Chuyên gia đề xuất giải pháp làm giảm tình trạng ngập tại thành phố Đà Nẵng và thành phố Tam Kỳ
04/12/2023
Vừa qua, tại “Hội thảo Nhận diện các nguyên nhân gây ngập úng, đề xuất các giải pháp về thoát nước đô thị trên địa bàn thành phố” do Ban Đô thị-Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Đà Nẵng tổ chức, Trường Đại học (ĐH) Bách khoa-Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) có 02 chuyên gia tham dự, báo cáo tham luận, "hiến kế", đề xuất giải pháp làm giảm thiểu tình trạng gây ngập trên địa bàn thành phố.
PGS.TS. Tô Thuý Nga báo cáo Tham luận “Nguyên nhân gây ngập và giải pháp cho thoát nước đô thị thành phố Đà Nẵng” và TS. Lê Hùng báo cáo tham luận “Ảnh hưởng dòng chảy lũ các lưu vực sông đến thoát nước đô thị thành phố Đà Nẵng”.
Hội thảo do Ban Đô thị-HĐND
thành phố Đà Nẵng tổ chức quy tụ
các nhà khoa học, chuyên gia, quản lý
Theo PGS.TS. Tô Thuý Nga nhận định, một số nguyên nhân chính khiến nhiều tuyến đường bị ngập sâu trong thời gian qua là do các trận mưa cực đoan vượt tần suất thiết kế của hệ thống thoát nước ngày càng xuất hiện nhiều hơn.
Thành phố Đà Nẵng dù có lợi thế tự nhiên là tiếp giáp rộng với biển và có hai sông lớn đi qua tuy nhiên thực tế chúng ta chưa tận dụng được lợi thế này để bố trí các cửa xả nhằm giảm bớt áp lực cho các tuyến chính và hạn chế bớt các tuyến đi vòng.
Khi thiết kế xây dựng các tuyến đường như đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, Hòa Phước-Hòa Khương… đã làm thay đổi quy luật phân bố dòng chảy lũ (từ thượng nguồn sông Vu Gia về hạ lưu), cụ thể làm thay đổi hẳn quan hệ tương quan giữa mực nước (tại Ái Nghĩa và Cẩm Lệ) khiến mực nước tại Cẩm Lệ phụ thuộc vào mưa ven biển hơn là phụ thuộc mưa phía thượng lưu như trước.
PGS.TS. Tô Thuý Nga
phát biểu tại Hội thảo
TS Lê Hùng cho rằng nguyên nhân gây ngập tại Đà Nẵng thời gian qua còn có việc nhiều tuyến đường giao thông cao tốc hay vành đai phía Tây... chưa được tính kỹ và giải quyết vấn đề thoát lũ. Số lượng cống bố trí còn hạn chế, thậm chí cản trở dòng chảy.
Tại các khu vực trung tâm, việc bố trí các cống thoát nước, phân chia lưu vực hứng nước chưa thật sự hợp lý khiến xảy ra tình trạng nhiều khu vực “quá tải”, trong khi thành phố có quá ít các trục thoát nước chính để thoát nhanh ra cửa sông và biển. Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến dẫn đến tình trạng ngập cục bộ có xu hướng ngày càng gia tăng.
Theo lý giải của chuyên gia, trên sông Phú Lộc, khi mưa lớn gây ra lượng nước lớn từ thượng lưu đổ về khiến mực nước khá cao làm cho các cửa xả ra sông ở đây khó thông thoát theo hình thức “tự chảy”. Mặt khác, tốc độ đô thị hóa nhanh (các vỉa hè bê tông hóa nhiều), các “mặt đệm” không còn chỗ thấm, thoát nước mưa khiến lượng nước mưa lớn phải đổ dồn về các cống thoát, gây tình trạng ứ ngập do “quá tải”.
TS. Lê Hùng phát biểu tại Hội thảo
Giải pháp trước mắt cần tính toán lại lượng nước mưa thực tế đối với các khu vực, đánh giá hiện trạng, năng lực các tuyến cống để làm cơ sở đề xuất mở rộng hoặc tạo mới thêm các tuyến cống/cửa xả mới đáp ứng được yêu cầu thoát nước.
Thành phố cần tính toán hợp lý trong quy hoạch, ưu tiên bố trí quỹ đất đảm bảo hành lang thoát lũ; hình thành các hồ điều hòa và tăng diện tích “hành lang xanh”, các “mảng đô thị xanh”, cân nhắc mức độ bê tông hóa ... Đồng thời, khẩn trương đánh giá hiện trạng Quy hoạch về cao độ nền và năng lực thoát nước đô thị.
TS. Lê Hùng đề xuất thành phố sớm hoàn thành cắm mốc ranh giới hành lang thoát lũ cho các lưu vực sông của Đà Nẵng; đánh giá, thẩm định/thẩm tra kỹ các công trình giao thông gây cản trở dòng chảy lũ.
Tình trạng ngập ứ khu vực nội thị Đà Nẵng
là thực tế cần được sớm quan tâm, khắc phục
Các đồ án thiết kế các dự án thoát nước cần được thẩm định kỹ, mở rộng, bố trí thêm nhiều cửa xả ra sông/biển như tại các vị trí trên các tuyến đường: Phùng Hưng, Hồ Quý Ly, Lý Thái Tông, Hà Khê… (ra biển Nguyễn Tất Thành).
Đây chính là giải pháp giúp hạ mực nước trên sông Phú Lộc và làm tăng khả năng thoát nước cho các tuyến cống; tăng khả năng thoát lũ (qua khu vực Cầu Đa Cô) làm cơ sở cho các giải pháp thoát nước khu vực tuyến đường Mẹ Suốt.
Tương tự, cần mở cửa xả đoạn từ Trần Thị Lý đến Công viên Châu Á làm cơ sở để thoát nước tốt cho khu vực này cũng như phân chia lưu vực thoát nước khu vực Tượng đài đường 2/9, Núi Thành, 30/4, Lê Thanh Nghị và Phan Đăng Lưu ...
Tổ chức nghiệm thu đề tài khoa học của
Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN về giải pháp
ứng phó ngập lụt cho thành phố Tam Kỳ
Mặt khác, hệ thống cống thượng lưu có khả năng thoát nước nhưng dễ bị ứ đọng tại các cửa thoát dẫn đến tình trạng ngập như tại các cửa thu các trạm bơm Ông Ích Khiêm, Thuận Phước, do đó cần đánh giá lưu lượng đổ về của các trạm bơm này; điều chỉnh khả năng tự chảy của Trạm bơm Trương Chí Cương (vì mực nước sông hiện nay đã thấp hơn nhiều so với lúc mới xây dựng năm 2012, do ảnh hưởng của các công trình giao thông và hệ thống hồ chứa thủy điện).
Thành phố cần sớm cho xây dựng Bản đồ Ngập lụt đô thị (ứng với 3-5 cấp độ mưa), Bản đồ Hướng di chuyển để tránh các điểm ngập, căn cứ dự báo lượng mưa làm cơ sở khoa học để chủ động ứng phó, các nhà khoa học Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN đề xuất.
Các kết quả nghiên cứu cung cấp luận cứ
khoa học để có giải pháp kịp thời, phù hợp
để ứng phó tình trạng ngập lụt Tam Kỳ
Trước đó (24/11), Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Nam phối hợp với Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN cũng đã tổ chức nghiệm thu, đánh giá Đề tài khoa học “Đánh giá diễn biến ngập lụt và đề xuất giải pháp ứng phó ngập lụt thành phố Tam Kỳ trong bối cảnh đô thị hóa và biến đổi khí hậu” do PGS.TS Nguyễn Chí Công làm chủ nhiệm, theo đó đã tập trung nghiên cứu, đánh giá hiện trạng, xác định nguyên nhân, dự báo diễn biến ngập lụt và tính toán đề xuất giải pháp giảm thiểu với hành lang thoát lũ lưu vực sông Tam Kỳ-Bàn Thạch và Bộ Công cụ hỗ trợ công tác quản lý quy hoạch và phòng chống thiên tai.
Trung tâm TT-HL và Truyền thông ĐHĐN
Kính mời xem các tin khác:
Nhóm nghiên cứu Trường Đại học Bách khoa-ĐHĐN đề xuất các nhóm giải pháp thoát nước nội đô cho thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam
Nhóm nghiên cứu-giảng dạy Môi trường và Tài nguyên sinh vật, Trường Đại học Sư phạm-ĐHĐN ra mắt Website thông tin tư liệu thiên nhiên Đà Nẵng
Phóng sự về nghiên cứu, ứng dụng Hệ thống giám sát, chẩn đoán rò rỉ đường ống nước