu vực nội thành, có 03 nhóm giải pháp được đề xuất để khắc phục tình trạng ngập úng đô thị, trong đó:
PGS.TS. Nguyễn Chí Công
Trưởng Khoa Xây dựng Công trình thủy,
Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN báo cáo
(1) Nhóm giải pháp cấp bách là cần cắt được lượng nước phía Tây đổ vào nội thị bằng giải pháp Cống ngầm Trưng Nữ Vương và Kênh thoát lũ từ Cống ông Dung ra sông Ba Kỳ;
(2) Nhóm giải pháp trung hạn là cần xây dựng và lắp đặt Hệ thống cửa van của các cửa xả, cống ngăn triều vận hành bằng điện tích hợp điều kiển IoT hoặc tự lật; các Hồ điều hòa Duy Tân, Nguyễn Du và Ngã Ba chuyển sang công năng điều tiết, hạ mức nước nước trong hồ thấp nhất có thể khi có mưa lớn trong nội thành; khu vực nội thành có đê bảo vệ cần bố trí trạm bơm chống ngập;
(3) Nhóm giải pháp thường xuyên là khởi thông dòng chảy, vớt bèo tây tại các cửa xả các hồ điều hòa và trên sông Bàn Thạch; bảo vệ hành lang tuyến kênh hở, chuyển sang hình thức cống ngầm cho những đoạn kênh đi ngang qua KDC đông đúc; nạo vét khơi thông và thay thế miệng hố ga định kỳ hằng năm…
Giải quyết tình trạng ngập lụt nội thị
Tam Kỳ là nhiệm vụ cấp thiết từ thực tiễn
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu kiến nghị thành phố Tam Kỳ cần quan tâm bảo vệ tuyến hành lang thoát lũ sông Tam Kỳ - Bàn Thạch; phân lũ tổng hợp theo các tuyến cống chính; phân khu 6 quy hoạch san nền không nên vượt qua cao trình +2,9m, xây dựng hạ tầng xanh cho phân khu 6; cắt lũ từ phía Tây và chống ngập lụt nội thị.
Đến nay, một số hạng mục của Đề án đã hoàn thiện bao gồm phần điều tra, khảo sát địa hình, thủy văn đã được nghiệm thu.
Tại Hội thảo, các ý kiến phát biểu đánh giá cao nhóm nghiên cứu Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN đã có sự đầu tư, nghiên cứu cẩn trọng, nội dung Đề án có cơ sở khoa học, đánh giá được thực trạng vấn đề cấp thiết đặt ra và đề xuất các giải pháp có tính khả thi, phù hợp với điều kiện, đặc thù của địa phương.
Sự "vào cuộc" kịp thời của nhóm
nghiên cứu Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN
"hiến kế" khắc phục tình trạng ngập lụt
Theo đại diện lãnh đạo UBND thành phố Tam Kỳ cho biết, đô thị Tam Kỳ trong những năm gần đây cũng đối mặt những trận ngập lụt lớn, chưa từng có trong lịch sử. Từ năm 2018 đến nay tình trạng ngập của đô thị Tam Kỳ ngày càng tăng lên cả về tần suất, mức ngập cũng như diện tích ngập. Điều này ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân và đặt ra nhiều vấn đề đòi hỏi chính quyền phải vào cuộc giải quyết.
Do đó, việc tổ chức nghiên cứu tổng thể, tìm hiểu nguyên nhân, đề xuất được các giải pháp kỹ thuật khả thi nhằm hạn chế tác động của lũ lụt nhằm ổn định đời sống của người dân, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của thành phố là điều hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay và sau này.
Khẳng định vai trò nòng cốt nghiên cứu,
xây dựng và phản biện khoa học, đáp ứng
yêu cầu thực tiễn phục vụ cộng đồng
Vấn đề quan tâm nhất của lãnh đạo địa phương là kết quả nghiên cứu, cơ sở dữ liệu có độ tin cậy khoa học và chuẩn hóa cao, từ đó sản phẩm đầu ra là phần mềm quản lý, điều hành chống ngập, lụt và thoát nước có hiệu quả ứng dụng tốt, nhờ đó hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý thoát nước đô thị sẽ được nâng cao.
Khi được hoàn thiện, nghiệm thu và các cấp thẩm quyền phê duyệt Đề án, các kết quả nghiên cứu và giải pháp tư vấn sẽ tiếp tục được đưa vào Quy hoạch chung của thành phố. Đây là cơ sở để cập nhật, điều chỉnh Quy hoạch phân khu góp phần hướng đến xây dựng thành phố Tam Kỳ phát triển bền vững, thích ứng với thiên tai và biến đổi khí hậu.
Trung tâm TT-HL và Truyền thông ĐHĐN
Nguồn tin, ảnh: Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN