Đại học Đà Nẵng tổ chức Hội thảo Gắn kết trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các tỉnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, chào mừng 30 năm xây dựng và phát triển ĐHĐN

15/11/2024

Ngày 15/11/2024, tại Furama Resort Đà Nẵng, Đại học (ĐH) Đà Nẵng tổ chức Hội thảo Gắn kết trong đào tạo nguồn nhân lực (NNL) chất lượng cao (CLC) cho các tỉnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ (BTB-DHTB) theo tinh thần Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị. Đây là sự kiện nổi bật quy tụ hơn 250 đại biểu, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao, nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 30 năm xây dựng và phát triển ĐH Đà Nẵng (1994-2024).

Toàn cảnh Hội thảo 

Tham dự và đồng chủ trì Hội thảo có: PGS.TS. Hoàng Minh Sơn - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT); GS.TS. Lê Quân - Giám đốc ĐH Quốc Gia Hà Nội; TS. Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Đà Nẵng; GS.TSKH. Bùi Văn Ga - Nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT và PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ - Thành ủy viên, Giám đốc ĐH Đà Nẵng.


Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn;

Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội Lê Quân;

Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố

Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh; Nguyên Thứ trưởng

Bộ GDĐT Bùi Văn Ga và Giám đốc ĐH Đà Nẵng 

Nguyễn Ngọc Vũ đồng chủ trì Hội thảo 

Tham dự sự kiện có Trung tướng Thái Đại Ngọc, Ủy viên (UV) Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng, UV Quân uỷ Trung ương, Tư lệnh Quân khu 5; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành: Đồng chí Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam; đồng chí Hoàng Xuân Tân - Phó Chủ tịch UNBD tỉnh Quảng Bình; PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GDĐT; GS.TS. Trần Văn Nam - Nguyên Giám đốc ĐH Đà Nẵng; TS. Phan Minh Đức - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng ĐH Đà Nẵng; PGS.TS. Trần Cao Vinh - Phó Giám đốc ĐH Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh; GS.TS. Lê Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng ĐH Bách khoa Hà Nội; PGS.TS. Nguyễn Thanh Hà - Phó Chủ tịch Hội đồng ĐH Thái Nguyên; các Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng: PGS.TS. Lê Quang Sơn, PGS.TS. Lê Thành Bắc, PGS.TS. Nguyễn Mạnh Toàn; lãnh đạo các trường ĐH thành viên, đơn vị thuộc và trực thuộc ĐH Đà Nẵng.

PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ

Giám đốc ĐH Đà Nẵng phát biểu

khai mạc và đề dẫn Hội thảo

Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của các tỉnh, thành, các tập đoàn, doanh nghiệp, các trường THPT thuộc vùng BTB-DHTB; các nhà quản lý, nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia; đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp tài trợ chính: Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải, Ngân hàng BIDV Chi nhánh Hải Vân, Tổng Công ty Điện lực miền Trung, Công ty Cổ phần Lọc Hóa Dầu Bình Sơn, Công ty Cổ phần Khu du lịch Bắc Mỹ An - Furama Resort Đà Nẵng, Công ty Cổ phần Dệt may Hòa Thọ; các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.

TS. Trần Đình Khôi Quốc - Trưởng ban

Ban Đào tạo và Đảm bảo chất lượng giáo dục

ĐH Đà Nẵng báo cáo tham luận 

Tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc ĐH Đà Nẵng có bài phát biểu đề dẫn quan trọng, thể hiện tầm nhìn và vai trò, trách nhiệm của ĐH Đà Nẵng trong việc kết nối các địa phương, doanh nghiệp, các trường ĐH, THPT, các cơ quan, tổ chức có liên quan cùng thực hiện nhiệm vụ đào tạo NNL CLC để phát triển vùng và đất nước.

Giám đốc ĐH Đà Nẵng gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất và trân trọng cám ơn quý lãnh đạo và các đại biểu đã dành thời gian quý báu tham dự, viết bài cho Hội thảo có ý nghĩa nhân kỷ niệm 30 năm xây dựng và phát triển ĐH Đà Nẵng, 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, thể hiện trách nhiệm đóng góp vào sự nghiệp GDĐT, phát triển NNL CLC; cùng gắn kết thực chất, hiệu quả và bền vững giữa "ba nhà" (Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp) trong đào tạo NNL, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết số 26-NQ/TW.


Trung tướng Thái Đại Ngọc, UV BCH

Trung ương Đảng, UV Quân uỷ Trung ương,

Tư lệnh Quân khu 5 phát biểu

Giám đốc ĐH Đà Nẵng khái quát những dấu ấn, thành tựu nổi bật của ĐH Đà Nẵng với truyền thống hơn 30 năm xây dựng và phát triển, kế thừa gần 50 năm từ các trường ĐH thành viên, nay thực sự là trung tâm đào tạo và nghiên cứu của vùng BTB-DHTB cũng như cả nước, với quy mô đào tạo hơn 60.000 sinh viên, thuộc top đầu cả nước.

Với tiềm lực đội ngũ lớn mạnh (gần 2.600 cán bộ viên chức; tỷ lệ giảng viên có trình độ Tiến sĩ trở lên đạt gần 50%, Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng đạt trên 70%, đa số được đào tạo ở nước ngoài, không chỉ giỏi chuyên môn mà còn thông thạo ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng có hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề đáp ứng nhu cầu xã hội và người học, đặc biệt là các ngành đào tạo công nghệ lõi, công nghệ nguồn.


GS.TS. Lê Quân - Giám đốc

ĐH Quốc gia Hà Nội phát biểu

ĐH Đà Nẵng có mạng lưới hợp tác sâu rộng với hàng trăm đối tác quốc tế; có mối quan hệ gắn kết với các bộ, ngành, doanh nghiệp uy tín trong và ngoài nước. ĐH Đà Nẵng đặc biệt coi trọng chất lượng đào tạo là "sợi chỉ đỏ" xuyên suốt và là nền tảng cho sự phát triển bền vững.

 Chất lượng đầu vào của ĐH Đà Nẵng những năm qua khá cao, luôn được phụ huynh và học sinh tin tưởng, lựa chọn. Đây là nền tảng để ĐH Đà Nẵng nâng cao danh tiếng, tiếp tục là địa chỉ đào tạo uy tín hàng đầu trong cả nước. Vì vậy, có thể nói, ĐH Đà Nẵng là cái “nôi” đào tạo nguồn NNL CLC, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung-Tây Nguyên nói riêng, cả nước nói chung.


PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng

Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GDĐT phát biểu

Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho biết, thời gian qua, ĐH Đà Nẵng triển khai nhiều giải pháp, chiến lược nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo với các trụ cột chính:

(1) Đổi mới quản trị ĐH và nâng cao hiệu quả quản lý để phát huy sức mạnh tổng hợp của các trường ĐH thành viên.

(2) Đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy và các hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo để tăng cường kỹ năng nghề nghiệp, ứng dụng công nghệ số để sinh viên tốt nghiệp nhanh chóng thích nghi với môi trường làm việc chuyên nghiệp.

(3) Mở rộng giao lưu quốc tế để trao đổi giảng viên, sinh viên; Đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp nhằm đảm bảo sự gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động.

(4) Thúc đẩy quan hệ với các bộ, ngành và các địa phương để nắm bắt nhu cầu nhân lực, đóng góp trí tuệ tham gia xây dựng, phản biện chính sách phát triển kinh tế - xã hội.


TS. Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch thường trực

UBND thành phố Đà Nẵng phát biểu 

Thực tiễn cho thấy, mỗi khi các địa phương có nhu cầu về nhân lực để phát triển một ngành/lĩnh vực nào, ĐH Đà Nẵng đều chủ động, nhanh chóng đáp ứng điển hình như đã đóng góp phát triển nhiều ngành mũi nhọn như: Công nghiệp Dầu khí, Ô tô, Du lịch, dịch vụ khách sạn, nghỉ dưỡng…

Theo PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ, Vùng BTB-DHTB gồm 14 tỉnh, thành từ Thanh Hóa đến Bình Thuận có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng an ninh và đối ngoại; là "mặt tiền" của quốc gia, "khúc ruột" của Tổ quốc; là "cửa ngõ" ra biển cả, kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây; có nhiều thuận lợi về giao thông, có lợi thế về bờ biển dài và đẹp nhất Việt Nam và nhiều tiềm năng để phát triển cả về kinh tế biển, công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ…


Đồng chí Trần Anh Tuấn -Phó Chủ tịch

UBND tỉnh Quảng Nam phát biểu

Phân tích, nhận diện những hạn chế, bất cập và khó khăn từ thực tiễn trước yêu cầu đào tạo NNL đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, Giám đốc ĐH Đà Nẵng đã gợi mở một số nội dung xoay quanh chủ đề và các chủ thể của Hội thảo, mong muốn các đại biểu quan tâm thảo luận, đề xuất, hiến kế nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh để nâng cao chất lượng đào tạo NNL.

Tại Hội thảo, TS. Trần Đình Khôi Quốc - Trưởng Ban Đào tạo và Đảm bảo chất lượng giáo dục ĐH Đà Nẵng đã báo cáo tổng quan về vai trò đào tạo NNL CLC của ĐH Đà Nẵng cho các tỉnh, thành vùng BTB-DHTB. Báo cáo phân tích, đánh giá kết quả; nhận diện những hạn chế, bất cập; đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường gắn kết giữa các bên để nâng cao chất lượng đào tạo NNL.


GS.TSKH. Bùi Văn Ga 

Nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT phát biểu

Dưới sự dẫn dắt, gợi mở và cùng trao đổi của Chủ trì Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận các nội dung xoay quanh chủ đề, nêu lên những vấn đề về lý luận và thực tiễn trước nhu cầu, bối cảnh phát triển vùng và các địa phương đòi hỏi cần nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm trong đào tạo NNL CLC; gắn kết giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, nhất là đối với các ngành mũi nhọn, tạo đột phá để phát triển dựa trên các nền tảng của Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư như Trí tuệ nhân tạo, Vi mạch bán dẫn, Công nghệ thông tin… tham gia mạng sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu; đáp ứng nhu cầu hội nhập và cạnh tranh trên thị trường lao động khu vực và quốc tế.

Theo GS.TS. Lê Quân - Giám đốc ĐH Quốc Gia Hà Nội, nói đến giáo dục ĐH trong bối cảnh ngày nay là phải nói đến giáo dục chất lượng cao, cần đi trước để có NNL CLC. Cần chú trọng đến phân khúc trong chiến lược đào tạo, theo đó các ĐH hàng đầu trong đó có ĐH Đà Nẵng làm nòng cốt của vùng BTB-DHTB cần tiên phong, hướng đến đào tạo tài năng, tập trung ưu tiên các ngành công nghệ số. Muốn vậy cần có cơ chế đột phá, thực sự tự chủ và các chính sách để thu hút các nhà khoa học và sinh viên xuất sắc.

Các đại biểu trao đổi, thảo luận

Theo PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ GDĐH, Bộ GDĐT đề xuất, gợi mở, các cơ sở giáo dục ĐH cần chủ động có kế hoạch tăng cường năng lực đội ngũ giảng viên, đầu tư cơ sở vật chất để đáp ứng các yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, chủ động xây dựng chiến lược phù hợp với định hướng phát triển Vùng và cả nước.  

Theo Trung tướng Thái Đại Ngọc, UV BCH Trung ương Đảng, UV Quân uỷ Trung ương, Tư lệnh Quân khu 5, với tinh thần của Nghị quyết số 26-NQ/TW, Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị, ĐH Đà Nẵng hội đủ truyền thống, tiềm lực và vị thế để phát triển thành ĐH Quốc gia, gắn kết giữa đào tạo NNL phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng trên địa bàn chiến lược của vùng BTB-DHTB.

Các đại biểu trao đổi tại Hội thảo

Trên cơ sở các phát biểu của lãnh đạo các địa phương như thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam cũng như các doanh nghiệp, các ý kiến đại biểu có sự thống nhất cao với chủ trương, nhiệm vụ phát triển ĐH Đà Nẵng thành ĐH Quốc gia để có cơ chế, nguồn lực cùng với 02 ĐH Quốc gia ở hai đầu đất nước tiên phong, nòng cốt trong đào tạo NNL CLC không những cho khu vực và cả nước mà còn hướng tới thị trường lao động toàn cầu.

Phát biểu có tính chất tổng kết Hội thảo, PGS.TS. Hoàng Minh Sơn - Thứ trưởng Bộ GDĐT bày tỏ niềm vui, chúc mừng ĐH Đà Nẵng nhân dịp kỷ niệm 30 năm xây dựng và phát triển. Đánh giá cao ý nghĩa và mục đích của Hội thảo thể hiện vai trò, trách nhiệm của ĐH Đà Nẵng trong hệ thống giáo dục ĐH nước nhà, nhất là sứ mệnh đào tạo NNL CLC để góp phần phát triển kinh tế - xã hội của vùng và đất nước, Thứ trưởng Bộ GDĐT nhấn mạnh, tóm gọn các nội dung được thảo luận, thống nhất từ Hội thảo, đó là 02 từ khóa “trọng điểm” và “gắn kết”.

PGS.TS. Hoàng Minh Sơn 

Thứ trưởng Bộ GDĐT phát biểu tổng kết

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, trọng điểm là cần xác định các ngành, lĩnh vực then chốt để tập trung đầu tư trọng tâm, trọng điểm, nâng cao chất lượng đào tạo NNL gắn với nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo. Có như vậy mới thu hút được nhân tài, ở đây là các nhà khoa học, chuyên gia, sinh viên xuất sắc tạo nên nền giáo dục CLC cho vùng BTB-DHTB.

Gắn kết ở đây có thể hiểu vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp, phương thức phù hợp với xu thế và nhu cầu của các bên trong đào tạo NNL CLC. Đó là gắn kết các chủ thể giữa ba nhà, giữa đào tạo và phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; giữa nhà trường và các nhà tuyển dụng, sử dụng NNL; giữa các trường ĐH với nhau và với các trường THPT, từ đó phát triển tạo nguồn học sinh, sinh viên tài năng từ sớm, đưa công nghệ ứng dụng vào trường học để nâng cao chất lượng đào tạo…


ĐH Đà Nẵng khẳng định rõ vai trò nòng cốt,

tiên phong trong sứ mệnh đào tạo NNL CLC

Trân trọng cám ơn đại biểu đã dành thời gian tham dự, phát biểu hết sức tâm huyết đóng góp vào thành công của Hội thảo, Giám đốc ĐH Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Vũ cho biết, Hội thảo đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các địa phương, nhất là Bộ GDĐT và thành phố Đà Nẵng; sự tham gia tích cực của các cơ quan, tổ chức, các nhà lãnh đạo, quản lý, nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia, doanh nhân với hơn 70 báo cáo tham luận công bố trên Kỷ yếu của Hội thảo.

Giám đốc ĐH Đà Nẵng tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn và các đại biểu, thể hiện trách nhiệm, sự gắn kết, đồng hành của các bên đối với sứ mệnh đào tạo NNL CLC, một trong ba đột phá chiến lược để phát triển đất nước.


Gắn kết trong đào tạo NNL CLC

cho các tỉnh thuộc vùng BTB-DHTB

theo Nghị quyết số 26-NQ/TW

Kết quả Hội thảo cung cấp thêm luận cứ, số liệu khoa học và thực tiễn; nhận diện các thách thức và góp ý, đề xuất, hiến kế với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, nhất là Bộ GDĐT và các địa phương, doanh nghiệp có thể tham khảo, từ đó cùng tham mưu với Chính phủ chỉ đạo, hoàn thiện cơ chế chính sách phù hợp, hỗ trợ thúc đẩy gắn kết hơn nữa trong đào tạo NNL CLC, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, Giám đốc ĐHĐN Nguyễn Ngọc Vũ nhấn mạnh.

Trung tâm TT-HL và Truyền thông ĐHĐN

Kính mời xem các tin khác:

ĐHĐN tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc tế về phát triển đại học bền vững chào mừng 30 năm xây dựng và phát triển

Báo Giáo dục và Thời đại: Sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần phát triển vùng và đất nước

Báo Đà Nẵng: Đột phá từ nguồn nhân lực chất lượng cao

In
433 Đánh giá bài viết:
4.6

BÀI VIẾT MỚI